Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ngôi sao không bao giờ tắt

08:31 25/08/2021

Ngày 25/8/2021, cả nước kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại được cả thế giới biết đến và là niềm yêu kính, tự hào, biết ơn của hàng chục triệu người dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của Nhân dân. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), là con của ông Võ Quang Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kiên. Ông Nghiêm là nhà nho nghèo yêu nước, nhiều lần thi không đỗ nên ở nhà làm nghề cắt thuốc bắc. Bà Kiên làm ruộng, phụ giúp chồng nuôi các con. Từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã có tư chất thông minh, ham học. Năm 1925, ông vào học ở Huế, sau đó tham gia hoạt động trong phong trào học sinh ở đây. Năm 1927, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học và về lại quê nhà. Tại đây, ông tham gia Tân Việt cách mạng Đảng, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Tại Huế, Võ Nguyên Giáp làm việc ở Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, trụ sở đặt ở phố Đông Sa. Tại đây, Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết KT-XH, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về.

Đầu tháng 10/1930, trong sự kiện Xô-viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế). Sau 2 năm ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ hợp pháp của Đảng ở Hà Nội, là biên tập viên các báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”…

Ngồi nhà thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh Internet

Tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp lúc ấy đang là giáo viên dạy Sử ở Trường Tư thục Thăng Long, đã giã từ vợ trẻ, con thơ, bí mật cùng đồng chí Phạm Văn Đồng vượt biên giới Lào Cai, Hà Khẩu, qua sông Nậm Tì đến Vân Nam rồi lên Côn Minh (Trung Quốc) nhận nhiệm vụ mới.

Trong cuốn hồi ký của mình, Võ Nguyên Giáp đã ghi lại một thời khắc đặc biệt. Đó là vào tháng 6/1940, trên con thuyền ở Thúy Hồ, Võ Nguyên Giáp đã gặp một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt rất sáng, mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám. “Tôi nhận ra ngay đó chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc… Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi thấy mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị”(*).

Những lần gặp tiếp theo, Bác đã mở mang tầm nhận thức cho ông về nhiệm vụ chống Nhật, sau đó, cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng lên Diên An học tập chính trị và quân sự. Năm 1941, Võ Nguyên Giáp trở về Pác Bó (Cao Bằng) gặp Bác. Tại đây, Bác thành lập tờ báo Việt Nam độc lập và giao Võ Nguyên Giáp viết một số bài cho tờ báo này, sau đó giao nhiệm vụ đi mở lớp luyện cán bộ.

Tôi luyện qua thử thách, Võ Nguyên Giáp đã trưởng thành về chính trị, quân sự. Tháng 9/1944, Bác bày tỏ ý định thành lập đội quân giải phóng, trong một cuộc họp, Bác đã hỏi: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?”, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Có thể được”.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944. Ảnh tư liệu

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, làm lễ tuyên thệ 10 lời thề danh dự. Không phụ lòng tin tưởng, yêu mến của Bác, dưới sự chỉ huy, dẫn dắt của đồng chí Võ Nguyên Giáp, lực lượng quân đội ngày càng lớn mạnh. Từ chỗ 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, quân đội đã phát triển lên hàng nghìn người.

Ngày 30/11/1946, Bác Hồ đã ban sắc lệnh ủy quyền Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ngày 20/1/1948, sau các trận đánh mở màn Phay Khắt, Nà Ngần và chiến dịch Thu Đông 1947, Bác ký Sắc lệnh 110-SL, phong Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia, giữ cấp hàm Đại tướng không theo cấp bậc quân hàm thứ tự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã quyết định giao toàn quyền cho Đại tướng với những câu nói nổi tiếng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận”, “Tướng quân tại ngoại”, “Trao cho chú toàn quyền…”. "Khi chia tay, Bác nhắc: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh. Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng” (*)…

Trọng trách lớn lao và sứ mệnh thiêng liêng khiến Đại tướng mất ăn, mất ngủ, vò đầu suy nghĩ nước cờ chiến trận: kéo pháo vào, kéo pháo ra, đánh nghi binh, đào hào, đánh thọc sâu vào sào huyệt địch… Thắng lợi rực rỡ của trận Điện Biên “chấn động địa cầu” đã khẳng định tài chỉ huy, trí thông minh tuyệt vời và sự quyết đoán trong những thời khắc quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ hơn 20 năm đã kết thúc vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi là của toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng cũng thể hiện vai trò chỉ huy quân đội của “Tướng Giáp” với tầm nhìn chiến lược và tài điều binh khiển tướng. Quân đội Việt Nam ngày càng lớn mạnh với đủ các binh chủng, các sư đoàn, binh đoàn, đại đoàn, hợp đồng tác chiến với nhiều lực lượng.

Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vang xa ngoài bờ cõi, được bạn bè quốc tế ca ngợi và cả kẻ thù cũng phải kính nể. Sách “Bách khoa toàn thư - Almanach” xếp Võ Nguyên Giáp vào danh sách các tướng giỏi của thế giới ngang với Cu-tu-dốp (Nga) và Na-pô-lê-ông (Pháp)…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào ngày 4/10/2013, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cả cuộc đời Đại tướng đã cống hiến, hy sinh cho dân tộc. Dù đã đi xa, vị Đại tướng của hòa bình vẫn luôn sống giữa lòng yêu mến, kính phục của Nhân dân. Ngôi sao sáng ấy đã và sẽ mãi còn lung linh trên bầu trời Việt Nam.

(*) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký. NXB Quân đội nhân dân 2011.



Ý kiến bạn đọc