KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HUỲNH TẤN PHÁT (15/2/1913-15/2/2023): KIẾN TRÚC SƯ HUỲNH TẤN PHÁT TRONG KÝ ỨC VÀ TÌNH CẢM CỦA BẠN BÈ, ĐỒNG CHÍ

15:30 13/02/2023

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều vị trí quan trọng khác nhau, dù ở cương vị nào, ông cũng đem hết công sức, trí tuệ, tâm huyết để cống hiến cho lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân. Với tài năng và những phẩm chất tốt đẹp, ông đã để lại những tình cảm, ấn tượng đặc biệt trong lòng bạn bè, đồng chí, đồng đội.

Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên cơ quan Mặt trận tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Năm 1931, sau khi tốt nghiệp trung học ở Sài Gòn (nay là TPHCM), ông ra Hà Nội và thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1936, ông tốt nghiệp thủ khoa kiến trúc và trở thành kiến trúc sư.

Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1946, ông bị địch bắt. Đến tháng 11/1947, ông được trả tự do. Năm 1962, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1969 tại Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1976, ông được Quốc hội cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 6/1982, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Đồng thời được Đảng, Nhà nước, MTTQ tặng nhiều huân, huy chương cao quý.

Khi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát qua đời (ngày 30/9/1989), các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam… bạn bè, đồng chí, các tầng lớp nhân dân đã tới tiễn đưa và gửi gắm rất nhiều tình cảm kính trọng, thương nhớ, trong sổ tang:

Ông Bảo Ánh Giang - nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh viết: “Từ 20 tuổi tôi đã biết anh và trải qua hai cuộc kháng chiến biết bao lần gặp anh… Ở cương vị thấp cũng như khi ở cương vị cao đời anh trước sau cũng giản dị, khiêm tốn, dễ gần”.

GS. BS Trần Cửu Kiến viết: “Nhớ ngày nào chúng ta hoạt động chung trước ngày Cách mạng Tháng Tám và anh đưa tôi vô Sài Gòn làm công tác trí vận, lúc ở trong R (mật danh của Trung ương cục Miền Nam). Anh thật là một người anh lớn mà chúng tôi rất kính mến, một trí thức cách mạng nhiệt tình, luôn luôn lạc quan trong những lúc khó khăn, một cán bộ liêm chính, cần cù, chất phác”...

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (30/9/1989 - 30/9/1994), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cho ra mắt cuốn sách “Làm đẹp cuộc đời - Huỳnh Tấn Phát con người và sự nghiệp”, tập hợp các bài hồi ức về ông. Cuốn sách được tái bản bổ sung vào năm 2003 với tên “Huỳnh Tấn Phát - cuộc đời và sự nghiệp”. Trong cuốn sách, hình ảnh kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - một nhà trí thức cách mạng yêu nước nhiệt thành, một tài năng và nhân cách lớn với phong cách thân thiện và nụ cười đôn hậu không bao giờ phai nhạt trong ký ức và tình cảm của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè.

GS Trần Văn Giàu - nguyên Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, người đã kết nạp kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vào Đảng đã viết về ông: “Ít nói nhưng khi nói thì được nhiều người nghe theo, ít trình diện trước đám đông, mà khi ra mắt đồng bào thì lời lẽ sáng tỏ, hùng hồn, lôi cuốn. Riêng con người Huỳnh Tấn Phát tự nhiên thu hút, gây cảm tình, gương mặt, nụ cười, tướng đi, cử chỉ bình thường, thảy thảy đều vẽ lên một con người khiêm tốn, đoàn kết. Con người ấy là một con người chân thành cách mạng, hoạt động vì lý tưởng độc lập, xã hội chủ nghĩa mà không vướng víu bất kỳ một quyền lợi cá nhân ích kỷ nào. Có năng lực. Có nhân cách. Được yêu mến và kính trọng bởi tài nghệ và hoạt động”.

Ông Hồ Xuân Sơn - nguyên Ủy viên Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ghi lại cảm nhận về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát khi làm việc với ông năm 1962: “Cảm tưởng đầu tiên của tôi về kiến trúc sư đó là một người am hiểu khá sâu, khá tường tận về tầng lớp trí thức tại Sài Gòn - Gia Định, có nhiều khả năng là kinh nghiệm vận động, thuyết phục anh chị em trí thức đứng hẳn vào cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược và chính quyền bù nhìn tay sai của chúng. Đặc biệt kiến trúc sư có thái độ và cách cư xử dễ chinh phục lòng người, có tấm lòng rộng mở và nụ cười dễ mến”.

Trong một cuộc gặp gỡ thân mật với anh chị em trí thức sau ngày đất nước thống nhất, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn xúc động kể về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát: “Chiều hôm ấy, bằng lời nói thật chân tình, tận đáy lòng, bằng thái độ rất trân trọng đối với anh chị em chúng tôi, nhà kiến trúc sư ấy đã bắt đầu xây dựng tòa nhà đoàn kết, đại đoàn kết đội ngũ hai miền, góp phần quý báu vào hình thành lực lượng đông đảo trí thức Việt Nam ngày hôm nay, đang đứng vững khắp mọi miền đất nước trên bục giảng, trong phòng thí nghiệm, trong bệnh viện, trên công trường, nông trường, nhà máy,... mong góp sức lực, trí tuệ, vì giàu mạnh của đất nước, vì ấm no hạnh phúc của dân tộc”.

Nhà báo Thép Mới viết về ông: “Cái cách anh quan hệ ứng xử với các bạn trí thức đến với cách mạng cũng có nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho “Than hồng nhen thành lửa ngọn”. Anh thuyết phục bằng chính con người anh, một người Sài Gòn lẽ ra có thể sống ít nhiều vương giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà anh dấn thân trường kỳ, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách tự nhiên, trong trẻo”.

Cuộc đời hoạt động của ông Huỳnh Tấn Phát gắn với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, và ông làm công tác Mặt trận bằng cả trái tim mình. Trong cuốn sách Những ánh sao Khuê, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, người từng là thư ký cho Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nhận xét: “Một phẩm chất rất đáng quý ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là: Dù giữ cương vị cao trong Đảng, Nhà nước và Mặt trận song không bao giờ dựa vào đó để buộc người khác làm theo ý kiến mình, mà luôn vận động, thuyết phục chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung và nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng khác trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh đã cảm hóa được nhiều trí thức miền Nam ở lại để cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và không ít người đã lập công lớn đối với dân tộc”.

Nguyễn Phượng Hùng/mattran.org.vn



Ý kiến bạn đọc