Hà Tĩnh thực hiện thí điểm tỉnh nông thôn mới
Những bức tường hút khách ở thôn Phong Giang (xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Đề án tập trung nâng cấp, nâng tầm tất cả các tiêu chí. Cụ thể, ngoài việc có 100% số huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì tất cả các tiêu chí đều phải nâng cấp, nâng tầm ở nhiều nội dung. Mục đích là xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh phát triển toàn diện, nổi bật cả về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Trong đó, một số tiêu chí đặt ra khá cao như: Phải có 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 10% huyện đạt chuẩn nâng cao; tối thiểu 30% tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tối thiểu 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn trên 70%; phải có tua tuyến du lịch NTM hoạt động hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người tối thiểu bằng 1,2 lần so với bình quân đầu người khu vực Bắc Trung Bộ tại thời điểm công nhận; tỷ lệ hàng rào xanh tại các công sở phải đạt 100%, ở các thôn xóm tối thiểu 80%; các thôn xóm phải có câu lạc bộ văn hóa, thể thao hoạt động hiệu quả nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống…
Đối với tổ chức sản xuất, yêu cầu có vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đạt tối thiểu 60% tổng quy mô; có nhà máy chế biến nông sản chủ lực của tỉnh.
Mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, toàn tỉnh có tối thiểu 50 sản phẩm đạt 4 sao và có sản phẩm đạt 5 sao. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với từng nội dung tối thiểu đạt 80%, đối với câu hỏi tổng hợp chung tối thiểu 90% và không có nợ đọng xây dựng cơ bản…
Nhìn lại quá trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh cho thấy, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân ở địa phương này vào cuộc một cách quyết liệt và dành được những kết quả quan trọng. Sự đoàn kết, sáng tạo đã tạo ra “thế” và “lực” để Hà Tĩnh tăng tốc đạt chuẩn NTM trước năm 2025.
Năm 2010, bình quân tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí, có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào. Hầu hết các xã chỉ mới chỉ quy hoạch sử dụng đất đến 2010; các loại quy hoạch theo yêu cầu xây dựng NTM chưa có. Hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản chưa đạt chuẩn.
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, thiếu bền vững, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt dưới 2%; thu nhập bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn tới 23,91%...
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, Hà Tĩnh đã bứt tốc ở tất cả các lĩnh vực. Toàn tỉnh có đến 201 xã đạt chuẩn (chiếm 88% tổng số xã); có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 huyện đạt chuẩn NTM (Nghi Xuân, Can Lộc); thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn (Vũ Quang, Đức Thọ và Lộc Hà); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng. Đáng nói, theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ hài lòng của người dân ở các xã đạt chuẩn NTM đều đạt trên 90%.
Ông Trần Huy Oánh- Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh nhận định, Hà Tĩnh được lựa chọn xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM là cơ hội “vàng”, thúc đẩy kinh tế, xã hội. “Cuộc cách mạng xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh Đảng, Nhà nước giao phó mà còn góp phần bồi dưỡng, sàng lọc đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, tâm huyết trước thềm Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025”- ông Oánh nói.
Hạnh Nguyên- Báo Đại đoàn kết