HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận nhiều kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11

09:04 20/12/2022

Sáng nay (15/12), HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 11 để xem xét, đánh giá toàn diện tình hình phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2022; thống nhất chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và quyết nghị một số cơ chế, chính sách quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Cùng dự có ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ thông qua chương trình kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2022, trong bối cảnh chung nhiều thách thức, khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu chưa đạt.

Để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ bàn, quyết định các nhóm vấn đề trọng tâm: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2022; thống nhất chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, đầu tư công và thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu khai mạc kỳ họp

Quyết nghị một số chính sách quan trọng, có ý nghĩa tác động lớn đối với phát triển KT-XH như: Phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; cơ chế huy động, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; quy định mức thu học phí; chính sách hỗ trợ học phí...

HĐND tỉnh cũng cho ý kiến báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; báo cáo kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo về hoạt động giám sát, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ tỉnh và một số nội dung quan trọng khác.

HĐND cũng sẽ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề đại biểu hội đồng đề xuất và cử tri quan tâm.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng đề nghị các vị đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận và chất vấn các nội dung kỳ họp. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh mong muốn cử tri và Nhân dân tỉnh nhà tham gia ý kiến các nội dung.

Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 ước đạt 3,98%; trong đó: khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,23% (công nghiệp giảm 8,66%, xây dựng tăng 24,88%), khu vực nông nghiệp tăng 0,83%, khu vực dịch vụ tăng 13,08%.

Quy mô nền kinh tế năm 2022 ước đạt gần 93.000 tỷ đồng. Về cơ cấu nền kinh tế: khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,2% (công nghiệp chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%); khu vực nông nghiệp chiếm 15%; khu vực dịch vụ chiếm 44,8%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước giảm 16% so với năm 2021. Các mô hình dồn điền, đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển mạnh, cho hiệu quả rõ nét; đến nay tổng diện tích đạt trên 6.336 ha (tăng thêm trên 1.960 ha). Năng suất, sản lượng lúa vụ xuân và hè thu tương đương các năm gần đây; tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt trên 61,82 vạn tấn; các ổ dịch bệnh chăn nuôi phát sinh được kiểm soát.

Một số nội dung, tiêu chí tỉnh NTM chuyển biến tích cực như: tiêu chí quy hoạch (đạt 100%), tiêu chí giáo dục và y tế (đạt khoảng 80%), tiêu chí giao thông (đạt khoảng 70%), tiêu chí môi trường và cảnh quan nông thôn (đạt khoảng 60%)...

Toàn tỉnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 69%; 177/181 xã đạt chuẩn, đạt 98%, 50/181 xã đạt chuẩn nâng cao, đạt 27%, 7/181 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, đạt 3,87%. Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu, công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tăng cường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 52.822 tỷ đồng, tăng 26%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 6.072 tỷ đồng, tăng 74%; doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 5.458 tỷ đồng, tăng 26%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, đạt 90% kế hoạch, giảm 10% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,4 tỷ USD, đạt kế hoạch đề ra, tăng 3% so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch phục hồi tích cực sau gần 2 năm “đóng băng”; tổ chức lễ khai trương du lịch biển cấp tỉnh và nhiều hoạt động kích cầu du lịch; lượng khách đến Hà Tĩnh ước đạt gần 1,8 triệu lượt, cao hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Thu ngân sách ước đạt 16.900 tỷ đồng, đạt 103,68% dự toán, tương đương so với năm 2021, trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.100 tỷ đồng, đạt 103,8% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 8.800 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán. Chi ngân sách ước đạt 20.035 tỷ đồng, đạt hơn 98% dự toán.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 40.124 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch, tăng 41% so với năm 2021. Giải ngân đầu tư công ước đạt trên 8.500 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch.

Chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD.

Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đôn đốc các chủ đầu tư, phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến nay đã hoàn thành công tác cắm mốc GPMB trên toàn tuyến; việc kiểm đếm đạt 96,16%, đền bù đạt 81,2%, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 81% khối lượng, vượt tiến độ Trung ương giao.

Năm 2022, Hà Tĩnh tổ chức thành công các sự kiện chính trị - xã hội lớn. Về lĩnh vực giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp học, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,51%, điểm bình quân đứng thứ 9 toàn quốc, tăng 9 bậc so với năm 2021; xếp thứ 5 toàn quốc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Duy trì hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại các tuyến, chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở; làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; hoàn thành hỗ trợ gần 2 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 1.314 người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hoàn thành xây dựng 55 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và hơn 3.600 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai với kinh phí xã hội hóa gần 358 tỷ đồng.

QP-AN được tăng cường, không để xảy ra các điểm nóng, phát huy tốt vai trò lực lượng công an xã chính quy. Các hoạt động đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào được đẩy mạnh, tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.

Cùng với chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Năm 2023, Hà Tĩnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm theo Nghị quyết Đảng bộ các cấp đã đề ra. Theo đó, phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM; nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, thương mại, dịch vụ. Tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng để hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế. Tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường.

Phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác tư pháp, thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung giải quyết tồn đọng. Tăng cường củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Tiếp đó, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2022; phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 ; Tờ trình kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 47/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 áp dụng cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023; các Tờ trình: Quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; Cơ chế huy động, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.

Cũng trong chương trình buổi sáng, HĐND tỉnh tiếp tục nghe Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo báo cáo tình hình thực hiện biên chế năm 2022; kế hoạch biên chế năm 2023. Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trình bày Tờ trình về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023 – 2025. Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn báo cáo Tờ trình về chính sách phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng trình bày Tờ trình chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập đọc Tờ trình chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp thông qua Tờ trình chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025; Tờ trình quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh cũng đã nghe Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hoàng Anh Đức báo cáo tóm tắt của Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2022.

Cuối buổi sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã thay mặt UBND tỉnh trả lời 9 ý kiến cử tri về lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, nông thôn và đô thị; 8 ý kiến về tài nguyên và môi trường; 5 ý kiến về đầu tư, giao thông, xây dựng và các công trình dự án; 11 ý kiến về văn hóa xã hội và 8 ý kiến về các lĩnh vực khác

Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp

Ngu ồn: baohatinh.vn



Ý kiến bạn đọc