Hà Tĩnh: Thành quả ba mươi năm đáng tự hào và trân trọng

08:45 30/08/2021

Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII thông qua quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh trở lại thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tiếp đó, ngày 16/8/1991, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh ra Nghị quyết số 26-NQ/TU về tiến hành chia tỉnh Nghệ Tĩnh ra 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tháng 9/1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập với bộn bề khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất cả nước (trên 58%), cơ sở hạ tầng yếu kém, thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt 38 tỷ đồng…Trong lúc đó, “điểm nóng” nổi lên ở nhiều nơi, 28 xã có sự việc trầm trọng; cán bộ các ban, ngành ở tỉnh thiếu và yếu, hầu hết chỉ có cấp phó, một số ngành không có lãnh đạo…

Đường Phan Đình Phùng - TX Hà Tĩnh năm 1993. Ảnh: Sỹ Ngọ

Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 17 đồng chí, có 4 đồng chí Thường vụ từ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh tách ra đã kịp thời lãnh đạo Nhân dân tỉnh nhà vượt qua khó khăn, từng bước ổn định tình hình để phát triển. Sau 30 năm, đã kinh qua 7 lần đại hội, vào thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo toàn dân đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước làm thay đổi bộ mặt của tỉnh nghèo. Kết quả đạt được thật đáng trân trọng.

Có được kết quả như ngày nay, trước hết là nhờ những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với tình hình, đã phát huy được truyền thống và ý chí cách mạng của người Hà Tĩnh, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân đồng lòng, chung sức với quyết tâm xây dựng quê hương.

Nhân viên khối ngân hàng diễu hành trong lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (năm 1995). Ảnh: Sỹ Ngọ

Để giải quyết đói nghèo và tình hình bất ổn, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, dựa vào dân, tập trung vào khâu đoàn kết nội bộ và mặt trận nông nghiệp, nông thôn, nông dân với chủ trương ổn định để phát triển. Trước tiên là giải quyết “điểm nóng” và chuyển dịch cơ cấu, mùa vụ. Chuyển vụ chiêm thành vụ hè thu, vụ mùa sang vụ đông xuân, mở thêm sản xuất vụ đông, đưa bộ giống mới vào cùng với tận dụng các công trình thủy lợi, tu bổ hệ thống kênh mương tưới tiêu…

Những năm qua, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha.

Kết quả là toàn tỉnh đã đưa sản lượng lương thực từ gần 20 vạn tấn (năm 1991) lên hơn 33 vạn tấn (năm 1995), rồi hơn 48 vạn tấn (năm 2005) và đến nay trên 54 vạn tấn; tập trung giải quyết cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từ giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá, nhà ở của dân, đến việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp…

Đặc biệt, đã đề ra chủ trương xây dựng nông thôn mới (Nghị quyết 02-NQ/TU), xóa nhà tranh tre dột nát (Chỉ thị 14-NQ/TVTU) đem lại hiệu quả rất thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, nông thôn Hà Tĩnh trở lại yên bình và đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hộ nghèo giảm nhanh, đến nay còn dưới 3%, nhiều xã trở thành xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, tộc người Chứt ở Hà Tĩnh được thoát họa tuyệt chủng v.v...

Xây dựng nông thôn mới làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Từ kinh nghiệm đạt được ở Hà Tĩnh, Trung ương đã vận dụng và đề ra các chủ trương cho cả nước, như: xây “nhà đại đoàn kết” (năm 2004), Nghị quyết về “tam nông” (năm 2008), một số sáng tạo trong thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” (năm 2010)…

Có thể nói phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay từ đầu đã là “đặc sản” của Hà Tĩnh. Từ đó đến nay tiếp tục được phát huy, nâng cao, nhân lên và có nhiều sáng tạo; Hà Tĩnh đã trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng NTM, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và đang phấn đấu trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Nhận thức được muốn thoát nghèo bền vững, vươn lên giàu mạnh thì phải phát triển công nghiệp, Hà Tĩnh đã có những bứt phá đi lên với những cách làm năng động trong việc nắm bắt thời cơ. Đó là sớm đề ra chủ trương quy hoạch và xây dựng các khu kinh tế, hệ thống đô thị từ thành phố đến thị xã, thị trấn, thị tứ, trung tâm thương mại…

Khu kinh tế Vũng Áng

Khu kinh tế Vũng Áng được Chính phủ phê duyệt năm 1996, đã sớm ra đời các bến cảng, các nhà máy, đặc biệt Tập đoàn Formosa đầu tư xây dựng khu luyện thép với công suất 7,5 triệu tấn/năm, Vũng Áng đã và đang trở thành một trong những khu công nghiệp lớn của cả nước. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo - Đường 8 ra đời năm 1998 đã trở thành điểm nhấn quan trọng mở ra liên kết thông thương với Lào và Thái Lan; có năm hải quan đã thu về cho ngân sách gần 700 tỷ đồng. Hiện nay, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang là cửa khẩu quốc tế quan trọng của đất nước.

Thị xã Hà Tĩnh đã được công nhận thành phố, rồi đô thị loại II. Hình thành dần trục liên kết TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân gắn liền với đô thị các tỉnh Bắc Trung Bộ, hình thành chuỗi thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ cùng với các xã NTM liên thông về kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh và vùng lân cận.

TP Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Huy Tùng

Mở rộng không gian và môi trường phát triển Đông - Tây, Bắc - Nam, tạo lợi thế và thời cơ mới thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tiếp tục đầu tư vào Hà Tĩnh nhằm chuyển dịch nền kinh tế theo hướng công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển kinh tế với xã hội, môi trường với công nghiệp xanh, công nghệ tái tạo trong thời đại công nghệ 4.0, để có bước đi nhanh, thích hợp và bền vững.

Ba mươi năm, thời gian chưa dài nhưng Hà Tĩnh đã có những bước phát triển đột phá đáng tự hào. Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng bộ với những chủ trương đúng và cách làm phù hợp trên bước đường phát triển của một tỉnh nghèo. Đảng bộ đã tập trung vào công tác xây dựng Đảng mà khâu quan trọng là đoàn kết từ trong nội bộ các cấp làm nòng cốt đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế và nắm bắt thời cơ, đồng lòng, chung sức để phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tin tưởng rằng, với truyền thống và bề dày lịch sử, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, mạnh mẽ vươn lên làm thay đổi diện mạo tỉnh nhà trên con đường “phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”, thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ “phải làm sao cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên”.

(Nguồn: Baohatinh.vn)



Ý kiến bạn đọc