Hướng dẫn một số nội dung thực hiện các hoạt động giám sát
Thực hiện Quyết định 217/QĐ-TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; để việc triển khai các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo đúng quy trình, quy định, thiết thực và hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn một số nội dung thực hiện các hoạt động giám sát như sau:
I. Đối tượng giám sát
- Hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên
- Hoạt động của Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
- Hoạt động của Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.
- Hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
- Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
- Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.
II. Nội dung giám sát
1. Đối với tổ chức đảng: Giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách.
2. Đối với Hội đồng nhân dân cùng cấp: Giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân .
3. Đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc: Giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước cùng cấp.
4. Đối với Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác: Giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động xét xử, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
5. Đối với cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước: Giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc giữ mối liên hệ với nhân dân và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
6. Đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp: Giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.
III. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm
Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương để xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát của tổ chức mình gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổng hợp để xây dựng kế hoạch giám sát tổng thể của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội báo cáo xin ý kiến cấp ủy cùng cấp. Sau khi cấp ủy cùng cấp đồng ý chủ trương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giám sát của đơn vị mình theo nội dung các chuyên đề đã đăng ký. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức giám sát ngoài nội dung đã đăng ký nhưng cần báo cáo với cấp ủy và thông báo với chính quyền cùng cấp, thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để hỗ trợ triển khai thực hiện việc giám sát.
Định kỳ cuối từng quý, sáu tháng, cuối năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc báo cáo với cấp ủy và thông báo với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát bằng văn bản để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu và giải quyết các kiến nghị giám sát.
IV. Quy trình tổ chức đoàn giám sát
Bước 1: Công tác chuẩn bị và thành lập Đoàn giám sát
1. Thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động giám sát
- Trường hợp giám sát tại một cơ quan, tổ chức (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp): Người đứng đầu cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội có yêu cầu giám sát thông báo với cơ quan quản lý nhà nước là cấp trên của cơ quan, tổ chức được giám sát về hoạt động giám sát.
- Trường hợp giám sát nhiều cơ quan, tổ chức trong địa bàn một tỉnh, huyện: Người đứng đầu Ủy ban MTTQ hoặc tổ chức CTXH chủ trì giám sát thông báo với lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện về hoạt động giám sát.
2. Xác định cơ quan, tổ chức được giám sát
Trước khi ra quyết định giám sát, cơ quan chủ trì giám sát cần thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin và đề xuất các nội dung cần giám sát đối với cơ quan, tổ chức được giám sát, gồm các nội dung sau:
- Khái quát về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giám sát.
- Các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức được giám sát; các thông tin liên quan đến những nội dung dự kiến giám sát.
- Nhận định những vấn đề nổi cộm, có dấu hiệu vi phạm, những vấn đề nhân dân quan tâm; đề xuất những nội dung cần giám sát và cách thức thực hiện.
3. Ban hành quyết định giám sát
Căn cứ kết quả khảo sát, nắm tình hình, cơ quan chủ trì giám sát ban hành quyết định giám sát. Nội dung quyết định giám sát gồm các nội dung sau:
- Căn cứ pháp lý để giám sát;
- Đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát;
- Thời gian, địa điểm tiến hành giám sát;
- Thành phần Đoàn giám sát (Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và các thành viên).
4. Xây dựng kế hoạch giám sát và đề cương yêu cầu báo cáo
Trưởng đoàn giám sát chủ trì xây dựng kế hoạch giám sát và đề cương yêu cầu báo cáo.
Kế hoạch giám sát gồm các nội dung: cơ quan, tổ chức được giám sát, mục đích, yêu cầu, nội dung giám sát; phương pháp tiến hành giám sát; thời gian giám sát và tiến độ thực hiện; chế độ thông tin báo cáo; việc sử dụng phương tiện, kinh phí và những điều kiện vật chất cần thiết khác phục vụ hoạt động của đoàn giám sát. Kế hoạch giám sát phải được thông báo, lấy ý kiến các thành viên của đoàn giám sát trước khi ban hành.
Đề cương yêu cầu báo cáo gồm các nội dung Đoàn giám sát cần nắm như : đặc điểm, tình hình, kết quả, khó khăn, giải pháp, kiến nghị đề xuất của cơ quan, tổ chức được giám sát.
5. Thông báo về quyết định giám sát và yêu cầu cơ quan, tổ chức được giám sát gửi báo cáo
Cơ quan chủ trì giám sát gửi quyết định giám sát (kèm theo kế hoạch giám sát, đề cương yêu cầu báo cáo) đến cơ quan, tổ chức được giám sát chậm nhất là 15 ngày trước khi tiến hành giám sát; yêu cầu cơ quan, tổ chức được giám sát gửi báo cáo theo đề cương yêu cầu báo cáo cho Đoàn giám sát chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày Đoàn tiến hành làm việc với cơ quan, tổ chức được giám sát.
Sau khi nhận được báo cáo của cơ quan, tổ chức được giám sát, Trưởng đoàn giám sát gửi cho các thành viên trong Đoàn để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến và thống nhất nội dung làm việc cụ thể của Đoàn.
Bước 2: Triển khai hoạt động giám sát
1. Tổ chức làm việc với cơ quan, tổ chức được giám sát
Thành phần tham dự làm việc gồm có: Đoàn giám sát, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan của cơ quan, tổ chức được giám sát. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn giám sát mời đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan tham dự làm việc.
Trưởng đoàn giám sát chủ trì làm việc, thông báo về quyết định giám sát, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương thức làm việc của Đoàn giám sát, chương trình làm việc cụ thể và những công việc khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn giám sát.
Người đứng đầu hoặc đại diện người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giám sát báo cáo về những nội dung theo đề cương yêu cầu báo cáo. Thành viên đoàn giám sát có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức được giám sát làm rõ thêm những nội dung đã báo cáo. Trưởng đoàn giám sát có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức được giám sát báo cáo bổ sung thêm những nội dung khác.
Trong trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát có thể đề nghị cơ quan, tổ chức được giám sát để Đoàn giám sát kiểm tra, khảo sát thực tế để làm rõ thêm những vấn đề thuộc nội dung giám sát. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giám sát có trách nhiệm tạo điều kiện để Đoàn giám sát kiểm tra, khảo sát thực tế.
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Đoàn giám sát có thể kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm.
Kết thúc chương trình làm việc, Trưởng đoàn giám sát trình bày tóm tắt quá trình giám sát và kết quả làm việc. Người đứng đầu hoặc đại diện người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giám sát có thể giải trình thêm và nêu các kiến nghị với Đoàn giám sát.
2. Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát
Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc giám sát, Đoàn giám sát có văn bản báo cáo kết quả giám sát gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp chủ trì giám sát. Trưởng đoàn giám sát chủ trì xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Dự thảo báo cáo kết quả giám sát phải được lấy ý kiến của các thành viên đoàn giám sát. Trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn giám sát tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về Dự thảo báo cáo kết quả giám sát.
Báo cáo kết quả giám sát phải bám sát nội dung, kế hoạch và mục tiêu giám sát, nêu rõ những nhận xét, đánh giá về từng nội dung đã tiến hành giám sát; những vi phạm, trách nhiệm đối với những vi phạm (nếu có); các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm. Những thành tích nổi bật, tính điển hình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức (nếu có). Những hạn chế của cơ chế, chính sách, pháp luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế (nếu có).
3. Ban hành văn bản về kết quả giám sát
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát. Căn cứ kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội có thể ban hành văn bản thông báo về kết quả giám sát, gửi văn bản kiến nghị cho cơ quan, tổ chức được giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì giám sát tổ chức phiên họp để xem xét báo cáo của Đoàn giám sát (có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức được giám sát).
Bước 3: Theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát
Sau khi kết thúc giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo dõi chặt chẽ việc giải quyết đối với những kiến nghị đã gửi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với những kiến nghị này.
V. Kinh phí thực hiện hoạt động giám sát
Kinh phí thực hiện hoạt động giám sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trên đây là một số hướng dẫn một số nội dung thực hiện các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.
|
TM. BAN THƯỜNG TRỰC PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Bùi Nhân Sâm |