Hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài năm 2017

14:38 16/03/2020

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2019 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số trọng tâm về công tác đối ngoại nhân dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như sau:

I. Công tác đối ngoại nhân dân

1. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước và các tổ chức thành viên tuyên truyền một số nội dung sau:

- Chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

- Nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị "về hội nhập quốc tế"; về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với tinh thần kiên quyết đấu tranh hòa bình bảo vệ chủ quyền quốc gia và thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (viết tắt là DOC); Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/7/2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

- Kết quả phân giới, cắm mốc biên giới hữu nghị trên đất liền với các nước láng giềng nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả hội nhập của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Nội dung và kết quả các chương trình hợp tác, bản ghi nhớ chương trình hợp tác với các tổ chức Mặt trận: Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Ủy ban Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Hiệp hội Nhân dân Singapore.

- Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.

2 . Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tăng cường phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân; Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động với Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị cùng cấp theo các nội dung:

+ Trao đổi kinh nghiệm, thông tin hai chiều.

+ Phối hợp trong các hoạt động tổ chức các đoàn ra, đón tiếp các đoàn vào.

+ Duy trì và tăng cường tiếp xúc với các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

+ Phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường công tác vận động viện trợ phi chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng đặc biệt tại các địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động đoàn kết hữu nghị với các nước như: Tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh các nước, tổ chức tuần lễ văn hoá các nước, Lễ kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, gửi Điện mừng nhân các ngày Lễ đến các cơ quan đại diện ngoại giao các nước có trụ sở tại địa phận của mình…

3. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở các tỉnh có chung biên giới với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) phối hợp với các ngành có liên quan tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác nhằm không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước; thực hiện các cam kết bảo đảm chủ quyền quốc gia, cụ thể:

- Các tỉnh có chung đường biên giới với Lào và Campuchia:

+ Phối hợp với các cơ quan hữu quan (cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức thành viên…) tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia

+ Tổ chức thăm hỏi, gặp gỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, các chiến sĩ tình nguyện đã chiến đấu và công tác tại Lào, Campuchia.Tổ chức thăm hỏi và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao... tại những nơi có cán bộ, học sinh, sinh viên Lào, Campuchia đang công tác, học tập.

+ Đôn đốc, giám sát việc thực hiện các hiệp định, thoả thuận cam kết giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm.

+ Tăng cường hoạt động giao lưu, kết nghĩa; đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh với các địa phương của nước bạn Lào, Campuchia.

+ Tỉnh nào chưa có Hội Hữu nghị Việt – Lào; Hội Hữu nghị Việt - Campuchia cần sớm được thành lập. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn và phát triển hội viên ở các tỉnh đã có Hội hữu nghị Việt – Lào; Hội Hữu nghị Việt - Campuchia

+ Phối hợp với các cơ quan hữu quan (cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức thành viên, Bộ đội biên phòng, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào; Hội Hữu nghị Việt - Campuchia ...) tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao, thăm hỏi, động viên các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia.

- Các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc:

Triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức giao lưu hữu nghị nhân dân giữa Việt Nam với Trung Quốc  tạo không khí hữu nghị, thiện chí, xây dựng tinh thần hiểu biết, tin cậy và thái độ tích cực của nhân dân hai nước. (Dự kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc chủ trì tổ chức Giao lưu nhân dân có sự tham gia của các tổ chức thành viên của Mặt trận và 7 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc và các địa phương có quan hệ kinh tế, thương mại lớn với Trung Quốc vào tháng 7/2017) .

4. Tiếp tục chủ động tham gia tìm hiểu, mở rộng hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước trong khối ASEAN, trao đổi kinh nghiệm công tác nhân dân tham gia quản lý xã hội, nhân dân tham gia quản lý cộng đồng; phối hợp tiếp đón các đoàn đại biểu quốc tế về thăm, làm việc ở địa phương; tổ chức vận động các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

II. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

1 . Phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tiếp tục thực hiện các nội dung Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; tăng cường nhiều hình thức động viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực trí tuệ, kinh tế tham gia thiết thực các chương trình an sinh xã hội ở địa phương; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân để tập hợp đề xuất kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với thực tiễn.

2 . Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và các tổ chức thành viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ở trung ương và địa phương, Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, Hội thân nhân và kiều bào các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài: (1) Bằng các hình thức thích hợp để tuyên truyền kết quả Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Nghị quyết số 27/NQ – CP của Chính phủ về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. (2) Hướng dẫn các tổ chức kiều bào ta ở nước ngoài và thân nhân kiều bào trong nước thành lập, kiện toàn Hội thân nhân kiều bào. Đổi mới phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực hiệu quả; khuyến khích và tạo điều kiện để các nhân tố tích cực, những người tiêu biểu trong cộng đồng kiều bào ở các nước đứng ra tập hợp kiều bào và tổ chức Hội theo sở thích nghề nghiệp và theo địa bàn. (3) Vận động người Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ pháp luật nước sở tại: tôn trọng phong tục tập quán, giá trị văn hoá, đạo đức của mỗi nước; góp phần xây dựng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị nhân dân với nước sở tại; tuyên truyền vận động Kiều bào giúp nhau ổn định cuộc sống, giữ vai trò làm cầu nối giữa các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở trong nước với ngoài nước. Thu hút nhân tài nổi bật về khoa học kỹ thuật, về quản lý kinh tế huy động những người có vốn đầu tư về xây dựng đất nước. (4) Giới thiệu thông tin về tình hình đổi mới của đất nước đến với Kiều bào, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài để tăng cường sự hiểu biết và lòng tin đối với kiều bào. (5) Thông qua hoạt động của Hội thân nhân kiều bào vận động kiều bào hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam về việc ủng hộ quỹ Vì người nghèo và các hoạt động xã hội, từ thiện khác. (6) Phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân ở các nước; thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, tuyên truyền về thành tựu đổi mới đất nước, vận động hỗ trợ nâng cao địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

3 . Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương triển khai các hoạt động liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài ở địa phương; tổ chức các chương trình gặp gỡ, giao lưu và các hoạt động thiết thực khác nhân dịp bà con người Việt Nam ở nước ngoài về quê hương đón Tết và dự các sự kiện quan trọng của đất nước.

4. Uỷ ban Mặt trận các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng như: Uỷ ban nhân dân tỉnh,  Sở Nội vụ ở các tỉnh có Hội thân nhân Việt kiều đề nghị thành lập các Hội thân nhân Việt kiều các cấp, đồng thời tiếp tục vận động nhân dân là thân nhân Việt kiều gia nhập Hội thân nhân Việt kiều các cấp tại địa phương; Thông qua Hội thân nhân Việt kiều, vận động kiều bào và thân nhân tham gia đề xuất, kiến nghị góp phần xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu những trí thức kiều bào có trình độ chuyên môn cao, có điều kiện kinh tế về đầu tư tham gia xây dựng đất nước.

5. Uỷ ban MTTQ các tỉnh, thành phố đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia và có đông thân nhân kiều bào sinh sống cần bố trí cán bộ chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân.

Định kỳ mỗi quý, 6 tháng và một năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài về Ban
Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua Ban Đối ngoại và Kiều bào bằng văn bản và qua địa chỉ email: nganguyen203@gmail.com



Ý kiến bạn đọc