Thủ tướng: 'Không thể dung thứ bạo lực, xâm hại trẻ em'

15:44 27/02/2020

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, thời gian qua, trong điều kiện một nước nghèo, Việt Nam đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới một tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học.

Theo ông, nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực như triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, hoạt động 24/7 miễn phí...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng lĩnh vực trên còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%). Tỉ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%). Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.

Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm...

“Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội”, Thủ tướng nói.

Ông cũng nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình, tránh tình trạng “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”.

Trước thông tin toàn quốc mới có 590 đơn vị hành chính cấp xã trong tổng số 11.162 xã (khoảng 5%) bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND các xã bố trí ngay nhân sự lĩnh vực này; đồng thời nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do chủ tịch xã đứng đầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý.

Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Ông Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79%.

Tại hội nghị, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Đoàn luật sư TPHCM đề nghị với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học. Đối với tội phạm này, cần có chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, LS Nữ còn đề nghị, nhiều quốc gia đã gắn chíp quản lý các đối tượng sau khi mãn hạn tù. Nên chăng, Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm 24/24h, như gắn chíp điện tử, vòng đeo để người dân nhận diện khi tiếp xúc.

Theo Anh Duy /VnExpress



Ý kiến bạn đọc