Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát huy tốt các nguồn lực để làm giàu

10:30 12/12/2024

Nông dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), đẩy mạnh chuyển đổi số và tận dụng tốt các nguồn lực để sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, làm giàu chính đáng.

Chú trọng ứng dụng KHKT, phát triển kinh tế số

Trước đây, bà Trần Thị Vân (69 tuổi) ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim chế biến nước mắm theo phương thức thủ công nên không có nhiều đột phá, lợi nhuận không cao. Nhưng, cách đây 4 năm, bà Vân đã mạnh dạn đầu tư gần 900 triệu đồng để mua 10 tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống khuấy đảo tự động để rút ngắn thời gian muối nguyên liệu từ 11 tháng xuống còn 8 tháng.

Bà Trần Thị Vân (xã Thạch Kim) mạnh dạn đầu tư KHKT vào sản xuất nước mắm để tăng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.

Bà Vân cũng từng bước tiếp cận với nền tảng số để thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống (đưa ra chợ, mời chào người quen, quảng cáo miệng…) sang hiện đại (sàn thương mại điện tử, zalo, facebook).

Bà Vân phấn khởi: “Nhờ tăng cường ứng dụng KHKT và chuyển đổi số nên 3 năm gần đây, sản lượng tăng từ 15 – 20 %/năm, tổng doanh thu đạt khoảng 4,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 940 triệu đồng; riêng năm 2024 đạt khoảng 16 nghìn lít sản phẩm, doanh thu hơn 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Sản phẩm “Nước mắm Vân Thọ” đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (năm 2023) và được bán ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…”.

Cũng như bà Vân, hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của nông dân Lộc Hà đều tích cực ứng dụng KHKT và nền tảng số để phát triển theo xu thế mới. Tiêu biểu có: chị Nguyễn Thị Tâm – chủ cơ sở nước mắm Tâm Loan (thị trấn Lộc Hà), Nguyễn Thị Thơ – chủ cơ sở mắm tôm Làng Xưa (xã Mai Phụ), Nguyễn Thị Trung – chủ cơ sở mực khô Ngọc Diệp (xã Thạch Kim), chị Nguyễn Thị Hiền – chủ cơ sở dưa lưới Hiền Tiến (xã Thạch Châu), ông Phan Văn Đô - chủ cơ sở bánh Tâm Anh bakery (xã Ích Hậu)…

18 sản phẩm OCOP ở Lộc Hà đều có mẫu mã đẹp, dán tem nhãn đầy đủ, chào bán ở các gian hàng trên không gian mạng.

Để nông dân chủ động trong thời kỳ hội nhập, từ năm 2019 đến nay, hội nông dân các cấp ở Lộc Hà đã tổ chức 180 lớp tập huấn, hướng dẫn KHKT, chuyển đổi số cho 14 nghìn lượt người. Ngoài ra, huyện hội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc đăng ký sản phẩm lên gian hàng điện tử postmart.vn và hướng dẫn hội viên sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, zalo, facebook… để phục vụ SXKD tốt hơn.

Chị Trần Thị Bích Hà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà thông tin: “Chúng tôi đã tập trung vận động, hướng dẫn bà con ứng dụng CNTT, công nghệ sinh học vào sản xuất, mở rộng thị trường, hình thành sản phẩm VietGAP, OCOP. Chúng tôi cũng đã thành lập các nhóm zalo, fanpage và thu thập thông tin 4.000 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm hỗ trợ bà con trong các nội dung có liên quan”.

Tăng cường liên kết, sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Dù có bãi bồi và kinh nghiệm nhưng trước đây, các hộ nuôi ngao ở thôn Châu Hạ (xã Thạch Châu) hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có sự hợp tác, liên kết dẫn đến không bảo vệ được môi trường, tình trạng trộm cắp, phá giá khi xuất bán, không ai dám đầu tư lớn. Do đó, chưa thể tận dụng được các lợi thế sẵn có, hiệu quả sản xuất thấp, nuôi trồng thiếu đột phá. Nhưng kể từ khi thành lập HTX nuôi trồng với 9 hộ tham gia (quy mô 40 ha) thì các vấn đề trên đã được khắc phục, sản lượng đạt 900 – 1.000 tấn và doanh thu từ 10 – 12 tỷ đồng/năm.

Các xã viên trong HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan sàng lựa sản phẩm trước khi xuất bán.

Bà Lê Thị Loan - Giám đốc HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan chia sẻ: “Ngoài việc ứng dụng nền tảng số để hội nhập thì chúng tôi cũng đã tìm hướng đi mới cho riêng mình trong xu thế mới. Theo đó, cùng với chú trọng đảm bảo nguồn con giống tốt, thực hiện nuôi trồng đúng quy trình, bảo vệ môi trường thì 9 thành viên đã liên kết chặt chẽ trong SXKD. Chúng tôi đã hiểu rằng, chỉ có mạnh dạn huy động vốn đầu tư, cùng nhau hợp tác, tận dụng tốt các lợi thế mới có thể cạnh tranh, ổn định thị trường, đảm bảo việc làm và thu nhập”.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Lộc Hà "tiếp sức" cho nông dân trên địa bàn SXKD giỏi, làm giàu chính đáng.

Hiện nay, nông dân Lộc Hà đã chú trọng hơn đến việc xây dựng gắn kết giữa các hộ để làm giàu. Sự liên doanh, liên kết đã thúc đẩy SXKD phát triển và có nhiều mô hình hiệu quả như: HTX Nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận (xã Mai Phụ) với 12 hộ và 48 ha đất nuôi ngao, HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Voọc (xã Hộ Độ) với 42 hộ và 36 ha đất nuôi tôm, HTX Thanh niên Thượng Phú (xã Hồng Lộc) với 7 thành viên và 3 khu chuồng trại nuôi gia súc, tổ hợp tác trồng dưa hấu hữu cơ liên kết với Công ty Quế Lâm (xã Thịnh Lộc) với 5 thành viên và 3.000 m 2 đất...

Nông dân Hồng Lộc chuyển đổi đất màu năng suất thấp sang sản xuất các loại dưa và hoa trong nhà màng.

Ngoài ra, để làm giàu chính đáng, hàng nghìn hộ nông dân Lộc Hà cũng đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay với tổng dư nợ khoảng 165 tỷ đồng để tiếp thêm nguồn lực làm ăn, xây dựng nhà màng, mở rộng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, mua cây giống và con giống, xây dựng các mô hình... Bà con cũng đã có nhiều cách làm hay để phát triển SXKD hiệu quả, bền vững dựa trên việc: tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ, áp dụng các tiến bộ KHKT, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các sản phẩm chất lượng cao gắn với quảng bá thương hiệu, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ…

Lộc Hà ngày càng có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng quy mô lớn (Trong ảnh: Nuôi tôm công nghệ cao ở Mai Phụ).

Chị Trần Thị Bích Hà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà phấn khởi: “Với tinh thần yêu lao động và quyết chí làm giàu, nông dân Lộc Hà đã chủ động hội nhập với bối cảnh mới, tận dụng tốt các nguồn lực để phát triển SXKD. Đến thời điểm này, trên địa bàn đã có 40% hội viên xếp loại khá trở lên; xây dựng thành công 250 vườn mẫu và 2.500 vườn hộ tiêu biểu cho thu nhập khá; thành lập được 601 mô hình kinh tế các loại, gần 193 HTX và tổ hợp tác, 16 chi hội nghề nghiệp, 48 hội nghề nghiệp... Với kết quả đó, từ năm 2019 đến nay, huyện có gần 7.500 nông dân được công nhận SXKD giỏi các cấp và hàng nghìn lượt nông dân được các cấp, ngành tôn vinh”.

Nguồn: Baohatinh.vn



Ý kiến bạn đọc