Sức lan tỏa từ Phong trào “Ba không”
Phong trào “Ba không” do Ủy ban MTTQ tỉnh phát động vào quý I/2014 đã được các tổ chức, đoàn thể và đông đảo các gia đình trong toàn tỉnh ký cam kết thực hiện.
Phong trào “Ba không” (không tệ nạn ma túy; không cờ, bài ăn tiền dưới mọi hình thức; không vi phạm an toàn giao thông) do Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh phát động nhằm góp phần phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Từ khi triển khai đến nay, Phong trào “Ba không” đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Lộc Hà là một trong những huyện triển khai phong trào “Ba không” hiệu quả nhất. Quy trình được triển khai bài bản, các tiêu chí thực hiện có hiệu quả. Nói thật, làm thật là cái đích MTTQ huyện Lộc Hà hướng tới và đem đến kết quả.
Ông Hoàng Xuân Ty – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Lộc Hà cho biết: “ 13/13 thôn được chọn làm điểm ở Lộc Hà đều đạt tỷ lệ 100% ở cả 3 tiêu chí của phong trào “Ba không”. Kết quả này đã nói lên nỗ lực, ý thức của người dân tại các thôn làm điểm. Từ thành công của các đơn vị làm điểm, chúng tôi đã nhân rộng ra toàn huyện, kết quả là phong trào đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn, góp phần làm cho đời sống nhân dân thêm bình yên, an toàn”.
Sau hai năm triển khai phong trào “Ba không”, người dân ở Lộc Hà đã tham gia tích cực vào việc tố giác tội phạm, giúp chính quyền địa phương và ngành chức năng phá được 3 vụ án với 4 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu 2,0323 gam heroin; phát hiện 2 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý 40 đối tượng nghiện ma túy theo quy định của pháp luật. Đối với tiêu chí không đánh cờ, bài ăn tiền dưới mọi hình thức, Lộc Hà cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Toàn huyện đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ (66 đối tượng) thu gần 9 triệu đồng và một số tang vật liên quan, lập hồ sơ xử lý hành chính. Còn tiêu chí không vi phạm toàn giao thông, công an huyện Lộc Hà đã kiểm tra, xử lý 1.052 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, xử phạt hành chính gần 700 triệu đồng.
Kể từ khi thực hiện phong trào “Ba không”, các tệ nạn ở trên địa bàn Hà Tĩnh đã có chiều hướng giảm xuống. Cuộc sống của người dân yên bình hơn, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt. Điều đó đã nói lên rằng hiệu quả của phong trào này là rất đáng trân trọng.
Ngay từ khi phong trào “Ba không” được triển khai thì các tiêu chí của phong trào trở thành nội dung thảo luận chính trong các cuộc họp, giao ban, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, khu dân cư, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ... Sức lan tỏa, ý nghĩa sâu xa của phong trào chính là làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Ông Hoàng Anh Đức - Trưởng Ban Phong trào MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Những nội dung của phong trào Ba không đến tận từng người dân Hà Tĩnh là thông qua bản cam kết. MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã thiết kế và in 360.000 bản cam kết thực hiện phong trào Ba không và tổ chức ký kết đến từng khu dân cư, hộ gia đình trong toàn tỉnh, 2.157 khu dân cư (100%) đã tổ chức ký kết. Tất cả các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều vào cuộc mạnh mẽ thực hiện phong trào. Kết quả đạt được rất khả quan, đến nay, toàn tỉnh có 135/262 xã, phường, thị trấn và 1.536/2.157 khu dân cư đạt tiêu chí “ba không”.
Ông Nguyễn Văn Nam, một người dân ở xóm 4 xã Bình Lộc, Lộc Hà đề xuất: “Tôi nghĩ phong trào “Ba không” rất tốt, không những có lợi cho gia đình mà cho cả xã hội. Nên nhân rộng và duy trì lâu dài vì hiệu quả của nó đem lại rất lớn. Tệ nạn ma túy, đánh bài, bạc hay vi phạm an toàn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hạn chế được những vấn đề này thì cũng có nghĩa là cuộc sống của người dân như chúng tôi bình yên, hạnh phúc”
Tuy nhiên, như ông Nguyễn Quốc Lựu – Chủ tịch MTTQ huyện Cẩm Xuyên chia sẻ thì hiện nay có quá nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào chồng chéo nhau, hội nào, tổ chức nào cũng có, dẫn đến mỗi hộ gia đình có bình quân từ 3 đến 5 bản cam kết trong nhà. Vì thế, chất lượng của các phong trào cũng loãng đi phần nào.
Để phong trào “Ba không” thực sự thẩm thấu trong ý thức và hành động của mỗi người dân Hà Tĩnh thì “lửa” của phong trào cần được truyền thường xuyên, và cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn.
Hạnh Nguyên