Phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai

08:43 17/01/2020

Sáng ngày 30/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh và Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo về xây dựng mối liên kết chặt chẽ bền vững giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân dân cư với doanh nghiệp trong công tác phòng chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Bùi Nhân Sâm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; bà Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh; ông Lê Văn Định - Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh chủ trì. Buổi hội thảo là một nội dung của Dự án "Tăng cường năng lực cho địa phương trong việc ứng phó tình trạng khẩn cấp, thảm họa và thiên tai" do tổ chức Oxfam Hà Lan tài trợ cho tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2015.

Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty CP Giống và cây trồng Hà Tĩnh: Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh cần phải đặc biệt chú trọng đến quản trị rủi ro...

Đại diện lãnh đạo 13/40 doanh nghiệp và một số ban, ngành liên quan đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo thuận nhiều nội dung:

Về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai, các đại biểu khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai của doanh nghiệp; các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương cần đề cập đầy đủ đến vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề quan trọng này. Vì doanh nghiệp vừa là đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đồng thời cũng là nguồn lực rất lớn trong việc hỗ trợ cộng đồng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo thống kê và hồi quy, nếu bỏ ra 1 đồng để phòng ngừa thiên tai thì tiết kiệm được 7 đồng chi phí khắc phục hậu quả thiên tai. Qua khảo sát 200 doanh nghiệp tại các tỉnh miền Trung, có tới 60% doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra...

Ông Trần Sỹ Thu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải tham gia bảo hiểm rủi ro thiên tai...

Về hiện trạng công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai của các doanh nghiệp Hà Tĩnh, các đại biểu trao đổi thẳng thắn những việc làm được, chưa làm được trong công tác này.  Đó là, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải gắn với công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai; quan tâm đến quản trị rủi ro.

Bà Lê Thị Thu - Chuyên viên cao cấp Trung tâm Phát triển cộng đồng Việt Nam: Cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống thiên tai...

Theo đó, các doanh nghiệp đều thành lập ban, bộ phận phòng, chống thiên tai, có nơi thành lập nhóm nòng cốt, tổ xung kích; tuyên truyền, phối hợp tập huấn cứu hộ, cứu nạn cho người lao động; tổ chức kiểm tra định kỳ và kiểm tra trường xuyên trong mùa mưa, bão, nắng hạn; tu sửa, nâng cấp công trình, phát quang, giải tỏa không gian đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Tập trung công tác và các nguồn lực để phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”... Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp trong công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai và đề nghị chính quyền có cơ chế, chính sách đầy đủ về hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Trước hết, chính quyền các cấp phải gắn công tác phòng, chống thiên tai với từng chương trình phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về quản trị rủi ro thiên tai ( kiến thức, kinh phí, kinh nghiệm, phương tiện...); tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới điều phối ứng phó rủi ro thiên tai, phối hợp với cộng đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền, vận động và tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề lập kế hoạch quản trị rủi ro, chủ động đối phó với thiên tai của các doanh nghiệp; phân bổ Quỹ “phòng, chống thiên tai” công khai và hợp lý theo hướng ưu tiên các doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư hơn nữa để đảm bảo an toàn các hồ đập, do biến đổi khí hậu cực đoan, nếu hồ đập bị vỡ thì hậu quả khôn lường; nâng cao năng lực kiểm tra hậu quả thiên tai (kiểm đếm thiệt hại) để qua đó có chính sách hỗ trợ; miễn, giảm, giãn, hoãn thuế để góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất...

Ông Trần Văn Huấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi bắc Hà Tĩnh: Để chủ động phòng ngừa thiên tai, doanh nghiệp phối hợp tổ chức kiểm tra thường xuyên và có kế hoạch tu sửa các hồ đập...

Nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp về công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai, các đại biểu đều nêu thực trạng một số khó khăn yếu kém và cần được có sự hỗ trợ hoặc liên kết với ban ngành, doanh nghiệp liên quan để nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp trong công tác này. Ví dụ như tài liệu hướng dẫn, tham gia các lớp tập huấn, kỹ năng, kiến thức cứu hộ, cứu nạn, sử dụng các phương tiện cứu nạn...

Lê Đình Thọ



Ý kiến bạn đọc