HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)
Ngày 31/8/2015, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này gồm 26 Chương, 443 Điều, tăng 99 Điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành. Phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này được các đại biểu đánh là cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013.
Tại Hội nghị có 18 ý kiến (kể cả ý kiến bằng văn bản) tập trung góp ý vào 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
1. Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, các đại biểu hoàn toàn đồng tình với Dự thảo về sự cần thiết bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì: Tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân gây ra đã và đang diễn ra phức tạp và nghiêm trọng; việc dùng các chế tài trong pháp luật dân sự, kinh tế đối với các pháp nhân phạm tội còn nhiều bất cập, hiệu quả rất thấp, mặt khác, mức phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn thấp, mức tối đa áp dụng đối với pháp nhân không quá 2 tỷ đồng, không đủ sức răn đe đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, trốn tránh đóng bảo hiểm cho người lao động, buôn bán hàng giả...Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ Luật hình sự sẽ gặp không ít khó khăn trong quá tình tố tụng, xét xử, cần phải có các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự thật cụ thể, chi tiết.
Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh:...Không nên bỏ tội hoạt động phỉ; tội kinh doanh trái phép...
Các đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 76 của Dự thảo Bộ luật Hình sự ( sửa đổi) về 32 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự...
2. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, có đại biểu đồng ý như Điều 12 của Dự thảo về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và phân tích rằng, nhiều trường hợp người chưa thành niên phạm tội là do người lớn xúi dục, mua chuộc, đe dọa, người chưa thành niên không thể nhân thức đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình thực hiện. Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên trong những trường hợp này là quá nghiêm khắc... Có đại biểu phân tích, trong thực tiễn, nhiều người chưa thành niên có các hành vi phạm tội rất manh động, liều lĩnh và đề nghị giữ nguyên quy định theo Điều 12 của Bộ luật hình sự hiện hành để khỏi bỏ lọt tội phạm. Về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, có ý kiến tán thành như trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp...
Ông Phan Duy Phong - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: ...chuyển hình phạt tù theo nguyên tắc 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù là bất hợp lý...
3.Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này quy định bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Về vấn đề này, các đại biểu đồng tình phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 7 loại tội danh như Dự thảo đã nêu vì phù hợp với chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; riêng tội danh vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy phải có quy định cụ thể, phù hợp (ví dụ: quy định khối lượng ma túy vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt dưới ngưỡng nào đó thì không bị tử hình. Các đại biểu đồng tình với phương án 1 khoản 3 Điều 63 của Dự thảo: Không áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm vì phù hợp với quyền sống của con người - quyền thiêng liêng tối thượng - được quy định trong Hiến pháp năm 2013... Về quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên, có đại biểu tán thành, nhiều đại biểu đề nghị quy định người bị kết án tử hình từ 80 tuổi trở lên thì không áp dụng và không thi hành án tử hình...
4. Về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, các đại biểu đề nghị, Điều 35 và Điều 36 Dự thảo phải được xây dựng thật chi tiết, cụ thể và căn cứ vào thực tiễn, vì quy định cứng nhắc thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, hay như quy định chuyển đổi 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù là không phù hợp với thực tiễn...
Ông Hồ Văn Giáp - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh:... Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự là rất cần thiết...
5. Về hình phạt Trục xuất, các đại biểu phân tích rõ quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hình phạt Trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung và đề nghị chỉ nên áp dụng hình phạt này với tư cách là hình phạt bổ sung để đảm bảo công bằng cho người phạm tội là công dân Việt Nam cũng như công dân nước ngoài...
6. Về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, có một số đại biểu không đồng ý bỏ Điều 165 của Bộ luật Hình sự hiện hành, vì kinh tế càng phát triển, các tình huống xảy ra càng phức tạp, dẫn đến tình trạng có thể bỏ lọt nhiều tội phạm và nên bổ sung hành vi phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng ngân sách”. Các đại biểu khác hoàn toàn đồng tình với Dự thảo quy định, vì phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính chi tiết, tính cụ thể của Bộ luật Hình sự...
7. Về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiên hành.
8. Về việc bãi bổ một số loại tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới, các đại biểu đề nghị cần xem xét và không nên bỏ tội hoạt động phỉ (Điều 83); tội kinh doanh trái phép (Điều 159 Bộ luật Hình sự) và đồng tình bổ sung 37 tội danh mới, trong đó có tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ, những tội danh liên quan đến công nghệ cao như: Tội cố ý gây nhiễu có hại; tôi thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính...
Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý thêm về một số vấn đề: Không nên áp dụng máy móc pháp luật của nước ngoài dẫn đến khó áp dụng ở Việt Nam; khung hình phạt quá rộng khó áp dụng trong thực tiễn; bổ sung trách nhiệm hình sự của luật sư không tố giác tội phạm; bỏ tình tiết giảm nhẹ do uống rượu; bỏ tội đánh bạc hoặc nâng mức trách nhiệm hình sự của người tham gia đánh bạc lên 15 triệu đồng; bổ sung trách nhiệm hình sự giúp người bị bệnh hiểm nghèo được chết; bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân là các tổ chức chính trị - xã hội; bổ sung tội mua bán nông sản, lâm sản có tính chất phá hoại; không đồng nhất tình tiết giảm nhẹ giữa đầu thú, tự thú...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của các đại biểu, theo đó các ý kiến góp ý khá đầy đủ, mang tính khoa học và đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến bằng văn bản hoặc tham gia các hội nghị khác do Sở Tư pháp tổ chức...
Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Từ Văn Diện - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh yêu cầu Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân, tổng hợp đầy đủ gửi ra Quốc hội theo quy định...
Lê Đình Thọ