Giám sát, phản biện những vấn đề bức thiết trong xã hội
Ngày 8/1, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2024 và thống nhất chương trình hành động năm 2025.
Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh giám sát trực tiếp tại địa phương năm 2024.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà đã trình bày Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh năm 2025.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh vừa giám sát thường xuyên, vừa giám sát chuyên đề. Đối với giám sát thường xuyên, đơn vị tập trung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên theo Quy định số 124 ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nội dung được xác định là tập trung giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu; cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý; cán bộ đảng viên khi có phản ánh từ nhân dân, thông qua việc lấy ý kiến bằng phiếu kín đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thông qua thông tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông; giám sát thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc và nơi cư trú. Đối tượng giám sát gồm: Người đứng đầu, cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý; cán bộ đảng viên.
“Trong quá trình giám sát thường xuyên nội dung này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập đoàn giám sát chuyên đề khi có phản ánh từ các tổ chức, cá nhân, người dân; thông qua thông tin, báo chí và truyền thông hoặc thông qua việc lấy ý kiến bằng phiếu kín” - bà Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Về giám sát chuyên đề, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện 4 chuyên đề. Cụ thể: Chuyên đề “Giám sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 35/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030”; Chuyên đề “Giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở (gắn với giám sát trách nhiệm của người đứng đầu theo Quy định số 124-QĐ/TW)”; Chuyên đề “Giám sát việc trả lời, giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử; hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp”; Chuyên đề “Giám sát việc thực hiện các kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sau giám sát chuyên đề triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà cũng thông tin, mỗi một tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh sẽ có 1 chuyên đề giám sát riêng. Liên đoàn Lao động tỉnh là Chuyên đề “Giám sát việc triển khai thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh”. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh thực hiện Chuyên đề “Giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và việc thực hiện quy định về giáo viên tổng phụ trách Đội trong trường học”.
Hội Nông dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện Chuyên đề “Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 7/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện Chuyên đề “Giám sát việc thực hiện Nghị định 157 ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 150 ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh Việt Nam”.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội Hà Tĩnh thực hiện hoạt động phản biện xã hội theo quy định tại Điều 33 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Nội dung tập trung vào các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Hình thức phản biện bao gồm, tổ chức hội nghị phản biện, tham gia góp ý vào dự thảo, thông qua giám sát để phản biện hiệu quả của các chính sách.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội phải cụ thể, có tính thuyết phục cao. Bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh việc công khai kết quả giám sát, phản biện xã hội trên các phương tiện thông tin, báo chí, trang thông tin điện tử, hệ thống Fanpage, Zalo của MTTQ các cấp…
Nguồn: daidoanket.vn