Xây dựng nông thôn mới từ lòng dân, sức dân

15:22 17/01/2020

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hà Quảng Trần Thị Hằng, với đặc thù là một huyện miền núi, vùng cao biên giới việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương đối mặt với nhiều khó khăn. Chính vì vậy, yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng NTM là phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động cần làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp các nguồn lực.

Từ kim chỉ nam đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa thành những chương trình hành động thiết thực. Theo đó MTTQ huyện đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các đơn vị liên quan đã tổ chức triển khai thực hiện, ban hành các văn bản hướng dẫn MTTQ các xã, thị trấn và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức triển khai thực hiện Phong trào “Cao Bằng chung sức xây dựng NTM” gắn với 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cách làm hay và mô hình khác nhau, trong 5 năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp trong huyện đã tổ chức hàng chục hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại nhiều địa phương, MTTQ các cấp đã vận động xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình sản xuất lạc hàng hóa, mô hình trồng gừng, trồng nghệ, chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn đen tại các xã vùng cao, trồng thuốc lá chất lượng cao tại 7 xã vùng thấp...

Bằng sự vào cuộc tích cực của Mặt trận các cấp, cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân khi tự nguyện đóng góp tiền, công lao động để tu sửa, làm mới, bê tông hóa đường nông thôn, kiên cố hóa mương nội đồng, làm nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hưởng ứng Phong trào “Cao Bằng chung sức xây dựng NTM”, huyện Hà Quảng đã huy động nguồn lực trong nhân dân hiến khoảng 51.000 m2 đất, với hơn 25.000 ngày công lao động, xây dựng được 35 tuyến đường giao thông liên xóm với chiều dài 20,45 km, số tiền trên 2 tỷ đồng, đóng góp Quỹ xây dựng nông thôn mới được trên 570 triệu đồng đồng. Đến nay, có trên địa bàn có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới đó là xã Trường Hà, xã Đào Ngạn và xã Phù Ngọc; 4 xã đạt từ 10-12 tiêu chí (Sóc Hà, Mã Ba, Quý Quân, Nà Sác); 11 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.

Song song với việc vận động các nguồn lực cho xây dựng NTM, MTTQ và các đoàn thể huyện Hà Quảng cũng quan tâm phối hợp tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu; bảo vệ môi trường nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; thực hiện tốt mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Đến nay toàn huyện có 7.428/8.050 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 92,2% (tăng 2.144 hộ so với năm 2014); 196/213 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa đạt 92 (tăng 99 khu dân cư so với năm 2014).

Để việc xây dựng NTM đảm bảo bền vững, công tác giám sát được MTTQ các cấp thực hiện thường xuyên. Thông qua việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM hàng năm do MTTQ ở các xã trực tiếp chủ trì lấy phiếu đánh giá, là căn cứ để công nhận đạt chuẩn NTM đối với các xã đã hoàn thành các tiêu chí được nhân dân đánh giá cao đạt trên 90% số người dân được hỏi hài lòng về kết quả xây dựng NTM trên địa bàn.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hà Quảng Trần Thị Hằng cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bên cạnh việc phát huy vai trò chủ thể của người dân phải có những cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quy định hành lang pháp lý trong sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm nông, lâm để giải quyết đầu ra cho nông dân.



Ý kiến bạn đọc