Thông tri của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
A. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN
1. Việc thực hiện Quy chế và Quy định phải gắn với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ của các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy chế phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức của Đảng và chính quyền có liên quan.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát và kiến nghị; việc xử lý vi phạm được phát hiện qua giám sát của Mặt trận do các cơ quan nhà nước, tổ chức đảng thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng.
3. Việc tổ chức thực hiện Quy chế và Quy định cần có lộ trình thích hợp, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và điều kiện thực tế ở địa phương; tiến hành thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng; định kỳ sơ kết, tổng kết để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả thiết thực.
B. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN
I. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
1. Đối tượng giám sát
1.1. Hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên.
1.2. Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan do Quốc hội thành lập, Hội đồng nhân dân các cấp.
1.3. Hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.
1.4. Hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
1.5. Hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
1.6. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.
2. Nội dung giám sát
2.1. Đối với tổ chức đảng:
Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách.
2.2. Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan do Quốc hội thành lập, Hội đồng nhân dân các cấp:
Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân các cấp.
2.3. Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc:
Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp.
2.4. Đối với Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác:
Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động xét xử, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
2.5. Đối với cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước:
Việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc giữ mối liên hệ với nhân dân và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
2.6. Đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp:
Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.
3. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm
3.1. Quý IV hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát của năm sau.
Chương trình, kế hoạch giám sát được thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để việc tổ chức giám sát đạt kết quả thiết thực; đồng thời báo cáo với cấp ủy và thông báo với chính quyền cùng cấp trước khi triển khai.
Việc dự toán kinh phí để thực hiện kế hoạch giám sát được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cơ quan quản lý tài chính liên quan.
3.2. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức giám sát ngoài kế hoạch nhưng cần báo cáo với cấp ủy và thông báo với chính quyền cùng cấp, thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để hỗ trợ triển khai thực hiện việc giám sát.
3.3. Định kỳ sáu tháng, một năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo với cấp ủy và thông báo với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát bằng văn bản để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu và giải quyết các kiến nghị giám sát.
4. Quy trình tổ chức đoàn giám sát
a) Trường hợp giám sát tại một cơ sở (cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp).
- Người đứng đầu cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đoàn thể chính trị - xã hội có yêu cầu giám sát trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan đảng cấp trên của sơ sở dự kiến được giám sát để thống nhất về mục đích, nội dung, yêu cầu giám sát, quy trình giám sát và xử lý sau giám sát.
- Việc giám sát cần làm rõ mức độ chấp hành pháp luật hoặc các quy định của Đảng, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ sở được giám sát, những thành tích, đóng góp của cơ sở và những yếu kém, sai phạm phải được sửa chữa, khắc phục.
- Lập đoàn giám sát có đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên liên quan, của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hoặc cơ quan đảng cấp trên trực tiếp của cơ sở được giám sát, các chuyên gia ở lĩnh vực liên quan.
- Nếu giám sát đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoặc một cơ quan quản lý nhà nước thì quyết định lập đoàn giám sát phải phù hợp với các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát. Nếu giám sát một cơ quan Đảng thì quyết định lập đoàn giám sát phải phù hợp với Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát.
- Thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức được giám sát về mục đích, yêu cầu, nội dung giám sát, thời gian tiến hành giám sát và thành phần đoàn giám sát.
- Báo cáo kết quả giám sát tại mỗi cơ sở do trưởng đoàn giám sát ký, có kèm theo phần ghi ý kiến của lãnh đạo cơ sở được giám sát.
- Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát ở cơ sở và các kiến nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì giám sát được gửi tới các cấp chính quyền hoặc cấp ủy đảng liên quan.
b) Trường hợp giám sát tại nhiều cơ sở trong địa bàn một tỉnh, huyện:
- Người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện có yêu cầu giám sát trao đổi thống nhất với lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện hoặc cơ quan tỉnh ủy, huyện ủy về mục đích, nội dung, yêu cầu, quy trình giám sát và xử lý sau giám sát.
Việc quyết định số lượng cơ sở được giám sát, thời gian giám sát nên cân nhắc để vừa đạt mục tiêu giám sát, vừa tiết kiệm các nguồn lực cho việc giám sát.
- Quyết định thành lập các đoàn giám sát phải phù hợp với các quy định của pháp luật, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát.
- Lập đoàn giám sát có đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên liên quan, của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hoặc cơ quan đảng cấp trên trực tiếp của các cơ sở được giám sát, các chuyên gia ở lĩnh vực liên quan.
- Thông báo kịp thời cho các cơ sở được giám sát về mục đích, yêu cầu, nội dung giám sát, thời gian tiến hành giám sát và thành phần đoàn giám sát.
- Báo cáo kết quả giám sát tại mỗi cơ sở do trưởng đoàn giám sát ký, có kèm theo phần ghi ý kiến của lãnh đạo cơ sở được giám sát.
- Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát ở các cơ sở và các kiến nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì giám sát được gửi tới các cấp chính quyền hoặc cấp ủy đảng liên quan.
II. HOẠT ĐỘNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI
1. Đối tượng phản biện xã hội
Chỉ phản biện các dự thảo văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước khi được yêu cầu phản biện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, bao gồm:
1.1. Dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
1.2. Dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội; dự thảo nghị quyết, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo các đề án, dự án, nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
1.3. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.
1.4. Khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở Trung ương yêu cầu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phản biện:
a. Dự thảo văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
b. Dự thảo quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình, dự án, đề án lớn về kinh tế - xã hội (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia).
c. Dự thảo đề án thành lập mới, chia tách, sáp nhập các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và các đơn vị hành chính ở địa phương.
d. Dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1.5. Khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì phản biện:
a. Dự thảo các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của cấp ủy liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương.
b. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cùng cấp; dự thảo các nghị quyết, chương trình, đề án của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, các nội dung có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ở địa phương.
c. Dự thảo đề án về quản lý, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực ở địa phương; đề án thu, chi các loại phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân.
d. Dự thảo đề án thành lập, chia tách, sáp nhập các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp và các đơn vị hành chính.
2. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội hàng năm
a. Đầu Quý IV hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp gửi văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức thông báo các văn bản cần phản biện của năm sau. Căn cứ vào yêu cầu phản biện của cơ quan, tổ chức gửi đến, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội của năm sau.
Việc dự toán kinh phí để thực hiện kế hoạch phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cơ quan quản lý tài chính liên quan.
b. Trong trường hợp có yêu cầu phản biện xã hội đột xuất, thì các bên sẽ thống nhất bổ sung vào chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.
III. HOẠT ĐỘNG GÓP Ý XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được thực hiện theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục trong Quy định về Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và kế hoạch hàng năm do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ban hành.
Hiện nay Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là những cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Do vậy, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục thực hiện các văn bản đó như từ trước đến nay đã và đang làm.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tri nêu rõ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương chủ động báo cáo cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế và Quy định; xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện theo hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở...