GIỚI THIỆU CHUNG

10:13 16/01/2020

VỊ TRÍ VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Sự qui định này là do yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, là xuất phát tư thể chế chính trị: nước ta là nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về Nhân dân. Đây là vấn đề lịch sử, vấn đề truyền thống. Vai trò của Mặt trận không phải tự Mặt trận đặt ra mà là do chính Nhân dân, chính lịch sử thừa nhận.

Từ khi có Đảng là có Mặt trận, ngay sau khi Nhân dân giành được chính quyền, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị. Tuy vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động của từng bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị có khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đó là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới”.

NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA MẶT TRẬN

Mặt trận Dân tộc Thống nhất được tổ chức trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng về địa vị và độc lập về tổ chức. Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận được thực hiện theo các nguyên tắc:

* Hiệp thương dân chủ,

* Hợp tác bình đẳng,

* Đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau,

* Phối hợp và thống nhất hành động.

Trong sinh hoạt Mặt trận, các thành viên tự do bày tỏ ý kiến của mình, cùng nhau bàn bạc, hiệp thương dân chủ đề đạt tới sự nhất trí, không mệnh lệnh, không áp đặt. Nếu có những ý kiến khác trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao đổi, thuyết phục, giúp đỡ nhau giải quyết. Trong hoạt động, các thành viên thoả thuận với nhau về chương trình hành động chung và có nghĩa vụ giúp đỡ nhau, phối hợp thống nhất hành động để thực hiện chương trình đã thoả thuận. Bốn nguyên tắc đó có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng nguyên tắc một và bốn là rất quan trọng.

BIỂU TRƯNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Biểu trưng hình tròn tượng trưng cho khối thống nhất dân tộc chung mục đích xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền biểu trưng là lá cờ Tổ quốc với sao vàng trên nền đỏ.

Hoa sen trắng cách điệu tượng trưng cho hình tượng Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại, người đã sáng lập ra Mặt trận Dân tộc Thống nhất nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cánh sen liên kết thành một khối chính là sự đoàn kết thống nhất chính trị của tất cả người Việt Nam yêu nước.

Đường ngoài vòng cung cách điệu hai nhánh lúa nâng dòng chữ Mặt trận Tổ quốc .

Phía dưới là nửa bánh xe cách điệu tượng trưng cho giai cấp công nhân , giai cấp tiên phong trong sự nghiệp cách mạng.

ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH HÀ TĨNH

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh hiệp thương dân chủ cử, là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội, bao gồm:

a) Người đứng đầu của tổ chức thành viên cùng cấp; trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện lãnh đạo;

b) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện;

c) Một số cá nhân tiêu biểu trong các tổ chức, các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Một số cán bộ chuyên trách ở cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh;

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh họp thường kỳ sáu tháng một lần, họp bất thường hoặc chuyên đề theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh;

Chủ trì Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh quyết định.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thảo luận về tình hình và kết quả thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động thời gian qua; quyết định chương trình phối hợp  thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh thời gian tới;

2. Hiệp thương dân chủ cử, cử bổ sung, thay thế hoặc cho thôi các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh;

3. Xét, quyết định kết nạp làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh;

4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

5. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân;

6. Ra lời kêu gọi Nhân dân địa phương hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự kiện quan trọng khi cần thiết;

7. Quyết định việc tổ chức Đại hội đại biểu cấp tỉnh theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.