Hà Tĩnh triển khai hiệu quả các chính sách về giảm nghèo
Hà Tĩnh đã triển khai các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thượng tướng Lương Tam Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao nhà ở cho 10 hộ gia đình ở huyện Hương Khê từ nguồn Bộ Công an vận động tài trợ và các nguồn hỗ trợ khác (đợt 1 năm 2023).
Gia đình bà Trần Thị Hương ở thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu (Lộc Hà) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng bà Hương luôn mơ ước có được một ngôi nhà vững chãi để yên tâm sinh sống và làm ăn. Đầu tháng 7/2023, thông qua sự kết nối của Hội LHPN huyện Lộc Hà, gia đình bà Hương được một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới.
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và anh em họ hàng, sau 2 tháng thi công, gia đình bà Hương đã hoàn thành ngôi nhà mới với diện tích 63m 2 , tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Bà Hương phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi biết ơn sự quan tâm của địa phương, nhà hảo tâm đã hỗ trợ xây dựng nhà mới. Từ nay, tôi không phải lo lắng về nhà ở nữa, yên tâm phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo”.
Bà Trần Thị Hương ở thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu (Lộc Hà) tiếp nhận tiền hỗ trợ làm nhà “Mái ấm tình thương” trong lễ khánh thành, bàn giao nhà.
Cùng với chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và cơ bản đã đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng mô hình hỗ trợ sinh kế, qua đó tạo động lực để thoát nghèo.
Chị Phan Thị Nhung ở thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) thuộc hộ cận nghèo. Bản thân chị Nhung thường xuyên đau ốm, sức khỏe yếu. Chồng chị bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cuối tháng 8/2023, chị Nhung vui mừng khi được nhận hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, trị giá 10 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của Ban Vận động vì người nghèo Hà Tĩnh. Sau 3 năm chăn nuôi, chị Nhung phải trích lại nguồn lợi nhuận 25% tổng giá trị mô hình, tương ứng 2,5 triệu đồng/năm để tiếp tục hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn.
“Khi được nhận bò sinh sản, gia đình tôi rất vui và sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để gia đình có thêm nguồn thu nhập, thoát nghèo bền vững” - chị Nhung chia sẻ.
Gia đình chị Phan Thị Nhung ở thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) cùng 4 gia đình khác được hỗ trợ mô hình sinh kế là 1 con bò cái sinh sản, trị giá 10 triệu đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2023 đến nay, các chính sách về giảm nghèo được triển khai gắn với phát triển KT-XH, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Các chính sách về hỗ trợ BHYT, tiền điện, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội... được triển khai kịp thời, góp phần quan trọng hỗ trợ thoát nghèo bền vững, hạn chế tối đa nguy cơ tái nghèo. Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền điện đã hỗ trợ cho 14.527 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng; 357.110 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ mua thẻ BHYT với tổng kinh phí hơn 98 tỷ đồng.
Từ năm 2021 - 2022 và 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã huy động hỗ trợ xây dựng 67 nhà văn hóa cộng đồng; hỗ trợ xây dựng mới 6.125 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai, với tổng kinh phí thực hiện hơn 525 tỷ đồng (100% kinh phí từ nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ); hỗ trợ thu nhập cho hơn 7.000 lượt thành viên hộ nghèo, người có công với cách mạng, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 72/2022/HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng...
Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II trao biểu trưng 27 con bò giống với tổng trị giá 351 triệu đồng cho đại diện 2 địa phương huyện và TX Kỳ Anh.
Từ nguồn kinh phí hơn 80,7 tỷ đồng của Trung ương và tỉnh, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã giải ngân hơn 4,1 tỷ đồng, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi cho 401 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hoặc hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định... Ngoài ra, các dự án phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hà Tĩnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,6 - 1% mỗi năm; duy trì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn bình quân chung của khu vực Bắc Trung Bộ. Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Từ nay đến cuối năm 2023, Hà Tĩnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Sở sẽ đôn đốc các địa phương thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; tiểu dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các tiểu dự án do đơn vị mình chủ trì; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác giải ngân nguồn vốn và tiến độ thực hiện".
Nguồn: Baohatinh.vn