Vượt khó sau sáp nhập
Hoạt động ở trung tâm giao dịch một cửa xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Khó khăn sau sáp nhập
Từ ngày 1/1/2020, Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh chính thức có hiệu lực. Hà Tĩnh có 80 ĐVHC cấp xã sáp nhập thành 34 ĐVHC mới (giảm 46 xã). Toàn tỉnh từ 262 ĐVHC cấp xã nay còn 216. Tìm về các xã, thị đặc thù ở huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, ghi nhận của PV cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở các xã mới.
Xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) được hình thành từ 3 xã là Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn, trụ sở được đặt tại xã Thạch Vĩnh cũ. Sau sáp nhập, Lưu Vĩnh Sơn có diện tích 41 km2, dân số hơn 13 nghìn người. Mặc dù tại hai trụ sở cũ, chính quyền bố trí cán bộ, công chức túc trực để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân nhưng ở trụ sở mới trong những ngày đầu năm 2020, người dân vẫn tấp nập đến giao dịch ở trung tâm một cửa của Lưu Vĩnh Sơn.
Cầm trên tay số giấy tờ vừa được đóng dấu, bà Lê Thị Tuyết (SN 1964, trú thôn Đông Tiến, xã Thạch Lưu cũ) phấn khởi nói: Về xã mới phải đi xa hơn chút nhưng tôi thấy thích hơn vì giấy tờ được giải quyết nhanh, gọn và dễ dàng hơn trước rất nhiều. Cán bộ xã nhiệt tình, thân thiện và giải thích cặn kẽ những vấn đề chúng tôi thắc mắc nên tôi rất hài lòng.
Chỉ trong vòng 15 ngày làm việc, riêng lĩnh vực tư pháp đã có hơn 600 lượt người dân đến chứng thực các loại hồ sơ, giấy tờ ở xã Lưu Vĩnh Sơn. Tất cả hồ sơ đều được giải quyết trong ngày, chưa có hồ sơ nào kéo dài sang ngày thứ hai mặc dù theo quy định có thủ tục phải mất 3-4 ngày.
Tuy nhiên, ông Dương Anh Dũng- Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn còn trăn trở: Bộ máy vẫn còn cồng kềnh khi xã vẫn còn nhiều người bán chuyên trách chưa sắp xếp được và dư thừa tới 20 công chức. Từ nay đến năm 2025, tỉnh và huyện sẽ có phương án sắp xếp đối với đội ngũ cán bộ, công chức dư thừa nhưng hiện tại ít nhiều họ cũng có những tâm tư.
Ngoài ra, khi sáp nhập 3 xã làm 1, Lưu Vĩnh Sơn vẫn chưa có sự đồng nhất trong cơ chế quản lý và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ thôn, xóm. Trụ sở 2 xã dư thừa chưa có phương án sử dụng mà phải thuê người trông coi để bảo vệ tài sản công, trụ sở mới chật chội…
Tại huyện Thạch Hà, xã Thạch Thanh sáp nhập vào thị trấn Thạch Hà nên ĐVHC mới có những rào cản giữa nông thôn và thành thị. Để xóa dần khoảng cách này, thị trấn Thạch Hà đã thành lập 5 đoàn công tác, mỗi đoàn do 1 đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy đứng đầu đến khảo sát từng khu dân cư. HĐND thị trấn họp ngay từ đầu năm để triển khai nhiệm vụ, xây dựng quyết sách phát triển sắp tới cho thị trấn mới.
Đối với thị trấn Thạch Hà, vướng mắc lớn nhất là sự khập khiễng giữa các tiêu chí trong xây dựng đô thị văn minh với xây dựng nông thôn mới. Người dân xã Thạch Thanh cũ dường như đã thuộc làu 20 tiêu chí nông thôn mới nhưng lại chưa được tiếp cận đến quy trình xây dựng đô thị văn minh.
“Để người dân hiểu và hưởng ứng phong trào xây dựng đô thị văn minh, chúng tôi phải tập trung tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư, nhất là Thạch Thanh cũ. Gần dân, sát dân để dân và cán bộ cùng đồng hành trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đô thị trung tâm của huyện. Đô thị văn minh chỉ áp dụng theo Thông tư 02/2013/TT-BVHTTDL chứ không hề có hướng dẫn cụ thể nào, trong khi nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm, hướng dẫn chi tiết. Vì thế cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí, quy trình xây dựng đô thị văn minh để các địa phương thực hiện hiệu quả hơn”- Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Hà Nguyễn Trọng Thành kiến nghị.
Mặt khác, khi sáp nhập xã vào thị trấn, việc điều chỉnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch là việc làm cần kíp để địa phương “xoay vần” cho phù hợp. Điều chỉnh quy hoạch cần nguồn lực lớn, vì thế Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Hà kiến nghị tỉnh có cơ chế riêng cho các xã, thị sáp nhập ĐVHC để điều chỉnh lại quy hoạch.
“Hành lang” cho lộ trình mới
Giai đoạn 2019-2021 Hà Tĩnh đã sáp nhập thành công 80 xã, thị trấn thành 34 xã mới, giảm 46 xã. Bước đầu chưa có bất cứ phản ánh tiêu cực nào của cán bộ, công chức cũng như người dân. Cơ chế, chính sách ưu việt và quy trình thực hiện chặt chẽ đã tạo đà cho Hà Tĩnh trong bước tiếp theo của nỗ lực cải cách hành chính.
Thạch Hà là một trong những huyện đi đầu, thực hiện sáp nhập ĐVHC cẩn trọng và hiệu quả nhất, từ 15 xã sáp nhập thành 6 xã mới. Theo ông Trần Nhật Tân- Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, sáp nhập ĐVHC cấp xã có rất nhiều cái khó nhưng khó nhất vẫn là công tác cán bộ. Tuy nhiên, Thạch Hà đã thực hiện công tác này khá bài bản nên nhận được sự đồng tình, đánh giá rất cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như chính bản thân cán bộ, người dân tại địa phương.
Để lựa chọn được những cán bộ ưu tú cho bộ máy mới, đảm bảo “gọn” và “tinh”, ngoài việc bám sát Kết luận 144-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghị quyết 164 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Thạch Hà còn xây dựng 7 kênh đánh giá cán bộ đó là từ Huyện ủy, UBND, HĐND huyện, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huyện, Đoàn công tác, Ban Chấp hành Đảng bộ xã và cuối cùng là lấy ý kiến nơi cư trú đối với cán bộ, công chức. “Chúng tôi thống nhất quan niệm khi đánh giá cán bộ là phải đảm khách quan, dựa vào sản phẩm cụ thể chứ không được đánh giá bằng cảm tính, hơn nữa phải đánh giá bằng uy tín của cán bộ đó trong đảng viên và nhân dân”- ông Tân nói.
Tổng hợp tất cả các kênh đánh giá để lựa chọn ra cán bộ uy tín nhất cho bộ máy mới chính là “cú hích” mà Thạch Hà tạo ra. Bộ máy mới không chỉ là bước chuẩn bị nhân sự chuẩn cho Đại hội Đảng bộ xã sắp tới mà còn là “ba rem” hay để áp dụng cho lộ trình sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn tiếp theo 2022-2025.
Công tác cán bộ - vấn đề then chốt trong sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được Thạch Hà hóa giải hiệu quả. Những vấn đề khác như nợ đọng, cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý, bố trí cán bộ công chức dư thừa sau sáp nhập…đang và sẽ được cả hệ thống chính trị huyện Thạch Hà cũng như các xã mới tập trung “giải mã”, tất cả chỉ cần thời gian.
Theo ông Cù Huy Cẩm-Trưởng phòng Công chức – Viên chức, Sở Nội vụ Hà Tĩnh, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên trách nghỉ khi sáp nhập xã của Hà Tĩnh ưu việt hơn so với cả nước. Ngoài áp dụng theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Hà Tĩnh còn có Nghị quyết 164/2019/NQ-HĐND ngày 20/8/2019 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 – 2021. Đến tháng 2/2020, Hà Tĩnh có 1.611 cán bộ, công chức và chuyên trách cấp xã nghỉ việc. Trong đó có 437 cán bộ, công chức và 1.174 người hoạt động không chuyên trách. Bình quân mỗi người nhận được từ 300-600 triệu đồng.
Đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Hà Tĩnh đã có Kết luận 144-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từ nay đến năm 2025 sẽ không tuyển dụng cán bộ, công chức đồng thời sắp xếp, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức phù hợp.
Hạnh Nguyên- Báo Đại đoàn kết