Kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã sau khi sắp xếp, sáp nhập 15:22:55 20/02/2020 | Mặt trận

11:59 24/02/2020

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, ông Vương Văn Nam, Trưởng ban Tổ chức-Cán bộ UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trình bày dự thảo Hướng dẫn các nội dung về việc kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.
Theo đó, việc sắp xếp, thành lập Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã mới phải được thực hiện đồng bộ với việc sắp xếp, sáp nhập của đơn vị hành chính cùng cấp.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp hiệp y, thống nhất với cấp ủy Đảng ở cấp thành lập Ủy ban MTTQ mới (trên cơ sở sáp nhập của các đơn vị cùng cấp) để quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam lâm thời.

Về cơ cấu, số lượng Ủy ban MTTQ lâm thời được cơ cấu, thành phần theo quy định tại Thông tri số 28/TT-MTTW- BTT, với số lượng gồm các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập.

Nhân sự, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã mới sau khi thành lập không vượt quá số lượng theo quy định tại Thông tri 28. Đối với các đơn vị đặc thù do các xã sáp nhập có nhiều thôn; huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 30% so với quy định của Thông tri số 28.

Dự thảo hướng dẫn này cũng quy định số lượng Ủy viên Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới. Đối với cấp huyện được thực hiện theo Thông tri số 28/TT-MTTW-BTT và Quy định 212-QĐ/TW gồm Chủ tịch, từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Cấp xã thực hiện theo Thông tri số 28 gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.

Đối với việc tổ chức Đại hội MTTQ cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp thống nhất với cấp ủy Đảng của đơn vị hành chính mới chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam để hiệp thương cử Ủy ban và các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ khóa mới theo hướng dẫn của Thông tri số 28.

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã cùng thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc của địa phương từ đó có những kiến nghị cụ thể với Trung ương để thực hiện hiệu quả việc kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Mặt trận địa phương xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ trong diện dôi dư do việc sáp nhập và những cán bộ có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam là tỉnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Đến này, toàn tỉnh đã tiến hành kiện toàn tạm thời Ủy ban MTTQ ở đơn vị được sắp xếp, tuy nhiên thực tế hiện nay, do 2-3 xã sáp nhập nên đội ngũ cán bộ cấp xã dư rất nhiều và cũng chỉ dừng lại ở Ban Chấp hành lâm thời, chính vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể nhằm kiện toàn Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã sau khi kiện toàn Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND và kiện toàn cơ bản Ban chấp hành các tổ chức thành viên, như vậy mới ổn định công tác cán bộ và có người đứng đầu các tổ chức thành viên để giới thiệu nhân sự vào Ủy ban MTTQ các cấp.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ chia sẻ, hiện Phú Thọ đã tiến hành sáp nhập từ 277 xuống 225 xã, phường, thị trấn và 26 Ủy ban MTTQ lâm thời xã, phường, thị trấn đã thành lập. Tuy nhiên hiện nay, đối với các khu dân cư sát nhập, rất khó chọn người đứng đầu và trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Thêm nữa, việc sát nhập vào địa bàn rộng hơn, số lượng quản lý rộng hơn, nhiệm vụ tăng lên nhưng phụ cấp chức vụ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đề cập đến các đơn vị đặc thù (do các xã sáp nhập có nhiều thôn, huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã) thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên nhưng không vượt quá 30% so với quy định, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo quy định của Thông tri số 28, số Ủy viên Ủy ban cấp xã hiện nay là 55 người. So với nhiệm kỳ trước đã tăng lên 10 người. Chính vì vậy không nhất thiết tăng lên 30% tổng số này mà chỉ giữ nguyên tỷ lệ theo đúng quy định của điều lệ MTTQ Việt Nam là phù hợp.

Ông Vương Văn Nam, Trưởng ban Tổ chức-Cán bộ UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu.

Là 1 trong những địa phương sáp nhập nhiều đơn vị hành chính với 1 đơn vị cấp huyện và 59 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Oanh nêu thực tế, khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập có những xã mới được hình thành từ 4 xã. Tuy nhiên, theo dự thảo hướng dẫn đối với những xã đặc thù được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không được vượt quá 30%. Để đáp ứng quy định này thì sẽ có thể có những người tiêu biểu, người đại diện của khu dân cư không được tham gia vào Ủy ban khóa mới vì bị hạn chế về số lượng…

Chính vì vậy, bà Oanh đề nghị, không nên quy định cứng về nhân sự số lượng Ủy viên Ủy ban mà nên xem xét để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương đơn vị.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp tục chỉnh sửa để Hướng dẫn được ban hành phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương và đảm bảo điều kiện cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sau khi sát nhập hoạt động hiệu quả, đảm bảo nhân sự để triển khai các chương trình hành động của Mặt trận tới địa bàn khu dân cư.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cần căn cứ văn bản của cấp ủy cùng cấp và các văn bản liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các quy định về công tác cán bộ của địa phương và hướng dẫn sắp tới của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam của đơn vị hành chính mới.

Đồng thời hướng dẫn thực hiện quy trình lựa chọn, đánh giá giới thiệu nhân sự để hiệp thương cử giữ các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam của đơn vị hành chính mới.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh cần phối hợp cùng cấp ủy cấp huyện, xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ trong diện dôi dư do việc sáp nhập và những cán bộ có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi theo quy định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và các quy định hiện hành.

(Nguồn: Báo Đại đoàn kết)



Ý kiến bạn đọc