Tiến sĩ từ Silicon Valley trở về dẫn dắt phát triển AI 'Made in Vietnam'
'Nếu qua đỉnh cao, chắc về Việt Nam tôi cũng sẽ chỉ truyền lại kinh nghiệm thôi, không chính tay mình làm được điều gì thực sự cho đất nước nữa', chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) Bùi Hải Hưng nói.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - Ảnh: ĐỖ DUY TÙNG
Là một trong những tên tuổi mang lại niềm tự hào Việt Nam ở Silicon Valley với hơn 15 năm làm việc và là chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại Viện Nghiên cứu Stanford, Google DeepMind, tiến sĩ Bùi Hải Hưng đã gây bất ngờ khi quyết định về Việt Nam dẫn dắt viện nghiên cứu AI vừa được thành lập.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về quyết định của mình, TS Bùi Hải Hưng cho biết ông về làm việc tại Viện nghiên cứu AI (VinAI Research) thuộc Tập đoàn Vingroup với khát khao ươm mầm trí tuệ, nhân thêm người Việt tài năng trong lĩnh vực AI ở tầm thế giới.
Đau đáu hai chữ Việt Nam trên bản đồ AI
* Đang làm việc tại một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ như Google, điều gì đã đưa ông về Việt Nam để làm việc toàn thời gian ở viện nghiên cứu của một tập đoàn tư nhân?
- Từ lâu tôi đã thấy có rất nhiều người Việt Nam tại nước ngoài thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - AI. Nhưng giới khoa học thế giới nhìn vào Việt Nam lại đặt câu hỏi: Ở Việt Nam có làm gì về trí tuệ nhân tạo hay không? Việt Nam chưa có dấu ấn gì trên bản đồ AI thế giới.
Đó là điều tôi luôn đau đáu và rất mong muốn tạo ra một cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam - nơi những nghiên cứu AI "made in Vietnam" mang tầm vóc thế giới ra đời.
* Để Việt Nam có dấu ấn về trí tuệ nhân tạo nghe có vẻ xa vời quá, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những việc mà Viện nghiên cứu AI sẽ làm?
- Đầu tiên là tập hợp lực lượng. Chúng ta phải có đủ lực để tuyển được một đội ngũ đã có kinh nghiệm dày dạn làm nghiên cứu đỉnh cao. Khi về Việt Nam để phát triển Viện nghiên cứu AI, tôi muốn xây dựng được một môi trường, thậm chí đưa cả người nước ngoài về làm việc, nghiên cứu tương đương như ở nước ngoài.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà ở đây cốt lõi là các thuật toán về học máy, học sâu, và ứng dụng trong một loạt lĩnh vực như xử lý và hiểu ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng...
Ưu tiên những vấn đề thế giới đang quan tâm, hoặc những vấn đề mang tầm quan trọng cốt lõi đối với Việt Nam. Trong giới khoa học AI, hằng năm đều có những hội thảo hàng đầu, ở đó mọi người sẽ đưa ra các kết quả nghiên cứu, những đỉnh cao của các phát minh về công nghệ AI.
Khi Viện nghiên cứu AI của chúng tôi có những công trình được công bố tại đó sẽ chứng tỏ dấu ấn, sẽ vinh danh hai chữ Việt Nam trên bản đồ công nghệ AI. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nhân tài.
Hãy trở về khi còn tuổi trẻ và ở đỉnh cao
Với tôi, bản chất của người làm nghiên cứu là khi có nhiều điều mới, thú vị, trí tò mò cao sẽ dễ hứng thú. Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý sẽ quay về nguồn cội khi đã ở bên kia "sườn dốc" sự nghiệp. Nhưng tôi nghĩ lúc đó sẽ không thể làm được điều gì thực sự cho quê hương nữa.
Hiện giờ tôi vẫn còn "chiến đấu" ở mức độ đỉnh cao khoảng 5-10 năm nữa, nên tôi về.
Tôi nghĩ nếu còn "chiến đấu" được thì quay về ngay, không đợi đến khi không còn đủ sức cống hiến nữa mới quay về, lúc đó sẽ không còn khát khao cống hiến hết sức mình. Nếu qua đỉnh cao đó rồi chắc về Việt Nam tôi cũng sẽ chỉ truyền lại kinh nghiệm thôi chứ không chính tay mình làm được điều gì thực sự cho đất nước nữa.
Chỉ cho bạn trẻ tiếp tục đi ra biển
* AI đang là lĩnh vực được quan tâm, chú ý nhất hiện nay. Nhiều quốc gia có tiềm lực khoa học công nghệ phát triển cũng đang tập trung đầu tư nghiên cứu về AI và tìm cách thu hút nhân lực nghiên cứu phát triển AI, vốn đang còn giới hạn. Vì vậy mong muốn thu hút được một đội ngũ nghiên cứu đủ mạnh để có những công trình nghiên cứu "vinh danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ AI" như ông nói sẽ là một thách thức lớn. Ông có niềm tin ra sao?
- Tôi có cơ sở để tuyển được một đội ngũ khoảng 30 người có kinh nghiệm dày dạn làm nghiên cứu đỉnh cao trên thế giới, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài. Song song với việc tập hợp những "hạt nhân" đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức chương trình "Thực tập sinh cao cấp" tại VinAI Research.
Hằng năm chương trình này có thể tuyển được vài chục sinh viên sắp hoặc đã tốt nghiệp giỏi nhất của Việt Nam. Những sinh viên này sẽ làm việc với viện của tôi trong khoảng 2 năm, như vậy đến năm thứ 2 sẽ tập hợp được khoảng 50-80 sinh viên. Nhóm sinh viên này sẽ được 30 người đã nghiên cứu đỉnh cao hướng dẫn.
Lộ trình cuối cùng là lúc nghiên cứu ở bậc tiến sĩ. Với kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được khi cộng tác ở viện, những thực tập sinh này hoàn toàn có khả năng nắm được cơ hội được làm tiến sĩ ở những cơ sở đỉnh cao của thế giới và từ đó trở thành đầu tàu không những chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới.
Những người mình chọn hi vọng sẽ là thế hệ tài năng, tương lai mới của Việt Nam - tài năng đó mình ươm mầm để đủ khả năng nghiên cứu, làm việc và dẫn dắt ở trình độ thế giới.
* Xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh, tài năng đạt trình độ thế giới ở một lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chắc chắn đó không phải là việc một viện nghiên cứu mới có thể một mình dễ dàng giải quyết nhanh chóng. Ông có nghĩ đến những giải pháp khác để giải quyết thách thức này?
- Để giải quyết vấn đề ươm mầm tài năng cho Việt Nam không hề dễ và cần nhiều hướng tiếp cận với tầm nhìn lâu dài. Hiện giờ tiềm lực kinh tế người Việt tăng lên nhưng phần lớn những người giỏi thì gia đình vẫn không có đủ tiềm lực kinh tế.
Chúng tôi sẽ tập trung vào việc nhân bản những người tài năng, có khả năng lãnh đạo một số mảng đòi hỏi trình độ cao như AI ở cấp độ thế giới. Việt Nam hiện nay có quá ít những người như vậy so với tiềm năng trí tuệ của người Việt.
Kể cả khi có sự hỗ trợ về mặt kinh tế từ học bổng, việc được nhận vào các chương trình tiến sĩ ở những nơi đỉnh cao cho những ngành được cả thế giới quan tâm như AI vẫn cực kỳ khó khăn vì sự cạnh tranh đến từ khắp thế giới.
Các tài năng trẻ của chúng ta rất cần một sự chuẩn bị và định hướng bài bản, đặc biệt về kinh nghiệm nghiên cứu, thông qua việc được tham gia vào các nghiên cứu đỉnh cao tại viện.
Tôi muốn chỉ cho các bạn trẻ thấy biển lớn nằm ở đâu và cách phải tiếp tục để đi ra biển. Viện của chúng tôi giống như một ví dụ để thấy con đường của chúng tôi sẽ dẫn dắt các bạn. Hi vọng sau chúng tôi sẽ có thêm các cơ sở trong nước thấy được tầm quan trọng của nghiên cứu đỉnh cao như thế nào, cùng bắt tay, cùng làm.
Bên cạnh đó, khái niệm làm nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực ứng dụng ở Việt Nam rất khác so với thế giới. Hiện phần lớn các chương trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước hoặc các cơ sở tư nhân thuê làm nghiên cứu chủ yếu tập trung phát triển ứng dụng chứ không phải nghiên cứu khoa học.
Làm nghiên cứu ứng dụng như thế giới có lẽ chưa xảy ra ở Việt Nam. Đây có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi định hướng có một viện sẽ làm nghiên cứu khoa học ứng dụng ở cấp độ đỉnh cao của thế giới tại Việt Nam.
Với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, tiến sĩ Bùi Hải Hưng được đánh giá là một trong những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực AI của thế giới. Sinh năm 1973, ông Hưng từng học Đại học Tổng hợp Hà Nội, dự thi Olympic toán quốc tế và giành huy chương bạc năm 1989.
Năm 1998, Bùi Hải Hưng trở thành tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Curtin (Úc). Từ năm 2003 đến 2012, ông làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI - Viện Nghiên cứu Stanford (Mỹ).
Tại đây, một trong những chương trình nghiên cứu do ông tham gia dẫn dắt chính là tiền thân của công nghệ trợ lý ảo Siri, sau đó được Apple mua lại. Ông tiếp tục công việc chuyên gia máy học tại Adobe Research từ năm 2014 tới 2017. Đầu năm 2018, ông bắt đầu làm việc cho một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI - Google DeepMind.
Theo Tuổi trẻ online