Sức lan tỏa của Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” qua 16 lần tổ chức
Qua 16 lần tổ chức, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” ngày càng khẳng định uy tín trong hệ thống các giải báo chí quốc gia. Việc tổ chức Giải báo chí mang đậm bản sắc Mặt trận đã góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực, tạo nguồn động lực để người dân cả nước cùng nhau đoàn kết, chung sức xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì cuộc họp đánh giá và bình chọn các tác phẩm đạt giải
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”
Thời gian qua, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã tạo nên những dấu ấn trong lòng nhân dân, đội ngũ những người làm báo, dấu ấn đặc biệt trong những giải báo chí của quốc gia.
Tiếp nối thành công của 15 lần tổ chức, trong mùa giải năm nay, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024 tiếp tục có những đổi mới, nâng tầm vị thế với số lượng và chất lượng của các tác phẩm ngày càng nâng cao. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những điểm mạnh, Ban Tổ chức Giải đã đẩy mạnh truyền thông để huy động nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các nhà báo trong phản ánh các nội dung đề tài của Giải.
Ông Vũ Văn Tiến, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo chủ trì cuộc họp Hội đồng Sơ khảo
Ông Vũ Văn Tiến, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cho biết, sau 2 năm tổ chức và triển khai Giải, đến hết ngày 31/7/2024, Ban Tổ chức Giải báo chí "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc" lần thứ XVI, năm 2023-2024 đã nhận được 2.135 bài thi hợp lệ của 5 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Trong đó, thể loại báo in có 769 bài của 81 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, như: Báo Nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Người Lao động, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Báo Cần Thơ, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo An ninh thế giới, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh...
Thể loại báo điện tử có 865 bài của 97 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương như: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo điện tử Quân đội nhân dân, Báo điện tử Nhân dân, Báo điện tử Bắc Giang, Báo điện tử Đại đoàn kết, Báo điện tử Công an nhân dân...
Thể loại truyền hình có 263 bài của 39 cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương như: Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên...
Thể loại phát thanh có 176 bài của 23 cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi…
Thể loại ảnh báo chí có 62 tác phẩm (với 507 ảnh) gồm cả phóng sự ảnh và ảnh đơn của 20 cơ quan báo chí như Báo Nhân dân điện tử, Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Điện tử Dân Việt, Báo điện tử Văn nghệ trẻ, …
“Các tác phẩm tham gia Giải năm nay có chất lượng tương đối đồng đều, bám sát chủ đề, thể lệ của Giải, phản ánh khá phong phú, sinh động, toàn diện nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt tập trung vào chủ đề xây dựng và củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Vũ Văn Tiến nhận định.
Với tinh thần công tâm, khách quan, Hội đồng Sơ khảo đã tuyển chọn được 110 tác phẩm của các loại hình báo chí đề nghị đưa vào Chung khảo để Hội đồng Chung khảo chấm, xếp hạng. Qua bình xét, đánh giá, Hội đồng chung khảo đã chọn 90 tác phẩm xuất sắc để trao 5 giải A, 14 giải B, 29 giải C, 42 giải khuyến khích.
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng Chung khảo Giải báo chí "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc" lần thứ XVI, năm 2023-2024
Sức lan tỏa trong mỗi bài viết, chuyến đi tác nghiệp của các nhà báo
Điểm nổi bật năm nay chính là các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng. Ngoài các cơ quan báo chí ở Trung ương, một số báo, đài địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo phương thức mới mẻ, hiện đại, được đánh giá cao cả về chất lượng và hình thức thể hiện.
Trong 90 tác phẩm được lựa chọn để trao giải, nhiều tác phẩm báo in, báo điện tử được đầu tư công phu và chất lượng như các tác phẩm: Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân - Gốc vững, cây bền, muôn sự đều nên - Báo Nhân dân; Thành công trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc - Báo Hà Nội mới; Kiên trì xây dựng “phòng tuyến” của Đảng ở biên giới - Báo Biên phòng; Đi về hướng mặt trời - Báo Gia Lai; Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận: Cách nào để nâng cao hiệu quả? - Báo Quảng Nam; Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên - Báo điện tử VietnamPlus; Tri ân liệt sĩ thời số hóa - Báo Pháp luật Việt Nam; Những dấu chân nơi cửa khẩu… - Báo Đắk Lắk; Hòa giải cơ sở: Kịp thời, từ gốc, “việc lớn hóa nhỏ” - Báo Nghệ An; Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng: “Chìa khóa” nhân lên sự đoàn kết, tiến bộ, phát triển - Báo Hậu Giang; Những người “thắp lửa” bên dãy Trường Sơn - Báo Đại đoàn kết; Giảm nghèo ở tỉnh từng nghèo nhất miền Tây: Từ nỗi lo, quyết tâm biến thành hành động - Báo Hậu Giang;…
Các tác phẩm thuộc thể loại phát thanh, truyền hình được các tác giả lựa chọn những nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những tấm gương điển hình, những nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người như: Đại đoàn kết vì Việt Nam hùng cường - VTV5; Hành trình bước ra từ quá khứ đau thương - Đài Tiếng nói Việt Nam; Những ngôi nhà từ sức dân - Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang; 18 Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân - Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ; Ra đi rồi trở về - Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Soi sáng làng, buôn - Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai; …
Nhắc tới những đóng góp tích cực của báo chí đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo khẳng định, qua 16 lần tổ chức, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã tạo nên những dấu ấn trong lòng nhân dân, đội ngũ những người làm báo, dấu ấn đặc biệt trong những giải báo chí của quốc gia. Tinh thần của giải đã lan tỏa trong mỗi bài viết, chuyến đi tác nghiệp của các nhà báo; ở sự lăn xả, dấn thân, tận hiến để truyền đi thông điệp của sự đoàn kết.
“Báo chí đã giúp cho Mặt trận lan tỏa được những thông tin tích cực đến với người dân. Người dân gần với Mặt trận hơn và biết nhiều hoạt động của Mặt trận hơn” Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu chia sẻ và mong rằng Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành đầy trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí, những người làm báo và các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với công tác Mặt trận và các hoạt động do Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động và triển khai, từ đó góp phần củng cố, lan tỏa để mỗi người Việt Nam tiếp tục vun đắp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn: Trang TTĐT MTTQ Việt Nam