Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện ở Hà Tĩnh - Bài cuối: Từng bước gỡ khó

11:34 01/03/2020

Bài học kinh nghiệm lớn nhất của Hà Tĩnh trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cán bộ, công chức là lấy đồng thuận của dân làm gốc. Tất cả các khâu từ lập phương án, thống nhất tên gọi, nơi đặt trụ sở xã mới, lựa chọn cán bộ…khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đều lắng nghe dân.

Bài học kinh nghiệm quý nhất của Hà Tĩnh khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy là lấy dân làm gốc.

Lấy dân làm gốc

Ở huyện Can Lộc, tại 8 xã, thị trấn chuẩn bị sáp nhập, Ban Thường vụ Huyện uỷ dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xin ý kiến đảng viên về các nội dung như tên gọi của xã, nơi đặt trụ sở xã, lắng nghe đề xuất của đảng viên. Sau khi thống nhất được phương án, lấy ý kiến cử tri về chủ trương sáp nhập. Nơi nào đảng viên thông qua thì nhân dân cũng đồng thuận. Huyện còn làm công tác tư tưởng đối với cả con em xa quê hương, động viên cán bộ chủ chốt gần đến tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh công chức trong huyện để không dôi dư nhiều, duy trì các đoàn thể ở xã cho đến đại hội các đoàn thể vào năm 2021 để sắp xếp cán bộ.

Sau khi lấy ý kiến từ các cán bộ cốt cán, đảng viên, từ cuối tháng 7/2019, Can Lộc tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Kết quả, 100% cử tri của 8 xã, thị trấn đã thực hiện việc bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đồng ý với phương án sáp nhập đạt 97,17%.

Sự đồng thuận của nhân dân và hiệu quả của tư tưởng lấy dân làm gốc của Hà Tĩnh thể hiện rõ nét ở tỷ lệ cử tri đi bầu và kết quả cử bỏ phiếu về việc sáp nhập xã. Toàn tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 ngày lấy ý kiến cử tri (từ ngày 24 - 28/7/2019) tại 80 xã thực hiện việc sáp nhập, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt trên 97%. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, trung bình trên 90% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập xã, trong đó 9/80 xã có 100% cử tri đồng ý thực hiện sáp nhập, 31 xã có 99% cử tri đồng ý sáp nhập, các địa phương còn lại dao động từ 91% đến 98%. Địa phương có tỷ lệ thấp nhất là 81,4%.

Giải bài toán cơ sở vật chất, nợ đọng

Các bài toán về cơ sở vật chất, hạ tầng sau sáp nhập, công tác cán bộ, xử lý nợ đọng đang được các địa phương ở Hà Tĩnh lần lượt hóa giải. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của tỉnh là phải tối ưu hóa phương án sử dụng cơ sở vật chất. Trụ sở các xã cũ sẽ tiếp tục chuyển giao cho xã mới, trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng và công năng sử dụng, các cơ sở vật chất dư thừa sẽ được làm thủ tục chuyển về thôn, xóm hoặc đấu giá xử lý đúng quy định, tránh lãng phí hoặc để xuống cấp, hư hỏng.

Tuy nhiên, không phải xã nào cũng sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sau sáp nhập. Ngay cả khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố ở Hà Tĩnh dư thừa hơn 600 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Đến nay, sau 5 năm những số nhà văn hóa dư thừa này vẫn đang “nghẽn” phương án sử dụng do vướng những bất cập về thủ tục pháp lý. Đây là bài học nhãn tiền, các địa phương cần phải xây dựng phương án tối ưu nhất đối với hệ thống hạ tầng sau sáp nhập xã để tránh tình trạng lãng phí tiền của do nhân dân đóng góp.

Tại huyện Can Lộc, để giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản ở các xã thuộc diện sáp nhập, tổ xây dựng đề án sáp nhập của huyện có bộ phận chuyên về tài chính. Tổ này đã tiến hành công khai các loại công nợ, nợ xây dựng cơ bản, nợ chi thường xuyên, các dự án của các xã và đề xuất phương án giải quyết. Các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì huyện đầu tư thúc đẩy để đạt chuẩn trước khi sáp nhập, không để chênh lệch lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc (Can Lộc) Nguyễn Đình Thành cho biết, nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới của xã từ vài năm trước khoảng 2 tỷ đồng. Khi tiến hành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã phải đối ứng để làm một số tuyến đường nên nợ tăng lên hơn 5 tỷ đồng. “Để giải quyết nợ đọng trước khi sáp nhập, tỉnh và huyện đã mở phương án cho xã bán đấu giá một số lô đất để lấy tiền trả nợ. Chắc chắn sẽ xóa được hết số nợ đọng trước khi sáp nhập vào thị trấn Nghèn”- Bí thư xã Tiến Lộc khẳng định.

Song, trong tổng số 80 xã ở Hà Tĩnh, không phải xã nào cũng có quỹ đất quý để đấu giá như Tiến Lộc, đặc biệt là những xã thuộc diện khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi. Vì vậy cần có phương án giải quyết thấu đáo để vấn đề nợ đọng không phải là cản trở trong quá trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Tập trung gỡ khó công tác cán bộ

Để “gọn” bộ máy, Hà Tĩnh rà soát cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, huyện trên toàn tỉnh. Căn cứ vào NQ số 39-NQ/TW ngày 17/7/2015 về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và NQ số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, thực hiện bố trí, luân chuyển chéo, ngang, dưới lên trên, trên xuống dưới, kịp thời bổ cứu những vị trí, chức danh còn khuyết…Từ đó Hà Tĩnh đã cơ bản giải quyết ổn thỏa đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dư thừa.

Ngày 20/8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành NQ số 164/2019/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021. Trong đó có nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ tài chính cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Và để “tinh” bộ máy, với phương châm lựa chọn cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, “vừa hồng vừa chuyên”, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang rà soát, xây dựng lộ trình, quy chuẩn cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã. Nói như Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thì công tác cán bộ được Hà Tĩnh thực hiện hết sức chu đáo, cẩn trọng.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, công tác cán bộ thời điểm này hết sức nhạy cảm. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là bước “đệm” nhân sự cho Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, có thể sẽ có chuyện chạy chức, chạy quyền. Thiết nghĩ, không chỉ Hà Tĩnh mà tất cả các địa phương trên toàn quốc cần tăng cường công tác giám sát, có chế tài giám sát cụ thể để “tai mắt” của dân là HĐND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể vào cuộc một cách sâu sát.

Hạnh Nguyên- B áo Đại đoàn kết



Ý kiến bạn đọc