Phát huy vai trò phụ nữ trong lãnh đạo,quản lý ở Hà Tĩnh
Thực hiện bình đẳng giới và phát huy vai trò phụ nữ trong xã hội là thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Đảng ta rất quan tâm đến nữ giới đối với sự phát triển xã hội: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Bác Hồ đánh giá vai trò của phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".
Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Để tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”, Chỉ thị số 21- CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định thông qua những thành công trên các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, văn học, nghệ thuật… và cả trong hoạt động lãnh đạo, điều hành và quản lý nhà nước. Tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp tỉnh 13,2%/9,09%, cấp huyện 17,4%/16,3%, cấp xã 25,11%/20,88%, tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ: Cấp tỉnh 6,7%, cấp huyện 11,04%, cấp xã 13,7%, lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh 6/71 chiếm 8,5%, cấp huyện 71/384 chiếm 18,5%, cấp xã 66/787 chiếm 8,3%. Phụ nữ tham gia đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Đại biểu Quốc hội 02/07 đại biểu (chiếm 28,57%), Đại biểu HĐND tỉnh 16/54 đại biểu (chiếm 29,63%), Đại biểu HĐND cấp huyện 418/121 đại biểu (chiếm 28,95%), Đại biểu HĐND xã 5011/1499 đại biểu (chiếm 30,03%). Tỉ lệ đại biểu HĐND các cấp nữ trúng cử cao hơn mặt bằng chung của cả nước và Nhiệm kỳ 2016 - 202l (lần lượt tỉnh 29% và 25.45%, cấp huyện 29,02% và 27,80, cấp xã và 28,98%, 27,84%). Trình độ cán bộ, công chức, viên chức nữ đã được nâng lên: tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 có 1.319 người, Đại học, cao đẳng 23.301 người, Cử nhân, cao cấp chính trị 5.786 người. Một số ngành có tỷ lệ nữ tiến sĩ, thạc sĩ cao như: ngành GDĐT, ngành Y tế, Nội vụ, so với năm 2011 Sở GD-ĐT, TP Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở TNMT, các trường học có số lượng thạc sĩ nữ tăng cao. Quy hoạch cán bộ nữ vào vị trí quản lý lãnh đạo được chú trọng, tỷ lệ tăng cao qua các năm tạo điều kiện để nâng cao năng lực, phát huy được khả năng của mình trên các lĩnh vực được phụ trách. Các giá trị, ưu thế về giới nữ đã được khẳng định trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan trong hệ thống chính trị song các giá trị đó chưa đủ để khẳng định, vượt qua các thành kiến và rào cản trong quá trình xây dựng và phát triển của đội ngũ cán bộ nữ. Chưa có những chính sách và quy định mang tính đột phá để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên công tác cán bộ nữ trong lãnh đạo, quản lý còn có một số hạn chế: như: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác quy hoạch phụ nữ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng còn mang tính hình thức. Chất lượng bộ quy hoạch cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp chưa đạt yêu cầu, do vậy, thực tế tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì là nữ ở các cấp còn chưa nhiều. Còn nhiều định kiến trong phát triển cán bộ nữ, một bộ phận có thái độ tự ti, an phận, chưa vượt qua những rào cản truyền thống, chưa dám đạm nhận những chức vụ khó khăn, phức tạp… nên tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức vụ chủ chốt tại các sở ngành cấp tỉnh thấp 4/47 (chiếm 8,5%), cấp huyện: 2/13 đơn vị (Vũ Quang, Thạch Hà) nữ làm lãnh đao chủ chốt, đơn vị khối nhà nước có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn thấp, nhất là ở cấp xã (chiếm 3,1%). Trình độ chuyên môn chưa đạt theo yêu cầu, chỉ tiêu, không đồng đều giữa các ngành. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ trẻ khu vực nông thôn, doanh nghiệp, đồng bào có đạo còn nhiều khó khăn.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Ban chấp hành đảng bộ Tỉnh khóa XIX : “ Tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện đạt từ 20 - 25%; trong thường trực cấp ủy hoặc thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt trên 35%; trên 50% ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có cán bộ nữ trong ban lãnh đạo”. Đặc biệt là tối ưu hoá nguồn lực xã hội, phát huy ưu thế về giới trong lãnh đạo, quản lý, xây dụng xã hội dân chủ văn minh cần thiết thực hiện một số nội dung cơ bản:
Thứ nhất, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị trong việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác tổ chức cán bộ; xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng, cơ cấu, đề bạt, đảm bảo cơ cấu hợp lý công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ngành đặc thù; thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho đội ngũ lãnh đạo các ngành, các cấp.
Thứ hai, tích cực rà soát, bổ sung cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ tham gia quản lý, lãnh đạo, cán bộ quy hoạch lãnh đạo, quản lý; tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ nữ được quy hoạch vào ban thường vụ, cấp ủy các cấp. Đổi mới quy chế bầu cử, ứng cử, luân chuyển, bổ nhiệm, tuyển dụng, khen thưởng, độ tuổi… để phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia hoạt động chính trị và quản lý xã hội.
Thứ ba, xây dựng các biện pháp đột phá như: Đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm nữ cán bộ lãnh đạo quản lý để hiện thực hóa nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; rà soát các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhưng chưa có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ để có kế hoạch luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm nữ cán bộ lãnh đạo quản lý đảm bảo theo quy định.
Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới góp phần xóa bỏ các định kiến, rào cản không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong đời sống xã hội và gia đình; đánh giá đúng vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, đơn vị. Xây dựng tiêu chí, quy định trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xóa đói giảm nghèo gắn với giải phóng sức lao động phụ nữ, cải thiện điều kiện sinh hoạt gia đình.
Thứ sáu, xây dựng chính sách, quy định giải quyết triệt để khó khăn trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm… nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ vượt qua định kiến, tư duy sáng tạo, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, tập trung nguồn lực đi đầu trong một số lĩnh vực mới. Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, những quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm tại các đơn vị, địa phương.
Bên cạnh những đóng góp của phụ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, phụ nữ cũng phát huy vai trò trong điều hành những tập đoàn kinh tế lớn của đất nước như: Vingroup, Vinamilk, TH True milk, Viet Jet Air, PNJ, Saigon Co.op… đã minh chứng cho khả năng của nữ giới. Tiếp tục phát huy tiềm năng của giới nữ, tổ chức hội phụ nữ động viên hội viên phấn đấu, vươn lên không ngừng, nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động lãnh đạo, quản lý trong xã hội và hệ thống chính trị ở tỉnh Hà Tĩnh và hiện thực hóa khát vọng vì Việt Nam hùng cường.
---------------------------------------------
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169;
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 340
3. Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, Phụ lục kèm theo Báo cáo Số 03/BC-BCH, ngày 27/9/2021, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2021 - 2026
4. Ủy ban Bầu cử tỉnh Hà Tĩnh, Báo cáo Tóm tắt tổng kết cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và và đại biểu Hội đồng nhân dân các câp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 28/6/2021.
5. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Báo cáo Tóm tắt tổng kết cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và và đại biểu Hội đồng nhân dân các câp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 14/7/2021.
Ths. GVC Hồ Thanh, Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị Trần Phú