Điểm 0 môn Sử

15:32 27/02/2020

Vật đầu tiên tôi được “tham quan” khi đến di tích Nhà tù Pleiku là một cánh tay giả đã gẫy.

Vật đầu tiên tôi được “tham quan” khi đến di tích Nhà tù Pleiku là một cánh tay giả đã gẫy. Cánh tay bằng xi măng, từng thuộc về một bức tượng nào đó, giờ nằm trong cái chậu cùng hai quả bí ngô cũng bằng xi măng.

Chúng lăn lóc dưới đất ngay gần lối vào của “một trong tám điểm phải check-in khi đến Gia Lai”, theo quảng bá trên các trang du lịch. Bài giới thiệu về nhà tù được đăng trang trọng trên website chính thức của tỉnh Gia Lai. Đại ý rằng, Nhà tù Pleiku có một ý nghĩa sâu sắc, là “minh chứng trực quan sinh động nhằm giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước kiên trung, dũng cảm, bất khuất của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung”.

Cũng bởi lời giới thiệu ấy cộng thêm sở thích tham quan những gì thuộc về lịch sử, tôi quyết tâm đi tìm Nhà tù Pleiku trong chuyến công tác Tây Nguyên cuối tháng 6 vừa rồi. Tôi hỏi khắp mấy dãy phố, chẳng ai biết nhà tù ở đâu, trong khi trời mưa to, còn cái xe tôi thuê thì cứ một lúc lại chết máy.

Cuối cùng tôi cũng tìm được nhà tù. Cổng chính đóng im ỉm mặc dù đã 9 giờ sáng. Không có lấy một biển báo cho biết lúc nào thì di tích mở cửa đón khách. Dãy phòng nhốt tù nhân - chiến sĩ ngày xưa, cũng như dãy phòng trưng bày mới xây dựng gần đây, đều khóa im lìm.

Một cô mặc quần áo bảo hộ lao động đang ngồi lướt mạng, có lẽ là công nhân được thuê cắt cỏ tỉa cây, động lòng thương liền bảo tôi: “Này, có cái phòng ngoài cùng cô vừa mở cửa đấy, vào mà xem”. Đó là gian phòng duy nhất của dãy nhà giam nơi tôi có thể “tham quan”.

Ấn tượng của tôi về di tích Nhà tù Pleiku sau đó chỉ là sự hoang tàn. Những dãy nhà vắng lặng, không có ai đón chờ du khách. Rất nhiều tượng đã thủng mặt, long chân, rơi các bộ phận. Và lớp bụi dày như thể chính nó cũng đã thành di tích. Chúng hoàn toàn không thể minh họa được sự tra tấn dã man của đế quốc đối với chiến sĩ yêu nước. Chúng có lẽ chỉ là minh chứng cho dấu vết thời gian cộng với sự thiếu thốn về kinh phí và lòng nhiệt tình.

Lịch sử, nếu chỉ nằm trong mấy trang sách, thì không khác nào quyển Niên giám thống kê hoặc Những trang vàng mà nhiều năm trước ngành Bưu điện vẫn in hàng tấn. Đó là dãy dài những cái tên, những con số mà lũ học trò quằn quại mãi không tài nào nhớ hết. Nếu bảo trẻ con phải học thuộc hết các gạch đầu dòng để mà yêu sử, thì không khác gì bắt người dùng điện thoại nhìn vào Những trang vàng mà tưởng tượng ra bức tranh xã hội đương đại.

Một học sinh có đọc hàng nghìn trang về máy chém - một trong những công cụ trừng phạt dã man nhất và phổ biến nhất trong lịch sử nhân loại - thì cũng không thể nổi da gà như khi sờ vào cái máy chém thật.

Các em có thuộc làu hàng chục chương về một cuộc đấu tranh thì cũng không thể rung động bằng năm giây nhìn thấy lá quốc kỳ đã mủn nát, thủng lỗ chỗ, lấm lem máu đen, với ngôi sao vàng được khâu tay vụng về. Ở cạnh ngôi sao có bốn chữ được thêu bằng sợi chỉ không rõ màu “Quyết chiến - Quyết thắng”.

Kỳ thi Đại học năm 2011, cả nước rúng động khi có đến hàng nghìn bài thi Lịch sử bị điểm 0. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau đó nói rằng: “Kết quả đó là bình thường khi mục đích của kỳ thi là phân loại người giỏi, người kém để tuyển chọn”.

Sự “bình thường” của Bộ trưởng Luận tiếp tục lặp lại hàng năm. Năm 2014, nhiều trường không có lấy nổi một thí sinh đăng ký thi môn Sử tốt nghiệp. Cả nước chỉ có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử và tiếp tục có rất nhiều điểm 0, điểm 1.

Hôm nay, sau nhiều năm loay hoay với các cải cách, sáng kiến, thì kết quả thi tốt nghiệp PTTH một lần nữa lại chứng tỏ thất bại với môn Sử. Hơn 80% thí sinh tại TP HCM bị điểm dưới trung bình; con số của cả nước là 77,8%.

Xem kết quả, tôi buồn lòng, tìm đọc lại đề thi Sử năm nay. Tôi thấy đề không khó, thậm chí có nhiều câu hỏi thú vị. Nhưng vì sao học sinh không làm được? Theo như có em phân trần là vì khó học môn này, vì em “không thích mấy”.

Quan sát các em lứa tuổi 9x, 0x xung quanh mình, tôi nhận thấy phần lớn chúng đều hứng thú với lịch sử. Chúng dành hàng giờ xem phim khoa học về các nền văn minh trên thế giới, chúng ngấu nghiến những quyển sách về tiểu sử các danh nhân hay những trận chiến lừng danh. Và mỗi dịp đến bảo tàng, lũ trẻ lại say sưa nhìn những hoa văn trống đồng. Thế nhưng, cứ thi môn này thì chúng lại vật vã khốn khổ. Điểm Sử cao luôn là việc ít thấy trong các trường nói chung, không chỉ với kỳ thi tốt nghiệp.

Không ghét lịch sử nhưng lại không thể học tốt môn sử. Vì đâu? Phải chăng vì trong trường chẳng có bộ phim nào thú vị, chẳng có giờ ngoại khóa nào để “sờ vào” lịch sử bằng tay, và chẳng có câu chuyện thuyết minh nào đủ cảm động? Phải chăng vì môn sử chỉ là những địa danh và con số nối tiếp nhau vô hồn? Phải chăng việc đổi mới phương pháp dạy và học môn Sử vẫn còn là một bài toán quá khó?

Không thể đổ lỗi cho “thị hiếu”, “xu thế thời đại” hay “định hướng nghề nghiệp” của các gia đình và học sinh. Bởi, bất kỳ ai đã qua tuổi 20 và thỉnh thoảng phải nhìn lại quá khứ của chính cuộc đời mình, gia đình mình, dân tộc mình đều hiểu rõ, lịch sử quan trọng thế nào.

Khi mà “Sử” vẫn chỉ là tên một quyển sách giáo khoa trông na ná Những trang vàng , khi mà di tích lịch sử vẫn là nơi hoang vắng nhất, thì điểm 0 môn Sử có lẽ không phải chuyện ngạc nhiên.

Chẳng thể có được tình yêu, nếu lịch sử chỉ là những trang giấy chết và những cánh tay xi măng đã gãy rời.

Những điểm 0 môn Lịch sử, là dành cho người học hay người lên giáo trình?

Trịnh Hằng/VnExpress



Ý kiến bạn đọc