Hà Tĩnh “nâng chất” đường giao thông từ công nghệ mới

16:03 27/02/2020

Việc ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) trong phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đã thực sự “nâng chất” nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đơn vị thi công đang tiến hành nâng cấp tuyến đường qua xã Sơn Lộc (Can Lộc) bằng công nghệ "cào bóc gia cố và tái chế nguội tại chỗ".

Hàng trăm hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến đường từ ngã tư đường Thượng Ngọc, đoạn qua Trung tâm xã Thạch Tiến – Cầu sông Vách Nam; tuyến đường từ xã Thạch Ngọc đến TL3, đoạn qua xã Ngọc Sơn (Thạch Hà); đường liên xã LX.04 (Kỳ Tiến – Kỳ Xuân, Kỳ Anh), đoạn từ QL 1A đi cầu Nhà Lê…, vui tết, đón xuân Kỷ Hợi 2019 có thêm niềm vui từ những tuyến đường mới.

Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Ngọc Sơn, vui vẻ, cho biết: “Tuyến đường vừa được sửa chữa, nâng cấp, đưa vào sử dụng cũng là lúc tết đến, xuân về nên bà con ai cũng phấn khởi, thuận lợi cho việc đi lại, làm ăn.”

Niềm vui đó chắc chắn còn được nhân lên bởi đây mới chỉ là 3 trong 17 tuyến đường được hoàn thành đưa vào sử dụng trong 2 năm (2017- 2018), từ công nghệ “cào bóc gia cố và tái chế nguội tại chỗ” trong duy tu, bảo trì và nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đây là công nghệ mới được Sở GTVT Hà Tĩnh triển khai áp dụng trong 2 năm qua và bước đầu đã cho thấy được tính ưu việt của nó. Theo ông Bùi Đức Đại – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh, kết quả kiểm tra 12/17 công trình, cho thấy, dù còn một số hạn chế, nhưng đánh giá tổng quan, chất lượng mặt đường (cường độ, mức độ bong tróc, độ bằng phẳng…) các tuyến đường thi công ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ cơ bản đáp ứng yêu cầu sau thời gian khai thác.

Được biết, ưu điểm chính của công nghệ này là cường độ nền, mặt đường được cải thiện đáng kể; chịu tác động của nước ngầm, nước mặt tốt hơn so với móng đường truyền thống; khắc phục được tình trạng phải nâng cốt độ cao mặt đường; tận dụng tối đa vật liệu kế cấu nền mặt đường hiện trạng; tiến độ thi công rút ngắn, có thể thông xe ngay; thân thiện với môi trường…

Không chỉ vậy, mới đây, Sở GTVT Hà Tĩnh còn phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo khoa học, giới thiệu về công nghệ lớp phủ vữa nhựa Polime (công nghệ Micro surfacing).

Thi công bằng công nghệ "cào bóc tái sinh nguội tại chỗ" không chỉ nâng cao chất lượng đường mà còn có thể thông xe ngay...

Theo ông Lê Anh Sơn – Trưởng phòng Quản lý Chất lượng công trình Sở GTVT tỉnh, công nghệ Micro surfacing được bắt đầu nghiên cứu và áp dụng ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức và đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong bảo trì mặt đường. Tại Châu Á, một số nước kinh tế phát triển như Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã triển khai áp dụng công nghệ này…

Ở Việt Nam, cho đến nay, công nghệ Micro surfacing đã được thi công trên nhiều tuyến quốc lộ, như: QL1, QL2, QL49, QL54, QL61, đường Hồ Chí Minh… Một số tuyến đường đô thị và nhiều mặt cầu trong nước cũng đã được rải phủ Micro surfacing. Đặc biệt, công nghệ này đã áp dụng thử nghiệm trong bảo trì mặt đường bê tông xi măng và mặt đường đô thị tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo các chuyên gia, công nghệ Micro surfacing có nhiều ưu điểm nổi trội không chỉ về chất lượng mặt đường, độ bám dính tốt với đường cũ mà còn thi công nhanh, rất thân thiện môi trường, giá thành hợp lý…

Trên địa bàn Hà Tĩnh, công nghệ Micro surfacing cũng đã được ứng dụng thi công đoạn Km817+00 – Km859+500; Km835+00 – Km845+00 đường Hồ Chí Minh, đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc thi công trên đường bê tông xi măng chưa nhiều. Trong khi đó, Hà Tĩnh mỗi năm xây dựng mới khoảng 800 km đường bê tông xi măng, nhưng qua thời gian khai thác sử dụng, nhiều vị trí mặt đường bị bong tróc, trơ đá.

Sở GTVT Hà Tĩnh đã thực hiện kiểm tra độ cứng mặt đường trên cầu Hộ Độ sau khi thử nghiệm công nghệ mới.

Để khắc phục tình trạng trên, tạo êm thuận cho các phương tiện khi đi lại, vừa qua, Sở GTVT Hà Tĩnh đã đề nghị tỉnh bố trí kinh phí, cho phép thi công thử nghiệm 2 đoạn tuyến (mỗi đoạn dài khoảng 150 m) đường bê tông xi măng đã bị hư hỏng, bong tróc, lộ đầu đá để theo dõi, đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng rộng rãi.

Ngoài 2 công nghệ tân tiến trên, hiện, Sở GTVT Hà Tĩnh đang phối hợp với trường Đại học GTVT, đại học Xây dựng nghiên cứu ứng dụng tro bay, xỉ đáy lò của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sử dụng trong công trình giao thông; sử dụng cát nhiễm mặn làm móng, mặt đường giao thông.

Việc đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ mới đã, đang và sẽ “nâng chất” đường giao thông trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trọng Tuệ/ HTO



Ý kiến bạn đọc