'Bắt đúng bệnh' để doanh nghiệp bứt phá"

16:40 29/02/2020

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là có sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khác. Giới chuyên gia, nhà quản lý nhận định, CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo nên những diện mạo mới cho bức tranh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Song, doanh nghiệp cần phải có một sự chủ động để có thể chớp lấy các cơ hội từ Hiệp định này.

Các doanh nghiệp cần chủ động để có thể đón cơ hội từ CPTPP.

Những thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội khi Việt Nam tham gia CPTPP là rất lớn, bởi các nước thành viên của CPTPP khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường mà còn mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, châu Âu, ngược lại DN Việt Nam được tiếp cận các thị trường mới, có nhiều cơ hội hơn trong xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, thuế giảm sâu là lợi thế lớn nhất cho các DN tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên CPTPP. Như vậy những  lợi thế về thương mại, xuất khẩu là rất rõ ràng.

Tuy nhiên, không phải DN Việt Nam nào cũng chủ động để thích ứng với FTA thế hệ mới này. Hay nói cách khác, không ít DN Việt hiện nay vẫn còn thờ ơ với các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra mới đây, nhà quản lý đã dành hẳn một Hội thảo với chuyên đề “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” với mục tiêu nêu ra những tác động của FTA thế hệ mới này đến cộng đồng DN ra sao.

Dệt may và da giày là hai lĩnh vực được kỳ vọng là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi chúng ta tham gia CPTPP. Song, thực tế, các DN ngành này vẫn chưa thực sự chủ động để tận dụng cơ hội từ FTA này. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân-Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, những năm gần đây, ngành da giày, túi xách tăng trưởng đáng kể. Để đáp ứng CPTPP, Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho doanh nghiệp thực thi. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này. Doanh nghiệp chưa chủ động trong việc nắm rõ thông tin, nguồn nguyên liệu...

Còn theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù ngành may có những cơ hội tốt nhưng một số lĩnh vực vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đơn cử lĩnh vực dệt nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn thiếu cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sản xuất xơ sợi, vải, hoá nhuộm cũng chưa đáp ứng được… Ngoài ra, theo ông Giang, ngành dệt may cũng đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc ngành hóa nhuộm. Tất cả những yếu tố này đang trở thành điểm nghẽn đối với ngành này khi đón đầu CPTPP.

Cơ hội và thách thức

Có thể thấy, CPTPP mở ra nhiều cơ hội song cũng đang đặt ra không ít thách thức cho cộng đồng DN Việt. Lý giải cho những khó khăn hiện nay của DN Việt trước CPTPP, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thừa nhận, thực tế, nhiều DNvẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn phải loay hoay tự tìm hiểu về CPTPP. Ngoài ra, vấn đề về cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính dù chuyển biến nhưng chưa rõ nét... cũng là yếu tố rào cản, làm khó DN khi tham gia CPTPP. Chính bởi vậy, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, rất  cần phải “bắt đúng bệnh” để các doanh nghiệp tư nhân bứt phá từ CPTPP.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Hiệp định CPTPP có mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn. Theo đó, Hiệp định không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ... mà còn có những cái mới như lao động, doanh nghiệp... Đặc biệt, hiệp định đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn vào sự tác động của CPTPP đối với cộng đồng DN Việt, theo đó, các cam kết mở cửa thị trường sẽ lớn hơn, yêu cầu các nước giảm thuế nhanh, mạnh cho hàng hoá Việt Nam, trong đó có nông sản. Sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải là thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là các DN phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động. “Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của DN trong Hiệp định CPTPP” -Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Theo Báo Đại đoàn kết



Ý kiến bạn đọc