Những ‘ra đa’ hữu hiệu trong phòng, chống dịch
Thời gian qua, tại Hà Tĩnh, Tổ Covid cộng đồng được ví như những chiếc “ra đa”, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống Covid-19.
Để tổ Covid cộng đồng phát huy hiệu quả cần hướng dẫn về kiến thức, tập huấn kỹ năng, hỗ trợ về kinh phí.
Đi từng nhà, rà từng người
Tổ Covid cộng đồng được “khai sinh” vào thời điểm đặc biệt là khi xuất hiện dịch Covid-19, đây được xem là “tai mắt” của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, phường.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn Nguyễn Thành Đồng cho biết: Huyện có 1.058 Tổ Covid cộng đồng với gần 5.000 thành viên, mỗi tổ có 3 đến 5 người, tùy từng cơ sở. Hằng ngày, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, vừa tuyên truyền, vận động vừa giám sát, nhắc nhở người dân.
Khi tổ dân phố Xuân Khánh (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) có F2 của ca bệnh Covid-19, tổ công tác gồm các lực lượng liên quan như y tế, công an, phụ nữ... đã kịp thời đến làm việc trực tiếp với cán bộ tổ dân phố để thống nhất những phần việc phải triển khai ngay.
Ngày vài lượt, ông Nguyễn Xuân Phú, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Xuân Khánh (thị trấn Lộc Hà) đi thông báo nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng dịch; giám sát người theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ông Khánh cho biết: “Sau khi có thông tin về những ca dương tính trên địa bàn, bà con đã “biết sợ” hơn nhưng cũng chính vì thế mà phải tuyên truyền làm sao để người dân vừa nâng cao ý thức, vừa ổn định tâm lý, không phát tán những thông tin vô căn cứ gây hoang mang dư luận; yên tâm sản xuất, làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn”.
Vẫn còn lúng túng
Do ra đời trong thời điểm đặc biệt, chưa có tiền lệ nên việc tổ chức thực hiện Tổ Covid cộng đồng còn nhiều lúng túng, mỗi nơi một phách. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn, các tổ hoạt động chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, tự quản là chính, chưa có hướng dẫn cũng như quy chế hoạt động cụ thể, hoạt động của tổ chủ yếu gắn với việc xây dựng khu dân cư an toàn, tổ dân cư an toàn...
“Các Tổ Covid cộng đồng đều xác định được nhiệm vụ của mình là vừa tuyên truyền, vừa giám sát trong công tác phòng, chống dịch nhưng không có kinh phí hoạt động. Chúng tôi chỉ trang bị được cho mỗi tổ 1 hộp khẩu trang, mỗi khu dân cư 2 chai dung dịch sát khuẩn . Vì thế, rất cần có kinh phí xăng xe, điện thoại cho các thành viên của Tổ Covid cộng đồng để phát huy hiệu quả tốt hơn”, ông Nguyễn Thành Đồng kiến nghị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Thái Ngọc Hải cho rằng, Tổ Covid cộng đồng có nhiệm vụ đặc thù trong hoạt động y tế, đồng thời có chức năng giám sát, phát hiện sai phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Vai trò của Tổ Covid cộng đồng hết sức đặc biệt, nếu phát huy được sẽ có ích lợi, hiệu quả rất cao, sát thực.
“Để mô hình này hoạt động được hiệu quả hơn cần có hướng dẫn về kiến thức, tập huấn về kỹ năng, hỗ trợ về kinh phí, xây dựng quy chế hoạt động, gắn hoạt động của tổ với chức trách nhiệm vụ của mỗi cá nhân, thành viên tổ”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước thực tế hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản số 3689/UBND-VX về tăng cường hoạt động của Tổ Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng trong việc tổ chức giám sát phòng, chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Theo bà Bùi Thị Kiều Nhi, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã đề nghị tăng cường nhân lực đồng thời giao người, khoán việc cụ thể, gắn với hoạt động, trách nhiệm của tổ liên gia nên hoạt động của Tổ Covid cộng đồng hiệu quả hơn rất nhiều.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Thái Ngọc Hải nhấn mạnh : Thực tế hoạt động của Tổ Covid cộng đồng cho thấy đây là một mô hình thể hiện sự văn minh , tiến bộ , phát huy được tính dân chủ trong cộng đồng dân cư . Nhưng để mô hình này hoạt động được hiệu quả hơn cần có hướng dẫn về kiến thức , tập huấn về kỹ năng , hỗ trợ về kinh phí , xây dựng quy chế hoạt động , gắn hoạt động của tổ với chức trách nhiệm vụ của mỗi cá nhân , thành viên tổ .
( Nguồn: Hạnh Nguyên/ Báo đại đoàn kết)