Tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trên quê hương cách mạng Hà Tĩnh
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), sáng 18/7, đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở huyện Can Lộc - “túi bom” của Hà Tĩnh.
Về với vùng đất giàu truyền thống cách mạng Can Lộc, nơi có hơn 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, 185 mẹ Việt Nam anh hùng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn hết sức xúc động trước sự đổi thay của vùng đất từng là nơi hứng trọn “mưa bom, bão đạn” trong chiến tranh. Can Lộc hôm nay đã “chuyển mình” trở thành huyện nông thôn mới của Hà Tĩnh với hạ tầng đồng bộ, khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Mặc dù được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm, bù đắp cả vật chất và tinh thần nhưng do hậu quả của chiến tranh quá tàn khốc, những vết thương chưa lành hẳn nên một số gia đình chính sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm gia đình TNXP Nguyễn Thu Hồng tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.
Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thu Hồng (67 tuổi, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác hết sức xúc động. Bà Hồng tham gia dân công hoả tuyến tại Quảng Trị năm 1972, hiện là thương binh hạng 4/4. Bà có em gái là bà Nguyễn Thị An cũng tham gia TNXP.
Hai chị em bà không lập gia đình, hiện chung sống với nhau trong ngôi nhà tình nghĩa do các cấp và địa phương hỗ trợ. Do đau ốm thường xuyên, lại không có việc làm ổn định, nên cuộc sống của 2 bà khá chật vật.
Ân cần trao món quà nghĩa tình cho 2 bà, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ, 73 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn quan tâm chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, các anh chị TNXP và người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực nhất, nhằm tri ân những người đã cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc ngày hôm nay. Đặc biệt là việc thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công và kiến nghị với cấp ủy cùng các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích cho người có công. Từ đó, hệ thống chính sách về người có công không ngừng được hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
“Thế hệ đi trước nói chung, lực lượng TNXP nói riêng đã không tiếc máu xương của mình giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thế hệ hôm nay sẽ luôn nhớ đến công ơn của các bậc cha anh đi trước, không ngừng cố gắng vun đắp, dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ trước” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi thương binh Nguyễn Thế Vinh, thôn Thượng Thăng, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.
Rời nhà chị em bà Hồng, đoàn công tác về xã Khánh Lộc thăm gia đình ông Nguyễn Thế Vinh (65 tuổi, thôn Thượng Thăng). Ông Vinh đi dân công hỏa tuyến ở chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, hiện là thương binh hạng 4/4, hưởng chế độ chất độc hóa học.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hệ lụy để lại cho ông Vinh và gia đình rất lớn, bản thân ông sức khỏe không tốt, ốm đau thường xuyên, gia đình thuộc diện khó khăn. Nhà có 4 người con, 3 đứa đã có gia đình, có một con gái trên 30 tuổi bị bệnh tâm thần, có chế độ bảo trợ xã hội, đang ở với vợ chồng ông Vinh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao quà cho gia đình thương binh Nguyễn Thế Vinh.
Trao phần quà cho gia đình thương binh Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với những ký ức hào hùng một thời của người lính Bộ đội Cụ Hồ, các anh sẽ truyền lại cho con cháu, cho thế hệ trẻ hôm nay, để mỗi người đều thấu hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do và mang hết sức mình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
“Chúng ta mãi mãi không quên và không được phép quên những cống hiến, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dâng hương, dân hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã tới dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tặng quà cho 10 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn xúc động chia sẻ, với tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ngành các cấp, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang.
“Có biết bao chiến sĩ, đồng bào hy sinh vì sự nghiệp dành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Cả nước có 1,2 triệu thương binh, liệt sĩ, gần 2 triệu gia đình có công với nước… tất cả đã hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp chống giặc, giữ nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho 10 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Nhắc tới sự đồng sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong những ngày đất nước cùng quyết tâm chống đại lịch COVID-19 vừa qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam đã bước đầu đẩy lùi được đại dịch và đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, những nỗ lực này đã được cả thế giới ngưỡng mộ và đánh giá cao.
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Đây là tấm lòng cao cả của mọi tầng lớp nhân dân, từ cụ già gần 100 tuổi đến những em học sinh 6-7 tuổi, mang số tiền ít ỏi của mình để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Những việc làm trân quý này cho chúng ta thấy rõ, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, nhân dân sẵn sàng đóng góp, nhường cơm, sẻ áo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng đã in sâu, trở thành truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc ta”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm hơn nữa và có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giáo dục, đào tạo, dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho người có công cùng gia đình có cơ hội học tập, tạo việc làm, tập trung phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hoá.
“Phải coi việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn các gia đình chính sách phát huy truyền thống gia đình, tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trở thành tấm gương tiêu biểu, góp phần giáo dục truyền thống quê hương, giáo dục thế hệ trẻ để đóng góp hơn nữa vào phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ấn tượng trước phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh khi tỉnh là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, với tinh thần chăm lo phát triển sản xuất, mong các gia đình chính sách sẽ xây dựng thành công những mô hình vườn - ao - chuồng hiệu quả, làm sao để mỗi xã có 1 sản phẩm, mỗi huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.
Hương Diệp-Tạp chí Mặt trận