Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới

15:51 17/01/2020

Thạch Vĩnh là một xã ở phía Tây Nam của huyện Thạch Hà. Toàn xã có 1.791 hộ với 7.067 nhân khẩu. Cư dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạch Vĩnh đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Lan – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết, bước vào thời kỳ xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Thạch Vĩnh đã đạt được một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng quê hương giàu mạnh. Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được nâng cấp, xây dựng mới, đời sống đa số nông dân được cải thiện. Trong 2 năm qua, bà con đã hiến 3.689 m 2 đất, đóng góp 72.640 ngày công và 112,6 tỷ đồng (tiền mặt và vật liệu) kết hợp với các nguồn lực khác để xây dựng các công trình phúc lợi. Thu nhập bình quân tăng lên 26 triệu đồng/người/năm 2016. Về hình thức tổ chức sản xuất, toàn xã có 9 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, tỷ lệ hộ nông dân liên kết trong sản xuất kinh doanh ngày càng cao. Thạch Vĩnh đã có 20 mô hình kinh tế: 2 mô hình lớn, 8 mô hình vừa và 10 mô hình nhỏ; sản xuất cánh đồng mẫu lớn với quy mô 8-10 ha

Mô hình kinh tế trang trại ở Thạch Vĩnh

Với diện tích tự nhiên 11,7 km 2 , Thạch Vĩnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bà con đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư thâm canh tăng năng suất; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi; tổ chức các hoạt động tín dụng với lãi suất thấp; áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ...Nhờ đó, diện tích, năng suất, sản lượng lúa và các loại rau màu tăng nhanh. Đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh, nhiều mô hình sản xuất giỏi tiếp tục duy trì và xây dựng mới như: Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Phạm Văn Đông (thôn Bàu Am) chăn nuôi 200 con lợn, 500 con gà, 500 con vịt, 1 ha ao cá; mô hình của anh Ngô Văn Chiến (thôn Song Hoành) nuôi 1.000 con vịt đẻ, 500 con gà, 300 bồ câu, 5 con bò, 2 ha ao cá và nhiều mô hình trồng cây ăn quả, vườn mẫu, trồng cây cảnh, nhất là trồng cây đào cung ra thị trường vào mỗi dịp tết đến. Bên cạnh sự phát triển của trồng trọt, chăn nuôi, bà con phát triển thêm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ với tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm 65%/năm 2016.

Người dân Thạch Vĩnh tích cực đóng góp các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài; hơn 70% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường bằng các hình thức tự quản của các đoàn thể và sự tự giác của mỗi người dân: Thu gom, xử lý rác thải; trồng cây xanh trên các tuyến đường, xây dựng bồn hoa cây cảnh ở khuôn viên nhà văn hóa thôn, trụ sở xã. Mỗi năm, Thạch Vĩnh vận động gần 30 triệu đồng xây dựng Quỹ “vì người nghèo”; phối hợp xây dựng 7- 8 nhà ở cho người nghèo.

Ban công tác Mặt trận các thôn đã tích cực phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, quyền làm chủ của người dân được phát huy, các khu dân cư đều có hương ước. Mặt trận chủ trì phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; giáo dục, cảm hoá người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; tổ chức ký bản cam kết thực hiện Phong trào “ba không”; duy trì và phát huy tốt hoạt động của các tổ tự quản, tổ liên gia bảo đảm an ninh trật tự trên từng địa bàn góp phần thực hiện tiêu chí an ninh trật tự.

Toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm luôn đạt trên 83%. Việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện theo nếp sống văn minh. Các thôn đều có khu vui chơi của cộng đồng, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra thường xuyên góp phần nâng cao sức sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần cho đông đảo nhân dân.

Đường đến đích nông thôn mới của Thạch Vĩnh dù còn bộn bề nhiều công việc, nhiều tiêu chí chưa đạt, một số tiêu chí đã đạt không đồng đều và chưa thật sự bền vững. Nhưng nông thôn mới đang chuyển mình trong nhận thức và hành động của mỗi người dân xã Thạch Vĩnh với quyết tâm nỗ lực về đích cuối năm 2017.

ĐT - NL



Ý kiến bạn đọc