Tiếp tục nâng cao vai trò của MTTQ các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở
Hòa giải là một nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay, được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ; góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, tôn trọng pháp luật của người dân và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư. Thực hiện Luật hòa giải cơ sở, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Sau khi Luật hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, MTTQ các cấp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện. Thường xuyên chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn Tổ hoà giải, lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn, am hiểu về pháp luật, nhiệt tình, có uy tín và có trách nhiệm đối với công việc để nhân dân bầu làm tổ viên Tổ hoà giải. Thường xuyên phối hợp với ngành tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên để nâng cao kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, tiếp cận pháp luật, hình sự, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông ... Hiện nay, toàn tỉnh có 2.270 tổ hòa giải với 15.254 hoà giải viên hoạt động ngày càng nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tài sản... tại các gia đình, khu dân cư đều được hòa giải thành. Trong 03 năm các tổ hòa giải đã tham gia hoà giải 7.040 vụ việc, trong đó hoà giải thành 6.475 (đạt 91,9%) đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết, tình làng nghĩa xóm gắn kết, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, hạn chế nảy sinh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân cư.
MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về tài liệu, cơ chế và kinh phí để tổ hòa giải hoạt động; kịp thời động viên, khen thưởng đối các hòa giải viên thành công trong nhiều vụ hòa giải, thăm hỏi, động viên khi các hòa giải viên khi có việc. Nhờ vậy đã khuyến khích, động viên các hòa giải viên tận tâm với công việc. Bên cạnh đó, MTTQ cấp cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình nhằm phát hiện những mâu thuẫn trong nhân dân, kịp thời phối hợp làm tốt công tác hòa giải để giải quyết ngay hoặc kiềm chế mâu thuẫn phát sinh từ các tranh chấp nhỏ; kiến nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng liên quan kịp thời giải quyết, tránh để mâu thuẫn phát triển, kéo dài, thành việc lớn và phức tạp, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Mặt khác, MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải. Năm 2016, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn và phát hành trên 2.200 sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở phát tận khu dân cư làm cẩm nang giúp cho đội ngũ hòa giải viên có thêm kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt hoạt động hòa giải. Phối hợp tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi”, đây là dịp để các hòa giải viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, nâng cao năng lực nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải.
Bên cạnh những kết quả đạt đươc, hoạt động hòa giải ở cơ sở còn gặp một số khó khăn: Một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỷ năng hoà giải; một số hòa giải viên chưa nhiệt tình trong việc hòa giải. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh. Một số nơi, hoạt động hoà giải còn mang tính hình thức chưa chú trọng chiều sâu. Một số vụ việc đã được hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc tái mâu thuẫn, tranh chấp hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kinh phí hoạt động của Tổ hòa giải còn khó khăn. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải còn kiêm nhiệm, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên chưa được quan tâm đúng mức...
Để nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới MTTQ các cấp cần tăng cường phối hợp với ngành Tư pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là , tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân đối với công tác hoà giải. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động hòa giải cơ sở.
Hai là , tăng cường vai trò của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc tổ chức lựa chọn, bầu hòa giải viên, phối hợp theo dõi, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ hòa giải hoạt động và tăng cường vai trò giám sát để các tổ hòa gải hoạt động thực sự có hiệu quả.
Ba là , MTTQ các cấp cần thường xuyên tăng cường phối hợp với chính quyền cùng cấp và các ngành liên quan để củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải.
Bốn là , tiếp tục triển khai các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm. Nhất là tổ chức các hội thi hoà giải viên tại cơ sở để nâng cao nhận thức chung cho các hòa giải viên và cộng đồng khu dân cư.
Năm là , cần quan tâm nghiên cứu, có chính sách, kinh phí để tạo điều kiện cho các tổ hòa gải hoạt động, đồng thời kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác hòa giải; góp phần tạo sự đoàn kết, đồng thuận, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và cộng đồng khu dân cư.
Bùi Nhân Sâm – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh