Sưởi ấm lòng người dân vùng lũ
Cơn lũ lịch sử giữa tháng 10 vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân Hà Tĩnh. 108 xã, phường, thị trấn với 32.372 hộ bị ngập lụt... Bên cạnh nỗ lực của chính người dân, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, bà con vùng lũ đã đón nhận hàng triệu tấm lòng thiện nguyện của đồng bào trong nước, của kiều bào ta ở nước ngoài hướng về. Nghĩa cử cao đẹp đó đã sưởi ấm và phần nào làm vơi đi nỗi mất mát của bà con nơi đây.
Nhân lên niềm tin
Ngay sau khi mưa lũ xuất hiện, các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan ban ngành các cấp đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ ở các địa phương. Các phóng viên, cộng tác viên các báo, đài trung ương và địa phương cũng đã đi sâu vào tâm lũ để kịp thời ghi nhận, phản ánh trung thực tình hình ứng phó với lũ và những thiệt hại do lũ gây ra…Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đội mưa, quần xắn gối đến với người dân “rốn lũ” để chỉ đạo sát sao về công tác phòng chống và ứng cứu, khắc phục thiệt hại do lũ gây ra và dự báo những đợt lũ có thể xảy ra đã khiến người dân yên tâm hơn. Càng vững tin hơn khi các đồng chí trực tiếp thị sát, kiểm tra tại các điểm xung yếu, nguy hiểm khi mưa lũ tràn về; đồng thời nhắc nhở các lực lượng tại chỗ tăng cường kiểm tra, ứng phó và chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó với mưa to và lũ, bảo vệ tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân.
Sát cánh bên đồng bào trong cơn thiên tai hoạn nạn, với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng Công an âm thầm và miệt mài cùng với người lính bộ đội Cụ Hồ của Bộ CHQS, Bộ đội biên phòng đồng lòng, đồng sức, huy động 100% quân số ứng trực 24/24 giờ tại các địa bàn xung yếu, 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác ứng cứu và di dời dân. Các lực lượng đã kịp thời đến với nhân dân không kể mưa to, nước lũ dâng cao... đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong những thời khắc khó khăn đó, ngày đêm lăn lộn để chống chọi với dòng nước lũ ngày một dâng cao, sát cánh với đồng bào, màu áo xanh bình dị của các anh bộ đội, màu áo vàng của các chiến sỹ công an đã hòa quyện trở thành một hình ảnh quá đỗi thân thuộc, trở thành chỗ dựa, niềm tin và sự hy vọng với nhân dân. Tại các địa phương, tình người trong lũ dữ càng được thể hiện hơn bao giờ hết, sáng ngời tình đoàn kết và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Vơi đi nỗi đau
Trong và sau lũ lụt, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã triển khai kịp thời công tác tiếp nhận cứu trợ; hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đến giúp đỡ, trao quà trực tiếp cho người dân đúng đối tượng, công bằng, khách quan; phân phối, cân đối giữa các địa phương, các đối tượng bị thiệt hại trên địa bàn. Các cấp, các ngành cũng đã tập trung nguồn lực, với sự giúp đỡ của những tấm lòng thiện nguyện nên cuộc sống của người dân vùng lũ đã từng bước ổn định trở lại. Công tác hỗ trợ khẩn cấp người dân có lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được triển khai kịp thời. Hàng ngàn tấn gạo, nước uống, mì tôm, lương khô và cả tiền mặt đã được các cấp, các ngành và những tấm lòng hảo tâm chuyển đến tận tay người dân vùng lũ.
Cơn lũ đi qua, cũng là lúc các lực lượng được điều động để giúp nhân dân khắc phục lũ lụt, xử lý nguồn nước, môi trường sau lũ. Có mặt tại các địa bàn bị thiệt hại nặng nề chúng ta dễ dàng bắt gặp hình các cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội, cán bộ y tế, không quản khó khăn vất vả, giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Lực lượng đoàn viên thanh niên đã có nhiều hoạt động tình nguyện, chung sức vì cộng đồng, giúp dân nạo vét kênh, mương, sửa sang lại nhà cửa, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi nước lũ rút, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cũng như sự giúp đỡ tích cực từ phía lực lượng khác, các nhà trường đóng trên địa bàn vùng lũ đã vệ sinh, thu dọn bùn đất làm sạch cảnh quang trường học khắc phục hậu quả sau lũ để sớm đón học sinh trở lại trường học. Các ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Công Thương, Hội Chữ thập đỏ đã có kế hoạch đảm bảo dự trữ thuốc men, nhiên liệu, hàng hóa, thực phẩm, lương thực cần thiết để có thể đảm bảo cho cuộc sống người dân khi cơn lũ đi qua, cũng như xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn cộng đồng.
Và chứa chan tình người ở lại
Nằm trong “Khúc ruột Miền Trung” Hà Tĩnh là vùng đất có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt những năm gần đây tỉnh ta luôn hứng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây ra những tổn thất không nhỏ. Trong khó khăn, hoạn nạn Hà Tĩnh đã nhận được rất nhiều sự sẻ chia của đồng bào, các tổ chức trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Sau trận mưa lũ, đã có biết bao tấm lòng từ thiện chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ, những món quà đã kịp thời làm vơi đi những mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Với mong muốn “một miếng khi đói bằng một gói khi no” biết bao tấm lòng đã tìm đến đồng bào bị lũ, hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần, sẻ chia những khó khăn với đồng bào Hà Tĩnh. Ngoài các tấm lòng thiện nguyện của người dân trong nước, bà con vùng lũ còn đón nhận tình cảm và vật chất với “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của các đoàn Việt kiều về từ Ba Lan, CHLB Đức, CH Séc xa xôi, hay từ đất nước láng giềng Lào, Thái Lan…Tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” một lần nữa lại được ngời sáng, tình người thêm thắm lại.
MTTQ các cấp chính là đầu mối cho những tấm lòng thiện nguyện hướng về Hà Tĩnh mỗi khi thiên tai, lũ lụt ập về. Để các món quà đến tận tay người dân một cách công bằng, đúng đối tượng nhờ có sự cống hiến lặng thầm của những người làm công tác Mặt trận, là đội ngũ cán bộ thôn, xóm trong kê khai thiệt hại, phân bổ, hướng dẫn ở từng địa phương, cơ sở. Bằng tinh thần trách nhiệm, sự công tâm, công bằng phân bổ hợp lý từng đối tượng theo các nhóm thiệt hại đã giúp cho nhân dân vùng lũ khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống. Đã có 1.992 đoàn đến chia sẻ, động viên và trao 144,1 tỷ (gồm tiền mặt và giá trị nhu yếu phẩm) ủng hộ nhân dân Hà Tĩnh khắc phục hậu quả lũ lụt. Các nguồn hỗ trợ này đã được MTTQ các cấp quản lý, phân bổ đúng đối tượng và được người dân, các tổ chức cứu trợ gửi gắm niềm tin.
Cơn lũ đã đi qua, nhưng hậu quả để lại không phải một sớm, một chiều có thể khắc phục xong. Điều quan trọng lúc này cần sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, tranh thủ thời tiết, sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời, luôn luôn chủ động có các biện pháp phòng tránh thiên tai, lũ lụt giảm thiểu đến mức thấp nhất về tính mạng con người và tài sản.
Nguyễn Thị Mai Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh