Người phụ nữ của công việc

16:47 16/01/2020

Kể từ khi làm Chủ tịch MTTQ xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh), thời gian để nghỉ ngơi của chị Nguyễn Thị Thọ càng trở nên quý hiếm hơn bao giờ hết. Ngày đi làm, đêm về mò mẫm chăm hàng trăm con lợn, ngày nghỉ chị vùi trong khu vườn rộng 2 héc ta chăm chút cho cây cam, cây chanh.

Đấy là chưa nói đến những việc không tên của bà Mặt trận phải đi cơ sở đến nỗi mòn dép nữa. Đằng sau dáng người nhỏ nhắn, đen đúm ấy là cả “núi” công việc mà chị phải làm, phải gánh vác. Thế nhưng, trong bất cứ “vai” nào, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Người đóng nhiều “vai”

“Nói về chị Thọ thì điều chúng tôi thấy nổi bật nhất ở chị là người phụ nữ đảm đang. Chị Thọ rất năng nổ, nhiệt tình, tận tụy với công việc. Chị là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết từ 300 – 500 con lợn đầu tiên ở Vũ Quang, từ đây hàng loạt mô hình đã được nhân dân hưởng ứng và nhân rộng. Năm 2015 này, Đức Lĩnh phấn đấu về đích nông thôn mới, đến nay các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành. Trong phong trào này, vai trò của chị Thọ thể hiện rất quan trọng, đặc biệt là khâu vận động quần chúng”, đó là nhận xét của ông Trần Bình Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vũ Quang về chị Nguyễn Thị Thọ.

Chị Thọ là người đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn ở huyện Vũ Quang

10 năm làm Chủ tịch Mặt trận xã Đức Lĩnh cũng là quảng thời gian chị Thọ trân quý nhất. Với cương vị này chị mới có dịp thể hiện được hết tài năng, công sức và nỗ lực của bản thân.

Đức Lĩnh là một xã miền núi khó khăn của Vũ Quang, nơi đây địa hình rộng, dân cư thưa thớt, xã được chia thành hai vùng với hai đặc điểm địa hình khác nhau. Vùng thượng thường xuyên gặp hạn hán, sạt lở đất, vùng hạ thì ngập lụt. Đặc điểm ấy đã khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Địa hình như vậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyên truyền đường lối, chính sách đến tận người dân. Tuy nhiên, trên cương vị là Chủ tịch Mặt trận xã, chị Thọ đã xác định được vai trò, vị thế của mình nên chị không quản khó khăn, đến tận từng gia đình để tuyên truyền, vận động. Toàn xã có 1.613 hộ nhưng không có hộ nào mà chị Thọ không đặt chân đến. Chính vì vậy các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đều “cập bến” nhân dân.

Là người đi lên từ phong trào quần chúng, chị Nguyễn Thị Thọ gần dân hơn ai hết. Thấu hiểu được nỗi thống khổ của người dân miền núi Đức Lĩnh, chị luôn trăn trở là làm sao để gia đình mình và dân mình bắt kịp được những nơi khác. Và rồi Đảng bộ Đức Lĩnh cũng như bản thân chị Thọ nhận ra rằng, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) chính là cơ hội để Đức Lĩnh bứt phá.

Tuy nhiên, bước đầu, những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh tế tập trung, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh quy mô lớn…không được người dân Đức Lĩnh đón nhận nhiệt tình. Để thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, năm 2012, chị Thọ đã mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi liên kết 300 con lợn thương phẩm.

Chia sẻ về việc tại sao chị là một người phụ nữ nhưng lại dám làm như vây, chị Thọ nói: “Mình là cán bộ, mình phải đi trước để dân noi theo, khi đi tuyên truyền, nếu muốn dân đi theo ý Đảng thì trước hết mình phải làm gương. Trong khi địa hình vườn của gia đình lại phù hợp với việc xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn nên mình huy động anh em, đồng nghiệp cố gắng xây dựng mô hình 300 con liên kết với Mitraco (Tổng công ty khoáng sản thương mại Hà Tĩnh). Việc thực hiện mô hình là điều không dễ nhưng nếu quyết tâm thì sẽ vượt qua được”.

Để huy động vốn xây dựng chuồng trại, làm đường bê tông vào tận trang trại, chị Thọ đã vay mượn khắp nơi. Hai lứa đầu tiên không có kinh nghiệm nên mô hình của chị bị lỗ. Những lúc như thế chị cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc nhưng rồi chị và gia đình đều vượt qua. Đến nay, thu nhập từ mô hình của chị đã đạt trên 300 trăm triệu đồng/năm. Không chỉ chăn nuôi lợn mà chị Thọ còn thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, với cây chủ lực là cam, chanh.

Ngoài ra, chị Thọ còn là người đứng ra thành lập HTX chăn nuôi gà, ươm giống cây trồng với 15 thành viên, thu nhập mỗi thành viên hàng tháng đạt từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, chị Thọ vừa là Chủ tịch Mặt trận xã, vừa là chủ mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, vừa là chủ nhiệm HTX. Bên cạnh đó chị Thọ còn là một người vợ, người mẹ trong gia đình. Để hoàn thành được những vai trò đó, đối với chị việc sắp xếp thời gian là quan trọng nhất. Nhiều lúc giấc ngủ trở thành điều xa xỉ đối với chị.

Vui vì làm nhiều việc có ích cho dân

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Đức Lĩnh ngày một tăng lên. Đức Lĩnh đã thực sự vươn mình trỗi dậy. Điều đó cũng đồng nghĩa với những trăn trở của chị Nguyễn Thị Thọ bấy lâu nay đã được tháo gỡ.

Từ mô hình của chị Thọ nay đã lan tỏa thành một phong trào rộng khắp, cả xã nay đã xây dựng được 163 hộ mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản 05 con trở lên.  60 mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập 200-500 triệu đồng/năm. 01 trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm 300 con/lứa. 02 tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết (25 hộ), 02 tổ hợp chăn nuôi gà 21 hộ quy mô 2000 con/ lứa, 01 hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp 15 thành viên quy mô  20 ha cây ăn quả.

Điều khiến chị vui nhất trong đời đó là được gần dân, sát dân, làm được nhiều việc có ích cho dân, giúp cho những hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Hằng năm Mặt trận Đức Lĩnh, đứng đầu là chị Thọ đã phối hợp với các tổ chức thành viên giúp đỡ 20 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. 5 năm qua quỹ vì người nghèo xã đã tiếp nhận và huy động được gần 512 triệu đồng. Vận động nhân dân đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng trăm tấn xi măng, hàng nghìn m3 cát, sỏi  hỗ trợ 232 gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn nâng cấp và làm nhà đại đoàn kết. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho 150 hộ, mỗi hộ từ 2- 4 triệu đồng. Hỗ trợ khám chữa bệnh cho 52 hộ đặc biệt khó khăn, hỗ trợ học tập 54 học sinh nghèo vượt khó…

Hạnh Nguyên



Ý kiến bạn đọc