Một số kinh nghiệm bước đầu thực hiện Quyết định 217 của Bộ chính trị về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội
Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ; trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của cính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện đạt những kết quả bước đầu khả quan.
Để triển khai hoạt động giám sát, MTTQ tỉnh đã hiệp thương thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội, thành lập các đoàn giám sát trực tiếp các nội dung, chuyên đề cụ thể. Đây là việc mới, khó nhưng MTTQ các cấp đã sáng tạo, linh hoạt trong công tác tham mưu, chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp với Ban Dận vận Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành liên quan để lập kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện các nội dung giám sát. Lựa chọn các nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, được Nhân dân quan tâm như: việc thực hiện các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; giám sát đầu tư của cộng đồng; việc huy động nội lực của nhân dân để xây dựng nông thôn mới; việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh trong các trường công lập; công tác tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác cải cách hành chính v.v.…
Phương pháp giám sát được thực hiện bảo đảm quy trình, từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo với cấp ủy và thống nhất với chính quyền, các cơ quan nhà nước có liên quan. Sau đó phối hợp thành lập Đoàn giám sát, Tổ giúp việc và xây dựng kế hoạch, lịch trình chi tiết, xác định đối tượng và phạm vi giám sát cụ thể. Trước khi làm việc trực tiếp với các đối tượng giám sát, Đoàn giám sát thông báo công khai về nội dung, chương trình, thời gian, đối tượng giám sát, gửi đề cương báo cáo giám sát và các biểu mẫu có liên quan đến đối tượng giám sát và các cơ quan có liên quan để chuẩn bị báo cáo và kế hoạch làm việc với Đoàn. Khi làm việc với các đối tượng giám sát, ngoài việc nghe báo cáo, Đoàn còn trực tiếp kiểm tra thực tế phỏng vấn sâu các đối tượng có liên quan và nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của người dân, dư luận xã hội; khảo sát thêm các đối tượng khác để có kết quả đối chứng. Trên cơ sở thu thập các tài liệu, báo cáo của đối tượng giám sát, thông qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, nghe phản ảnh của Nhân dân và tổ chức khảo sát thực tế… Đoàn xây dựng dự thảo báo cáo giám sát, tổ chức lấy ý kiến các thành viên của Đoàn, các đối tượng được giám sát và tổ chức làm việc với các đơn vị được giám sát và các ngành có liên quan để làm rõ những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, chất vấn, giải trình các việc có liên quan để hoàn chỉnh bản báo cáo đảm bảo chất lượng, đưa ra những kiến nghị phù hợp... Qua giám sát, đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Đặc biệt, trong năm 2016 MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy các cấp tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của Nhân dân về tình hình, kết quả thực hiện 26 chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở đó đã tiến hành phản biện việc sửa đổi, bổ sung các chính sách mới trong giai đoạn 2017-2021 sát đúng với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của tỉnh nhà. Kết quả thực hiện được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá rất cao. Đây là điểm nhấn hết sức quan trọng để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc triển khai thực hiện Quy chế có lúc, có nơi còn chậm; sự phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội có nơi chưa thực sự đồng bộ; việc thực hiện quy trình giám sát có lúc còn lúng túng; phương pháp giám sát chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn, do vậy chưa phát huy đầy đủ vai trò của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia giám sát; đội ngũ cán bộ tham gia giám sát, phản biện còn thiếu về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ…
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về hoạt động giám sắt và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, sớm ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để MTTQ các cấp triển khai thực hiện tốt hơn công tác giám sát và phản biện xã hội.
Hai là , cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật MTTQ Việt Nam, nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC và nhân dân cùng phối hợp thực hiện.
Ba là, định kỳ hằng năm, MTTQ, các đoàn thể phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp giám sát và phản biện xã hội trên cơ sở MTTQ và từng đoàn thể đăng ký nội dung chủ trì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình để xin ý kiến của cấp ủy, thống nhất với chính quyền về nội dung giám sát, phản biện; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chủ trì triển khai thực hiện; khi có tình huống mới phát sinh thì kịp thời bổ sung nội dung giám sát và phản biện xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Sau giám sát và phản biện xã hội thì kịp thời báo cáo kết quả giám sát và phản biện xã hội cho cấp ủy đảng, chính quyền để chỉ đạo giải quyết và giám sát việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan được giám sát và các cơ quan có liên quan nghiêm túc, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến kiến nghị, góp ý, xây dựng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bốn là , Thường xuyên tổ chức sơ tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và nhận rộng mô hình các tổ chức, cá nhân điển hình trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Năm là, chính quyền các cấp cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, bố trí kinh phí để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị.
Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Hà Tĩnh đã khẳng định tính đúng đắn trong việc thực thi Hiến pháp và pháp luật về phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh; phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận và động viên tối đa vai trò của người dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương..
Bùi Nhân Sâm
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh