Hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện từ hoạt động thực tiễn
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh, các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều hướng về nhân dân, và phải tiếp tục hoàn thiện về cơ chế từ những kinh nghiệm đúc rút trong thực tiễn.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại trung tâm thảo luận số 3.
Tại diễn đàn Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Thời gian qua, MTTQ TP Hà Nội luôn nắm bắt tâm tư, và quan tâm tới dư luận xã hội, trên cơ sở đó để Mặt trận xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Và Hà Nội đã rất nỗ lực phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là tham gia vào các hoạt động sau giám sát.
Tuy nhiên, “chúng tôi rất đồng tình với báo cáo đã đề cập tới việc quan tâm giám sát, phản biện, tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, địa phương hiện nay còn hình thức. Trong thời gian tới hệ thống Mặt trận cần quan tâm để tiếp tục thực hiện nội dung này”.
Trên cơ sở những nội dung còn tồn tại, trong thời gian tới, ông Tuấn đề nghị Trung ương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế để thông qua hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia, hưởng ứng vào các hoạt động, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
“Để nâng tầm trong hoạt động thực hiện dân chủ cũng như bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nhân dân, trong yêu cầu mới, trong thời kỳ mới, rõ ràng chúng ta cũng cần nâng tầm chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, để tham mưu cho các cấp uỷ đảng cũng như tổ chức đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây là yêu cầu trong thực tiễn cần phải đề cập và quan tâm” - ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất giải pháp.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng nêu thực tế: Quá trình thực hiện quy chế dân chủ vẫn bộc lộ môt số khó khăn, hạn chế như vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa cụ thể, rõ nét. Thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn lúng túng, thiếu chiều sâu, nhất là công tác phản biện xã hội. Một bộ phận nhân dân chưa tiếp cận đầy đủ các quan điểm, quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở.
Ông Hùng cho biết, một số nội dung như: dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; dự thảo kế hoạch triển khai các công trình, dự án trên địa bàn... ở nhiều địa phương chưa lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, đã làm hạn chế vai trò giám sát của người dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ông Hà Văn Hùng đề xuất: MTTQ các cấp thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về các nội dung theo quy định. Tăng cường tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân.
Bên cạnh đó, Mặt trận phối hợp với chính quyền thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở…
Các đại biểu tại trung tâm thảo luận số 3.
Cũng trong nội dung thảo luận, ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch MTTQ tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: Cần phải có các phương thức tác động làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật, chủ động hơn trong tiếp cận pháp luật. Người tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp mà pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Ở một góc nhìn khác, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, quy chế về giám sát và phản biện đã hình thành “bệ phóng”, đã “mở lò” và nhóm lên “ngọn lửa nguồn” cho hoạt động giám sát phản biện của xã hội. Nếu hệ thống MTTQ Việt Nam nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, tổ chức thực hiện sâu rộng, mạnh mẽ, nghĩa khí quy chế giám sát và phản biện này thì chắc chắn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn ngọn lửa sẽ bừng lên “ngọn lửa nguồn” của sự tập hợp, phát huy trí lực của toàn dân tộc trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước, cho sự đồng thuận đi lên của toàn dân tộc.
Điều đáng lo ngại là, quy chế ra đời trong sự chờ đợi nhiều năm mà lại thực hiện một cách qua loa, chiếu lệ, “nhẹ nhàng”, tránh né thì có lẽ không chỉ mất đi một thời cơ để đẩy lên hào khí Diên Hồng trong xã hội mà còn làm rạn vỡ “tấm gương lòng tin” của nhân dân, ông Khoa nêu vấn đề.
Để hoạt động giám sát, phản biện hiệu quả và thành công, theo ông Khoa, điều quan trọng là người dân vượt qua tâm lý e ngại, nói lên điều hay lẽ phải, nói lên sự thật, mạnh mẽ bày tỏ chính kiến nhiệt thành “rút ruột rút gan” đóng góp trí lực vào sự nghiệp chung.
Ông Đặng Văn Khoa tin tưởng hệ thống Mặt trận của sẽ nắm chắc thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, vượt qua chính mình để “nổi lửa”, dấy lên hào khí Diên Hồng trong hoạt động giám sát, phản biện như sự mong đợi của nhân dân.
Tại diễn đàn Đại hội, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, với vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thì đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân chính là Mặt trận. Chính vì vậy, tiếng nói của Mặt trận trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là tiếng nói của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh, các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều hướng về nhân dân tuy nhiên cũng thừa nhận, phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế. “Những gì đã được khẳng định đúng từ thực tiễn cần phải được phát huy, quy định trong các văn bản liên quan”.
Theo Báo Đại đoàn kết