Cần nâng cao cảnh giác với các âm mưu lợi dụng sự cố môi trường
Trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến ngày 18/4/2016 tại khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra hiện tượng hải sản chết bất thường. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học và tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời xuống các địa bàn tìm nguyên nhân và động viên, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân về tinh thần và vật chất. Ngày 30/6/2016, Chính phủ đã công bố nguyên nhân và những biện pháp xử lý sự cố. Lãnh đạo Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển; cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cùng các cam kết bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường và các cam kết liên quan khác.
Vụ việc ấy khẳng định quan điểm kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của Nhân dân. Từ đó đến nay, cả hệ thống chính trị từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành và các địa phương đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm từng bước khắc phục hậu quả sự cố, ổn định sản xuất và đời sống cho Nhân dân vùng bị thiệt hại. Sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra, thông báo 58 lỗi vi phạm của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa liên quan đến bảo vệ môi trường, Công ty cũng đã tập trung khắc phục, đến cuối tháng 10/2016 đã khắc phục được 53/58 lỗi, 5 lỗi vi phạm còn lại đã có lộ trình cam kết khắc phục theo quy định; về tiền bồi thường Formosa cũng đã chuyển trả đủ cho Chính phủ Việt Nam. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả bước đầu đã có những kết quả quan trọng; đại đa số nhân dân chia sẻ và tin tưởng ở chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, trước và sau khi công bố nguyên nhân hải sản chết, các thế lực thù địch luôn lợi dụng, tìm cách chống phá nước ta bằng nhiều thủ đoạn kích động tuần hành, gây rối, trương những khẩu hiệu kích động “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “Yêu cầu Formosa bồi thường cho chúng tôi và cút khỏi Việt Nam …, âm mưu tạo ra các cuộc “biểu tình”, lập nhóm “Cứu môi trường”, gửi đơn kiện Formosa, gửi thư kêu gọi các thế lực thù địch can thiệp, thổi phồng nguy cơ “mất nước”, “mất đất”… Trên một số trang mạng xã hội vẫn xuất hiện những thông tin ngược chiều, cố tình bóp méo, thổi phồng sự thật, rằng Nhà nước ta bỏ mặc người dân, đứng về phía Formosa, không quan tâm đến thiệt hại của người dân và môi trường…; không đứng ra hỗ trợ người dân kê khai thiệt hại và cũng không có một hướng dẫn pháp lý nào để người dân xử lý vụ việc. Họ đã kích động người dân gửi đơn kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại và đóng cửa Formosa, tham gia tuần hành, biểu tình… Chúng rêu rao rằng chính quyền các địa phương ngăn cản khiếu kiện, biểu tình và tiếp tay cho Formosa. Chúng còn đưa ra luận điệu : Kiện Formosa để cứu anh em và nhân dân. Một số phần tử còn lập tài khoản Facebook kêu gọi các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ tài chính để lo tiền ăn uống, đi lại cho người dân đi biểu tình…và nhiều hoạt động gây mất trật tự tại một số địa phương trên địa bàn miền Trung. Điển hình là trong hai ngày 26,27/9/2016, có khoảng 300 giáo dân dưới sự chỉ đạo của ông Đặng Hữu Nam (Linh mục quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã tổ chức đi tập trung trên 15 xe khách vào Tòa án nhân dân Thị xã kỳ Anh nộp 506 đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa với các nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại bị mất, giảm sút trong đành bắt thủy hải sản, sản xuất muối, sản xuất chế biến nước mắm, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh thủy hải sản ven biển với số tiền yêu cầu bồi thường hơn 56 tỷ đồng. Quá trình thu thập xác minh đơn kiện, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh xác định tất cả 506 đơn đều là giáo dân cư trú ở tỉnh nghệ An, không thuộc diện bị thiệt hại trực tiếp do Formosa gây ra, không đủ tài liệu chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và thiệt hại theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự nên đã trả lại tất cả các đơn kiện theo đúng trình tự pháp luật. Ngày 02/10/2016, dưới sự hiệp thông của các linh mục trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh, hơn 4.000 giáo dân dưới sự chỉ đạo của ông Trần Đình Lai (Linh mục quản xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh) và 4 linh mục khác trên địa bàn đã tổ chức Đoàn tuần hành mang theo cờ của Giáo hội và cầm các biểu ngữ với nội dung: “Không khoan nhượng với Formosa”, “Yêu cầu chính quyền đứng về phía nhân dân, hãy bảo vệ nhân dân”, “Yêu cầu Formosa bồi thường cho chúng tôi và cút khỏi Việt Nam”, “Chúng tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”, “Formosa là kẻ thù của dân tộc Việt Nam”. Một số đối tượng dùng hộp sơn xịt lên tường rào trước cổng Formosa dòng chữ: “Formosa Get out”, “Đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam” , đồng thời tập trung hò hét, chửi bới. Một số đối tượng quá khích đã dùng gạch, đá ném vào lực lượng Cảnh sát cơ động, Bộ đội Biên phòng đang bảo vệ tại Cổng Formosa; hàng trăm đối tượng đã trèo lên hàng rào, cổng chính Formosa hò hét, kích động, tiếp tục ném gạch, đá vào bên trong hàng rào cổng, đập phá phòng bảo vệ, Camera bảo vệ và một số tài sản của Formosa…đây là hành vi gây rối, làm mất an ninh trật tự, chống đối người thi hành công vụ và đập phá tài sản của tổ chức, cá nhân.
Thực tế, trước khi công bố nguyên nhân cá chết ở vùng biển Miền Trung, các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương cũng đã rốt ráo, quyết liệt và có nhiều chủ trương chỉ đạo sát sao theo từng diễn biến sự việc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương giải quyết các nội dung liên quan; cùng hơn 30 bộ, ngành tham gia thu thập chứng cứ, xác minh, ban hành 28 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề liên quan tới vụ việc như tìm nguyên nhân, công bố ngư trường và danh mục hải sản an toàn, công bố vùng biển đánh bắt an toàn; có các giải pháp thu mua hải sản an toàn, hỗ trợ thu mua hải sản; đặc biệt là tập trung hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng bị thiệt hại với nhiều chính sách như hỗ trợ gạo, tiền ra khơi, vay vốn, khắc phục hậu quả môi trường… Để điều tra xác định nguyên nhân, Chính phủ cũng đã thành lập một Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ quốc gia với hơn 100 chuyên gia của hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học của nhiều nước có uy tín trên thế giới như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, I-xra-en cùng Hội đồng phản biện cũng đã được thành lập, điều tra công phu, trên diện rộng, đối chiếu, loại trừ nhiều nguyên nhân, tìm ra những bằng chứng khách quan, chính xác.
Cùng với Chính phủ, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã có những hành động thiết thực, kịp thời để hỗ trợ xử lý môi trường, kêu gọi hỗ trợ Nhân dân vùng bị thiệt hại và giám sát việc giải quyết hỗ trợ người dân của Chính phủ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Các địa phương đã hỗ trợ 4.309 tấn gạo đến 40.043 hộ dân; hỗ trợ các hộ nuôi tròng thủy sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ cho 8.111 chủ tàu thuyền ngừng khai thác.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, nơi trực tiếp xảy ra sự cố môi trường, sau khi sự cố xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có các quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự sau sự cố môi trường, thành lập 6 tổ giúp việc trực tiếp tham mưu cho Ban Chỉ đạo theo 6 lĩnh vực và 8 tổ tuyên truyền vận động trực tiếp bám cơ sở, nắm bắt tình hình và vận động nhân dân cùng đoàn kết, tin tưởng vào chính quyền, nỗ lực khắc phục hậu quả kịp thời và hiệu quả nhất. UBND tỉnh ban hành một số chính sách tạm thời hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do sự cố môi trường, triển khai kịp thời Quyết định 772-QĐ/TTg và Quyết định 1138-QĐ/TTg của Chính phủ về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng. Lực lượng an ninh tăng cường, tập trung đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và doanh nghiệp ở các địa bàn trọng điểm. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo hệ thống ngành dọc tổ chức sinh hoạt chi đoàn, chi hội; phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở nắm tình hình đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề vướng mắc của người dân; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ bà con ngư dân và các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Từ những giải pháp tích cực và hiệu quả, tỉnh đã huy động tất cả các lực lượng từ các ngành cấp tỉnh đến các địa phương tham gia vào các chính sách hỗ trợ. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngưởi dân nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, chủ động trích nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện một số chính sách riêng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng như: hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho người dân bị ảnh hưởng; hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng có hải sản chết 666,2 triệu đồng; hỗ trợ con em 100% học phí trong vòng 2 năm học với số tiền hơn 33,2 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng 100% phí bảo hiểm y tế cho 2.847 người; hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua muối 100% lãi suất ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp 50% tiền điện kho đông lạnh bảo quản thủy hải sản để thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân trong vòng 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9/2016), hỗ trợ thành lập 25 cửa hàng bán hải sản sạch và xác nhận là mẫu hải sản an toàn cho nhân dân với số tiền đợt 1 hơn 8 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dấn đóng mới, cải hoán tàu cá để đánh bắt xa bờ với tổng số tiền trên 23,066 tỷ đồng... Bên cạnh đó, việc kê khai, rà soát, tính toán việc bồi thường thiệt hại cho người dân cũng được cả hệ thống chính trị tập trung quyết liệt. Tổ chức tập huấn đến từng khu dân cư bị ảnh hưởng, hướng dẫn người dân làm thủ tục; thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ hướng dãn, giám sát, thẩm định và phê duyệt việc kê khai từ tỉnh đến khu dân cư; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư về thiệt hại của từng hộ dân đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác và công bằng nhất với người dân. Đến nay, việc kê khai của tỉnh đã cơ bản hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ và đang tiến hành các bước để thực hiện việc bồi thường theo Quyết định 1880-QĐ/TTg, ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng. Mặt khác, tiếp tục nắm bắt những kiến nghị, phản ánh của người dân để đề xuất với Chính phủ xem xét việc giải quyết bồi thường cho một số đối tượng chưa được quy định trong Quyết định 1880-QĐ/TTg nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân một cách công bằng và chính xác nhất.
Sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra là rất nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cuộc sống, thu nhập của người dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Formosa đã xin lỗi, cam kết bồi thường, khắc phục sự cố và thực tế là Công ty đã và đang nỗ lực phối hợp với Chính phủ và các địa phương khắc phục, giải quyết các cam kết đã đưa ra. Trong khi đó, các thế lực thù địch và các phần tử quá khích vẫn với chiêu bài cũ kích động, khống chế nhân dân không cho ra đồng làm muối, không kê khai thiệt hại, khiếu kiện, tụ tập đông người... làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và gây mất an ninh trật tự. Luận điệu và âm mưu của chúng là hành động vi phạm pháp luật, chỉ mưu đồ chính trị làm gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội. Người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử chống đối. Không vì lợi dụng từ hậu quả của sự cố môi trường, nghe theo kích động, lôi kéo mà gây ra những hành động quá khích, khiếu kiện, gây áp lực với chính quyền. Không “đổ thêm dầu vào lửa”, làm phức tạp thêm tình hình và làm cho khó khăn của người dân càng chồng chất thêm. Hơn lúc nào hết, chúng ta hãy phát huy tinh thần đoàn kết, nhân ái, bình tĩnh, chia sẻ và đồng hành với chính quyền các cấp trong việc tập trung khắc phục sự cố môi trường biển vì công ăn, việc làm, đời sống và sự ổn định, phát triển bền vững của Hà Tĩnh thân yêu.
Bùi Nhân Sâm
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh