BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VÀ SỨ MỆNH CAO CẢ
Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập đã đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, diễn đàn tin cậy của nhân dân, vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng. Trong bức tranh chung đó, báo chí Hà Tĩnh cũng từng bước khẳng định vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng quê hương.
Các nhà báo tác nghiệp trong chuyến đi thực tế “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” năm 2011. |
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, đồng thời, xuất bản Báo Thanh Niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam ra số thứ nhất.
Tờ Thanh Niên tập trung vào một số nội dung cơ bản như: khơi sâu trong nhân dân lòng căm thù quân cướp nước; học tập lịch sử trong nước và trên thế giới làm thế nào để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi triệt để; tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tập hợp lực lượng và xây dựng tổ chức, đi đến thành lập một chính đảng có đủ sức mạnh để lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng… Từ tờ Thanh Niên, một thế giới quan, nhân sinh quan mới bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam. Tờ báo đã tích cực tuyên truyền con đường cách mạng mới, đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh |
Những năm sau đó, với yêu cầu của cuộc cách mạng, nhiều tờ báo khác cũng được xuất bản như: Búa Liềm của Đông Dương Cộng sản Đảng, Công Hội Đỏ của Ban Công vận Trung ương, Lao Động của Tổng Công hội Bắc kỳ, báo Đỏ của An Nam Cộng sản Đảng. Những tờ báo của các tổ chức cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, báo chí cách mạng cũng bước vào thời kỳ phát triển phong phú. Bên cạnh những tờ báo Trung ương, các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ, đặc biệt là các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của giai cấp công nông chống đế quốc, phong kiến, phục vụ tích cực nhiệm vụ xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đường lối cách mạng của Đảng. Trong đó, nổi bật nhất là báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (ra đời ngày 25/1/1942). Các ấn phẩm của Cứu Quốc đã “làm cho nhân dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật cho Việt Nam độc lập, tự do”.
Kể từ khi báo Thanh Niên ra đời đến tháng 8/1945, có hơn 270 tờ báo và tạp chí phục vụ tích cực nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Trong đó, báo Cờ Giải Phóng và Cứu Quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945. Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, phát hành với số lượng lớn. Sự xuất hiện 2 cơ quan mới là Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã cũng đã khiến hoạt động báo chí đa dạng, hiệu quả hơn, góp công lớn vào công cuộc tuyên truyền đấu tranh chống giặc.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Trong đó, nổi bật nhất là Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in bằng kỹ thuật tiên tiến, với số lượng lớn.
PV Báo Hà Tĩnh phỏng vấn Phó Tỉnh trưởng tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan) |
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp. Trong tiến trình phát triển chung của báo chí toàn quốc, ở Hà Tĩnh cũng ra đời nhiều tờ báo phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Những năm 30, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động nhân dân hiểu và đấu tranh chống lại mọi luận điệu phản động của bọn tay sai; các huyện ủy ở Hà Tĩnh đều loát in truyền đơn, sách báo, tài liệu của Đảng. Một số tờ báo được phát hành rộng rãi như Bước Tới của Tỉnh ủy Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên, Tự Cứu của Can Lộc, Tiếng Gọi của Thạch Hà, Cổ Động của Đức Thọ. Các tờ báo này đã thể hiện tốt vai trò tuyên truyền, định hướng trong các giai đoạn đấu tranh Xô viết Nghệ Tĩnh, khôi phục Đảng bộ và phong trào cách mạng của quần chúng (giai đoạn 1932-1939).
Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Tĩnh có 3 tờ báo lớn là Gọi Bạn, Liên Việt Hà Tĩnh và Thông tin Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền chính sách kháng chiến của Đảng, Chính phủ cho toàn dân. Sau thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tờ tin Hà Tĩnh ra đời, phục vụ công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng hòa bình ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước. Đến tháng 8/1962, Tờ tin Hà Tĩnh ngừng xuất bản và sau đó chuyển tiếp thành tờ Báo Hà Tĩnh, xuất bản số đầu tiên vào ngày 2/9/1962.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Báo Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, Nhà nước, góp phần nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa, KHKT của đảng viên, đoàn viên và nhân dân, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu, phản ánh mọi mặt công tác trong tỉnh, phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh chống Mỹ gian khổ và anh dũng của quân dân Hà Tĩnh, bám sát nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, sản xuất, xây dựng đời sống mới. Bên cạnh đó, sự ra đời của Đài Phát thanh (sau đó là Đài PT-TH Hà Tĩnh) cũng đã góp phần tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời, sinh động thắng lợi của quân dân ta trên các mặt trận…
Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp CNH–HĐH đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang đòi hỏi những yêu cầu cao hơn. Trước thực tế đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện sự kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí.
Với chức năng và sứ mệnh quan trọng, Báo chí Hà Tĩnh đã luôn đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.
Phong Linh