Đại tướng Võ Nguyên Giáp - tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức cách mạng
Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, suốt đời hy sinh, phấn đấu quên mình cho đất nước và nhân dân của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là tài sản vô giá trong giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản, Võ Nguyên Giáp đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 14 tuổi (1925). Mười lăm năm sau, Võ Nguyên Giáp được kết nạp Đảng và được Trung ương cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1940), khởi đầu quá trình phát huy tài năng, đức độ, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng.
Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng với phương pháp sáng tạo, hiệu quả cao; được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền công bố Sắc lệnh thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944). Thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng vào xây dựng, chuẩn bị lực lượng chính trị, quân sự vững mạnh, bảo đảm cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách. Tên tuổi, sự nghiệp của nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị lỗi lạc-Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cùng những đóng góp hết sức quý báu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được nhân dân và bạn bè quốc tế yêu mến, kính trọng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân gọi Đại tướng bằng những cái tên gần gũi, thân thương: Anh Cả, anh Văn; nhân dân vinh danh là “Đại tướng của nhân dân”; phía bên kia chiến tuyến dành sự tôn trọng, nể phục, gọi là “Vị tướng huyền thoại”... Điều đó có được bởi ở Đại tướng hội tụ đầy đủ các phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; các đức tính của người làm tướng trí, dũng, tín, nhân, liêm, trung theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xem đó là phương châm sống, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng suốt đời.
Là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, Đại tướng gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị, chí công vô tư, gần gũi, hết mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, giữ vững khí tiết, tư tưởng tiến công, ý chí tự lực, tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; luôn đề cao công lao, sự hy sinh to lớn của nhân dân, quân đội, những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Đại tướng từng nói: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng như giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng là người lính bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.
Danh tiếng, uy tín, phẩm chất đạo đức, nhân cách của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin; được thế giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ngưỡng mộ, cảm phục.
Để có được nhân cách, phẩm chất cách mạng, trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn kiên trì học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà trước hết phải học, hiểu về tinh thần “dĩ công vi thượng”, đó là: Làm gì cũng phải đặt lợi ích của chung lên trên hết, lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của gia đình, lợi ích của bản thân mình. Đại tướng luôn gương mẫu và chỉ bảo, hướng dẫn mọi người cùng thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo, thành công tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhất là các vấn đề phương pháp cách mạng; vai trò của quần chúng nhân dân; chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân; người trước, súng sau, chính trị trọng hơn quân sự...
Học tập tấm gương đạo đức Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tình cảm, trách nhiệm của nhân dân cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng đối với vị Tổng Tư lệnh-người Anh Cả của mình và quyết tâm thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, không ngừng học tập, phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội. Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; xác định rõ mục tiêu chiến đấu, đối tượng, đối tác cách mạng, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức... Trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ luôn là lực lượng xung kích, tiên phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, vất vả nhất, ở nơi khắc nghiệt, nguy hiểm nhất; xông pha vào “tâm bão”, “rốn lũ”, “biển lửa”, “tâm dịch”... để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ chủ động đẩy mạnh đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; bác bỏ có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục những luận điệu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, đi đôi với khẳng định tính khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của cách mạng và công cuộc đổi mới... Qua đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất, âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội hòng “phi chính trị hóa” quân đội... của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.
Hai là, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, cộng đồng, trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân. Đại tướng đã thấm nhuần và thực hiện đúng lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Noi gương Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng. Đề cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, nói đi đôi với làm để cấp dưới học tập, noi theo. Cán bộ cương vị càng cao càng phải gương mẫu và thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái, tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp... tạo sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ, vững chắc về nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của bản thân và cơ quan, đơn vị.
Ba là, thực hiện có hiệu quả các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì theo phương châm: Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo để tạo sự đoàn kết, thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.
Tài năng, phẩm chất đạo đức, nhân cách mẫu mực, sáng ngời của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua câu đối: Văn lo vận nước Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, là “tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo”.
Đại tá, TS Thái Doãn Tước/baohatinh.vn