Yêu nước, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch bệnh
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ tại buổi phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19” của UB MTTQ tỉnh. Ảnh: Kiều Minh
Lịch sử cho thấy, trải qua bao cuộc chiến chinh chống giặc giã, thiên tai, niềm tin bất diệt luôn là yếu tố góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang. Người Việt luôn tin và tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tin vào lực lượng cầm quyền, tin vào lãnh tụ, tin vào đồng bào, đồng chí của mình… Từ đó, đồng tâm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì có niềm tin ấy, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau của dân tộc mà Việt Nam đã bao phen “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”… Có thể, trong thời bình, những giá trị ấy chỉ có những biểu hiện thâm trầm, không rõ nét nhưng nó vẫn là ngọn lửa âm ỉ cháy trong cốt cách, trí tuệ người Việt Nam. Và giờ đây, trong những ngày chiến đấu chống đại dịch Covid-19, tinh thần ấy lại một lần nữa được “kích hoạt” mạnh mẽ.
Ngọn lửa của lòng yêu nước, của tinh thần dân tộc được khơi dậy trong mỗi người dân được bắt nguồn từ những hành động đầy ấm áp, đầy yêu thương của Đảng và Chính phủ. Ngay khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, khi các nước trên thế giới chưa quan tâm đến công tác phòng chống dịch cho người dân thì Chính phủ Việt Nam đã có những hành động dứt khoát.
BĐBP Hà Tĩnh đã lập 16 chốt tại các đường mòn, lối mở trên biên giới với 232 cán bộ, chiến sỹ tham gia nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép vào nội địa. Ảnh: Thế Mạnh
Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi bất kỳ người con nào. Đó chính là thông điệp mà Chính phủ muốn chuyển đến tất cả những ai đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng khi không một chút chần chừ kêu gọi và dang rộng vòng tay đón đồng bào trên khắp thế giới trở về. Thậm chí, Chính phủ còn đưa cả máy bay vào vùng tâm dịch để đón công dân của mình. Dẫu biết rằng, sau đó, đất nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Những hành động ấy đã thắp lên trong mỗi công dân niềm tin sắt son, nghĩa đồng bào sâu đậm. Để trong cơn hoạn nạn, hai tiếng đồng bào đã trỗi dậy thật thiêng liêng. Hình ảnh những phi công bay vào vùng dịch, những bác sỹ quên mình trên tuyến đầu, những cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang quên mình… trong “trận chiến” dịch bệnh này đã gợi cho tất cả mọi người ký ức về những năm tháng chiến tranh.
Y bác sỹ Khoa Gây mê Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tham gia chiến dịch kêu gọi người dân chung sức chống dịch. Ảnh: Hoàng Hào
Có lẽ, trong thế kỷ XXI này, chưa bao giờ lòng yêu nước, truyền thống của dân tộc Việt Nam lại được biểu thị bằng hành động cụ thể như khi cả dân tộc cùng chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Mỗi người dân đều trở thành một chiến sỹ quả cảm. Hàng trăm khu cách ly trên cả nước là hàng trăm “ngôi nhà” đầy tình yêu thương, đùm bọc nhau. Hàng trăm, hàng nghìn người đã tình nguyện phục vụ ở các khu cách ly.
Nhiều bác sỹ, y tá đã tình nguyện xung phong đến điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ở các khu cách ly mà không hề nao núng. Ai cũng xác định được những nguy cơ, hiểm nguy mà mình có thể gặp phải nhưng không một ai nhụt chí, chùn chân bởi với họ, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với đồng bào, với đất nước trong thời điểm cấp bách này…
Cụ Nguyễn Thị Tửu (101 tuổi, ở phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) đã dùng tiền tiết kiệm mua 2 tấn gạo ủng hộ.trao tặng 2 tấn gạo cho Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tham gia chống dịch Covid-19. Ảnh: Sơn Hoàng
Những biểu hiện của lòng yêu nước trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này cũng giống như trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, các thế hệ Nhân dân ta đã hy sinh xương máu, đã hiến dâng cho cách mạng cả nhà cửa, của cải để chống giặc. Giờ đây, khi Chính phủ kêu gọi chung tay chống dịch, tùy theo tiềm lực, mỗi người có những cách chia sẻ khác nhau. Có những tỷ phú đã tự nguyện quyên góp hàng chục tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp tạm quên khó khăn, dành một phần nguồn lực ủng hộ cho các khu cách ly. Và, rất nhiều người dân đã tự nguyện góp tiền, góp gạo để sẻ chia với chính quyền.
Mỗi ngày Khu tạm trú dành cho người lao động địa phương từ nước ngoài trở về ở Trường Mầm non Thạch Đài (Thạch Hà) đều đón nhận tình cảm của người dân. Ảnh: Anh Hoài
Ở Hà Tĩnh, khi các khu cách ly được lập nên, rất nhiều câu chuyện cảm động đã được người dân viết lên bằng những hành động cụ thể. Mỗi ngày, những hành động đẹp đẽ, giàu nhân văn lại được nhân lên. Câu chuyện về các cụ ông, cụ bà ở một số địa phương mang tiền tiết kiệm, mang rau, mang gạo đến chia sẻ với các khu cách ly; những em bé hiếu nghĩa biết chia sẻ tiền tiết kiệm của mình để cùng đất nước chống dịch bệnh; những cô giáo, cụ già cần mẫn may khẩu trang tặng các khu cách ly tập trung; những đoàn viên thanh niên, giáo viên sáng tạo làm kính chống giọt bắn để tặng những người làm nhiệm vụ trên tuyến đầu… đều là những biểu hiện mới của lòng yêu nước, thương nòi.
Trường THPT Kỳ Anh trao tặng mũ chắn giọt bắn tự làm cho lực lượng Công an thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Thuý Ngọc
Soi mình vào đó, ai suy nghĩ sai lệch phải suy nghĩ lại. Ai chưa hành động sẽ hành động. Và, chắc hẳn các kiều bào trở về cũng đã kịp cảm nhận sự bao dung của Tổ quốc mẹ hiền, sự ấm áp của nghĩa đồng bào để yêu thêm nguồn cội, để nhận thức đúng đắn hơn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, trong những ngày này, khi Chính phủ xác định, Việt Nam bước vào giai đoạn đỉnh dịch và ta có 15 ngày để cùng chiến đấu thì tất cả các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội lại cùng đồng tâm, hiệp lực, khẩn cấp triển khai những biện pháp, hành động tối ưu. Và hơn bao giờ hết, mỗi công dân Việt Nam đều ý thức được trách nhiệm của mình. Ai ai cũng xác định, chống dịch như chống giặc. Và chống dịch chính là yêu nước.
Dịch bệnh Covid-19 đã có những ảnh hưởng không tốt lên đời sống KT-XH của Việt Nam nhưng chính từ trong “cơn hoạn nạn” ấy, lòng yêu nước, thương nòi lại được khắc sâu hơn bằng những hành động thiết thực và đậm tính thời đại.
(Nguồn: Báo Hà Tĩnh)