Nhân dân kiến nghị triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ khó khăn 'hậu Covid-19’

11:25 21/05/2020

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Sáng nay, 20/5, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến. Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đại Đoàn Kết Online trân trọng đăng tải báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trình bày tại Quốc hội:

Từ sau kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, tôi xin trình bày trước Quốc hội các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV như sau:

I. Tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và Nhân dân

1. Công tác phòng, chống dịch Covid-19

Cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị thực hiện các biện pháp quyết liệt, kịp thời để phòng chống dịch. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ra Lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch”. Đến nay, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, được lãnh đạo nhiều nước, nhiều tổ chức, các phương tiện truyền thông quốc tế đánh giá cao. Chính phủ đã kịp thời chuyển đổi trạng thái, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không chủ quan trong phòng, chống dịch. Cử tri và Nhân dân bày tỏ trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, cán bộ ở cơ sở. Đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự xúc động, biết ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài, trong lúc dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, vẫn tổ chức đón bà con có nhu cầu về nước trong an toàn, chu đáo. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã dành sự ủng hộ, chia sẻ khó khăn với một số nước bị dịch bệnh Covid-19, thể hiện trách nhiệm, tình đoàn kết hữu nghị của Nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu đậm, trong lúc khó khăn, nhiều nghĩa cử cao đẹp lan tỏa trong cộng đồng, cây ATM gạo, phiên chợ nhân đạo, siêu thị 0 đồng, suất cơm tình nghĩa... hình ảnh những người cao tuổi, trẻ em, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ phòng, chống dịch, khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Từ diễn đàn Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam xin trân trọng cảm ơn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết một lòng, tích cực ủng hộ, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 suốt thời gian vừa qua(1).

2. Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

2.1. Về sản xuất kinh doanh và đời sống người dân

Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng. Chính phủ đã gặp mặt trực tuyến, tổ chức đối thoại, khuyến khích sáng tạo của các doanh nghiệp, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh(2). Nhiều bộ, ngành đã kịp thời ban hành, điều chỉnh các quy định về thuế, tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… trong các ngành nghề, lĩnh vực nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tận dụng cơ hội, “biến nguy thành cơ” với nhiều sáng kiến để thích ứng với tình hình, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức đối thoại, gặp mặt trực tuyến với hơn 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước, lắng nghe những đề xuất của các doanh nghiệp, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp, cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ để quyết tâm phục hồi nền kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại phiên khai mạc. (Ảnh: TTXVN).

Cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng, phấn khởi khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng bước đầu triển khai đến các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, lao động mất việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, góp phần ổn định đời sống người dân(3). Bên cạnh đó, hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải quyết thủ tục giải ngân, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm tiếp cận với gói hỗ trợ để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cử tri và Nhân dân cũng đề nghị việc thực hiện hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng chính sách, có sự giám sát chặt chẽ để tránh trục lợi chính sách, chống lãng phí.

Cử tri và Nhân dân lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước chưa từng có trong nhiều năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể (4). Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm của người lao động, tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm tăng (5). Nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, người lao động nghỉ việc, làm việc luân phiên, không có lương hoặc thu nhập rất thấp, nhất là trong các ngành dệt may, dịch vụ, du lịch, vận tải, giáo viên ngoài công lập... Mặc dù cơ quan chức năng đã cố gắng giải quyết các chính sách trợ cấp cho người lao động nhưng đời sống của nhiều người lao động vẫn rất khó khăn, nhất là những người bị mất việc làm. Cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì và mở rộng thị trường việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, sản phẩm hàng hóa có lúc, có nơi bị ứ đọng trong thời gian diễn ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước (6). Người dân và doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần có giải pháp để tăng cường phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, chủ động tìm kiếm thị trường thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường mới là đối tác của Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường có nhiều biến động; một số đối tượng lợi dụng gom hàng, đẩy giá lên cao. Đề nghị Nhà nước tập trung nguồn lực để kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra thị trường, thực hiện niêm yết giá công khai, xử lý nghiêm các vi phạm.

2.2. Về giáo dục, đào tạo và y tế

Cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong thời gian qua, đồng tình, ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch, triển khai dạy học qua internet, trên truyền hình, tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời điều chỉnh khung thời gian năm học, ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường; chủ động xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phương thức tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2020. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế khó khăn; nhiều phụ huynh lo lắng việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày ảnh hưởng đến chương trình, nội dung kiến thức học tập và kết quả năm học 2020 - 2021.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đại biểu Quốc hội thực hiện nghi thức chào cờ. (Ảnh: TTXVN).

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yên tâm về phác đồ điều trị những người bị lây nhiễm, phương pháp chăm sóc ở các khu cách ly; ghi nhận về kết quả điều trị đối với bệnh nhân, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các lực lượng phòng, chống dịch. Nhiều tấm gương tận tâm hết mình, không quản ngại vất vả, hiểm nguy, xông pha trên tuyến đầu chống dịch, để lại ấn tượng đẹp trong Nhân dân. Đồng thời, cử tri và Nhân dân bất bình, lên án cán bộ ở một số địa phương lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước như vụ việc một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cấu kết với các đơn vị liên quan nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 (7), một số vụ việc mua sắm thiết bị y tế có dấu hiệu vi phạm tại các địa phương như Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Thái Bình... Cử tri và Nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về an toàn thực phẩm và chất lượng không đảm bảo của một số loại thuốc chữa bệnh; một số nơi, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

2.3. Về quản lý đất đai, môi trường và biến đổi khí hậu

Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã rà soát, xử lý những trường hợp sử dụng đất không đúng quy định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có chuyển biến rõ nét; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chậm, chưa đồng bộ; việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thu hồi đất ở một số nơi còn bất cập; một số vụ việc khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai chưa được xem xét, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong Nhân dân.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được Chính phủ, các cấp, các ngành và Nhân dân quan tâm, ủng hộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã quan tâm kiểm soát và xử lý các hành vi xả thải ra môi trường (8). Tuy nhiên, tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở nhiều đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa trong các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý rác, chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập; việc xả thải, đổ trộm chất thải, hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều nơi, như vụ đổ trộm hóa chất xuống sông Hồng trên địa bàn Huyện Thanh Trì, Hà Nội trong tháng 3/2020, vụ "đầu độc" sông Hồng bởi nước thải làng nghề dệt nhuộm tại Lý Nhân, Hà Nam (9)... Cử tri và Nhân dân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn nữa trách nhiệm quản lý về môi trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, thực hiện công khai rộng rãi kết quả để nhân dân biết và giám sát.

Cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá rừng. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở một số nơi (10). Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang từng ngày diễn ra nhức nhối trên nhiều đoạn của sông Hồng thuộc nhiều tỉnh, thành, khu vực sông Lô thuộc tỉnh Phú Thọ, khu vực sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An, trên các nhánh thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam… Một số vụ việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ với khối lượng lớn trên địa bàn thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng... Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở, lũ lụt, hạn hán, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân. Đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương có giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; cần xây dựng cơ chế, chế tài rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá rừng, đồng thời làm rõ những dấu hiệu làm ngơ, bao che cho các hành vi vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN).

Song song với những khó khăn của dịch bệnh, người dân còn phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, chưa từng có trong lịch sử ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số tỉnh như Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai. Hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân (11). Bên cạnh đó, giông lốc, mưa đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc làm thiệt hại hoa màu, sập, trôi nhà cửa, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Cử tri và Nhân dân mong muốn, kiến nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ để giảm thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, ưu tiên, bố trí nguồn lực đầu tư vào hệ thống thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, có phương án dự trữ, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh khi xâm nhập mặn lên cao, đảm bảo sinh kế bền vững cho Nhân dân.

2.4. Về an ninh trật tự, an toàn xã hội

Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao lực lượng Công an và các cơ quan chức năng đã chủ động, tích cực trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; điều tra, xử lý kịp thời những vụ án, hành vi vi phạm pháp luật(12), cơ bản hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình trạng cướp của, giết người, lừa đảo, tín dụng đen, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy diễn biến phức tạp; tình trạng băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động tại một số địa phương (13)... Đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục tác động tích cực, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Cử tri và Nhân dân mong muốn việc thực hiện Nghị định tiếp tục được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, vừa góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với sức khỏe của cộng đồng, vừa giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân bất bình về những hành vi bất chấp pháp luật chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đề nghị Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động Nhân dân, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức điều hành giao thông và xử lý vi phạm.

Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh về tình trạng một số đối tượng đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền những lối sống, hành vi phản cảm trên không gian mạng. Đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng, quản lý chặt chẽ thông tin, truyền thông; phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý thông tin sai lệch, điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng tung tin sai sự thật, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

2.5. Về công tác đối ngoại

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đồng tình với các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông; ghi nhận kết quả và những dấu ấn đậm nét, thể hiện vai trò tại các diễn đàn đa phương. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh bằng hình thức trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội trên cương vị Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á đã gửi Thư tới các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA. Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đã điện đàm với lãnh đạo một số nước về ứng phó với dịch bệnh, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước. Đồng thời, Việt Nam đã ủng hộ, gửi tặng trang thiết bị y tế đến một số nước bị dịch bệnh Covid-19, góp phần chia sẻ khó khăn, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với cộng đồng quốc tế (14) .

3. Về xây dựng Đảng, Nhà nước

Cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, quan tâm nhiều đến nội dung văn kiện và công tác nhân sự, đặc biệt là Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ để đại hội diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ. Cử tri, Nhân dân mong muốn các cấp ủy đảng khi tổ chức đại hội cần quan tâm đến chất lượng, lựa chọn được những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, trí tuệ, xứng đáng tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN).

Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; các cơ quan, chính quyền đã đẩy mạnh phân công, phân cấp, công khai tiêu chuẩn, quy trình, chống “chạy chức, chạy quyền”; xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan. Việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được triển khai khá đồng bộ, đạt kết quả tích cực (15). Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn quan tâm nhiều đến đạo đức cán bộ, hiệu quả chất lượng công việc, đồng thời mong muốn trong quá trình thực hiện sắp xếp cần có lộ trình, giải pháp phù hợp hơn, vừa đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối, giảm biên chế, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời giải quyết hợp tình, hợp lý đối với những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư ở cơ sở.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian qua. Việc đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; một số dịch vụ, hỗ trợ đã đến tận hộ gia đình(16). Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng sách nhiễu người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức. Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đến người dân và doanh nghiệp.

Cử tri và Nhân dân tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; bày tỏ sự tin tưởng khi công tác phòng, chống tham nhũng đã có kết quả rõ rệt, các cơ quan chức năng đã quyết liệt điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, công tác phát hiện, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm khắc hơn nữa đối với tội phạm tham nhũng, lãng phí, tiếp tục củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và triển khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình trạng lãng phí trong đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để khắc phục những biểu hiện lợi ích nhóm, những lỗ hổng trong đấu thầu, mua sắm, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các vi phạm.

II. Những kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 10 vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương. Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn. Biểu dương, khen thưởng những điển hình tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh để tinh thần chống dịch bệnh trong thời gian vừa qua được tiếp tục phát huy trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nhân lên tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để bảo đảm kế hoạch, chương trình dạy học và nội dung, kiến thức của học sinh, sinh viên, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.

Toàn cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: TTXVN).

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm; quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm; tăng cường quản lý an ninh mạng; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tiếp tục mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo việc thực hiện cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

---------------

(1) Tính đến ngày 15/5/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức tiếp nhận và đăng ký ủng hộ phòng chống đại dịch Covid-19 tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là: 1.964,7 tỷ đồng, cụ thể: UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ 939 tỷ đồng (trong đó, ủng hộ tiền mặt 816,3 tỷ đồng; ủng hộ hiện vật tương ứng số tiền 122.7 tỷ đồng): ủng hộ qua tin nhắn đầu số 1407: 150 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp vào tài khoản Bộ Y tế: 19,5 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ủng hộ là hơn 1.025,7 tỷ đồng (trong đó, ủng hộ tiền mặt hơn 800,3 tỷ đồng; ủng hộ hiện vật tương ứng số tiền 225,3 tỷ đồng) cùng với số lượng lớn hàng hóa, thiết bị, nhu yếu phẩm (Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam).

(2) Tổng cục thuế đã ban hành Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp; Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

(3) Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng gồm có: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo và hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm, lao động tự do; hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế dưới 100 triệu đồng; doanh nghiệp sử dụng lao động khó khăn về tài chính.

(4) Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2%, trong đó có 2.903 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Trong 4 tháng đầu năm có 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước (Báo cáo của Tổng cục Thống kê).

(5) Tình hình lao động, việc làm quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I-2020 là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I-2020 ước tính là 7,01%, trong đó khu vực thành thị là 9,91%; khu vực nông thôn là 5,77%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I-2020 ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2019 tương ứng là 1,17%; 0,6%; 1,45%) (Báo cáo của Tổng cục Thống kê).

(6) Thời điểm dịch bệnh phức tạp, trung bình mỗi ngày, lượng hàng ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc giáp với Trung Quốc vào khoảng 2.500 xe container hàng. Chỉ tính trong ngày 20/4, cao điểm lượng hàng tồn tại các cửa khẩu là 2.687 xe, trong đó, tại Lạng Sơn tồn 1.847 xe; tại Quảng Ninh tồn 341 container hàng đông lạnh, hàng khô; tại Lào Cai tồn 438 xe/toa hàng; tại Hà Giang tồn 61 xe... (Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan).

(7) Vụ việc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan lợi dụng chính sách phòng, chống dịch của Chính phủ nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.

(8) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu ban hành một số văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường (Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

(9) Vụ việc đổ 14 thùng dung môi thải ở bờ sông Hồng, thuộc địa phận thôn 1, xã Vạn Phúc, Thanh Trì; vụ việc công ty TNHH dệt may Châu Giang (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân; việc một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phong Phú (TP Thái Bình) xả trực tiếp nước thải ra thẳng sông Đoan Túc gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt hằng ngày của hàng nghìn người dân.

(10) Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang từng ngày diễn ra nhức nhối trên các nhánh sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam; khu vực sông Lam, tỉnh Nghệ An; khu vực sông Lô thuộc tỉnh Phú Thọ; một số vụ việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá; một số vụ việc chặt, phá rừng thuộc các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng ....

(11) Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Hiện nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ; 05 tỉnh trong vùng gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Theo thống kê, Bến Tre hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại, khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng. tại tỉnh Long An, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha; Sóc Trăng cũng có khoảng 4.000 ha lúa thiệt hại do xâm nhập mặn; tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh; hàng chục nghìn ha cây trồng tại “thủ phủ cây ăn trái” đã và đang thiếu nước trầm trọng…

(12) Ngành Công an đã tích cực điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu lớn, các vụ có liên quan đến nội bộ hoặc có yếu tố nước ngoài. Năm 2019, đã điều tra, làm rõ 37.454 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 78% (án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%), phát hiện 15.953 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (giảm 18,03% so với cùng kỳ 2018), 321 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (giảm 4,18% so với cùng kỳ 2018) (Báo cáo của Bộ Công an).

(13) Vụ việc Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ") cầm đầu băng nhóm xã hội đen trên địa bàn tỉnh Thái Bình; vụ việc công ty TNHH MTV dịch vụ tang lễ Trường Dương (viết tắt là Công ty Trường Dương) ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tự ý nâng giá hỏa táng người chết và đứng ra phân chia địa bàn hoạt động, dùng nhiều thủ đoạn ép các cơ sở dịch vụ phải tuân theo việc phân chia này; vụ băng nhóm do vợ chồng Lý Thị Loan (39 tuổi) và Nguyễn Quốc Tuấn (43 tuổi), thường trú tại phường Hóa An, TP Biên Hòa) cầm đầu, "bảo kê" tiểu thương ở Khu công nghiệp Thạnh Phú, Đồng Nai.

(14) Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD, gửi tặng khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất đến nhiều quốc gia để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể: gửi tặng Liên bang Nga 150.000 khẩu trang, Mỹ 200.000 khẩu trang, Ấn Độ 100.000 khẩu trang, tặng 550.000 khẩu trang cho một số nước Châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh.

(15) Có 45 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, qua đó giảm được 6 huyện, 560 xã. Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được hồ sơ đề án sắp xếp huyện, xã của 42/45 địa phương, tổ chức thẩm định đề án và trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương (Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ).

(16) Cổng dịch vụ công quốc gia đã thực hiện cung cấp 08 nhóm dịch vụ công. Theo ước tính, tổng số tiền tiết kiệm được từ việc xử lý hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến là khoảng 4.222 tỷ đồng và sẽ còn tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (9/12/2019) đến ngày 9/2/2020, đã có hơn 44.200 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6.900 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.150 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ 3.900 cuộc gọi qua Tổng đài (Theo báo cáo của Bộ Nội vụ).

(Nguồn: Báo Đại đoàn kết)



Ý kiến bạn đọc