Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh thành lập 2 đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB$XH Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đồng chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Hỗ trợ đối tượng theo đúng nguyên tắc
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan đã thảo luận những nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, nguyên tắc thực hiện là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, không đảm bảo mức sống tối thiểu; Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong đảm bảo đời sống cho người lao động.
Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách; ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách đã được quy định tại nghị quyết.
Đại biểu các tỉnh, thành tham gia hội nghị trực tuyến bày tỏ băn khoăn trong việc xác định một số đối tượng hưởng trợ cấp. Khó khăn lớn nhất mà hầu hết các địa phương đang gặp phải trong vấn đề này là khó xác định, thống kê đối tượng người lao động theo các nhóm đã được quy định trong nghị quyết.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa chặt chẽ, kịp thời, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của các doanh nghiệp, tính đến ngày 22/4, có 5.020/6.878 lao động bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19. ( Ảnh chụp tại Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh)
Đại biểu đề xuất trung ương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai, tránh việc trùng lặp, bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ lần này của Chính phủ là chưa từng có tiền lệ, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân trong giai đoạn khó khăn. Do đó, cần được triển khai minh bạch, đúng đối tượng và kiên quyết xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên
Để góp phần thực hiện hiệu quả, kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, các ý kiến của đại biểu tại hội nghị đều thống nhất phải tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các thành viên.
Theo Nghị quyết 42, Hà Tĩnh có hơn 207.000 người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh chịu tác động do dịch bệnh Covid-19 sẽ được Chính phủ hỗ trợ. ( Trong ảnh: Cán bộ xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) nắm tình hình đời sống của người dân có hoàn cảnh khó khăn và rà soát danh sách đối tượng được hỗ trợ).
Nội dung giám sát được chia thành 8 nhóm đối tượng sau: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020; người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Để thực hiện được các nội dung giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ thành lập đoàn giám sát theo các nhóm đối tượng đã được quy định. Việc giám sát sẽ được thực hiện theo phương thức phát huy vai trò giám sát của người dân và trách nhiệm của ban công tác mặt trận khu dân cư; phối hợp chặt chẽ với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong quản lý địa bàn và vận động người dân tham gia công tác giám sát trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Đồng thời, lãnh đạo các tổ chức thành viên có hội viên, đoàn viên được hưởng chính sách phải kịp thời nắm bắt tình hình; phối hợp với các ban ngành liên quan để xác định đối tượng, lập danh sách chính xác.
Sau giám sát, đoàn giám sát các cấp phải báo cáo kết quả cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp và MTTQ cấp trên trực tiếp. Quá trình giám sát cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời của ngành LĐ-TB&XH.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu mặt trận các cấp thực hiện nghiêm việc giám sát xác định đối tượng, công khai mức và danh sách đối tượng được hỗ trợ; sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, trả lời thỏa đáng những thắc mắc của Nhân dân liên quan đến quá trình triển khai chính sách.
Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cán bộ mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng tránh thất thoát, trục lợi chính sách.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng yêu cầu mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền việc thực hiện chính sách; chủ tịch ủy ban MTTQ các cấp chủ động đề xuất chính quyền địa phương tham gia giám sát ngay từ khâu lập danh sách để đảm bảo hiệu quả công tác giám sát. Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ thành lập 2 đoàn giám sát theo 2 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động với sự tham gia của cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. |
(Nguồn: Báo Hà Tĩnh)