Rà soát ngược để tránh sai sót
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh giám sát gói hỗ trợ an sinh tại cơ sở.
Đi từng nhà
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là chính sách chưa có tiền lệ, đối tượng hưởng lợi rộng nên quá trình triển khai, thực hiện ở cơ sở còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng và không tránh khỏi vướng mắc. Việc này đòi hỏi cán bộ cơ sở phải nắm đúng, đủ và chắc chắn để hướng dẫn, giải thích cặn kẽ cho dân. Tại Hà Tĩnh, tính đến sáng 7/5, trong số 12 huyện, thị, thành, đã có 5 địa phương tiến hành chi trả cho nhóm đối tượng chính sách (hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội) với tổng số tiền đã chi trả hơn 13,5 tỷ đồng.
Song hành với chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện chính sách quan trọng này, bắt đầu từ ngày 4/5, các đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh “tỏa” về cơ sở, đến từng khu dân cư, hộ dân để giám sát việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Thạch Hà cho hay, ngay khi nhận được văn bản của cấp trên về việc chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi ngày ông đều thông báo qua loa phát thanh của tổ để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách. Không những vậy, ông Minh và Ban công tác Mặt trận tổ dân phố còn nghiên cứu khá kỹ các nhóm đối tượng, điều kiện được hưởng để kịp thời giải thích cho dân hiểu.
Nhận được danh sách các hộ, nhân khẩu nhận hỗ trợ từ thị trấn chuyển về, tổ dân phố 2 thị trấn Thạch Hà niêm yết công khai tại nhà văn hóa tổ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Đoàn giám sát trực tiếp đến một số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ để tìm hiểu. Tại nhà cụ Nguyễn Thị Xờ (97 tuổi, mẹ của 3 liệt sĩ), bà Nguyễn Thị Lộc, con dâu của cụ Xờ xác nhận đã nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 42/NQ-CP cho cụ. Chia sẻ về gia cảnh của mình, bà Lộc cho hay, gia đình hiện có 2 người là cụ Xờ và chồng của bà Lộc đau ốm nằm một chỗ. 3 tháng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, bà Lộc phải nghỉ việc nhặt ve chai, 2 đứa con trai là lao động tự do cũng mất việc làm. Cả nhà chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ hàng tháng 1,8 triệu đồng của cụ Xờ và bó rau, con gà trong vườn.
“Số tiền 1,5 triệu đồng từ Nghị quyết 42 giúp gia đình chúng tôi thuốc men, trang trải thêm cho cuộc sống. Cảm ơn Chính phủ, các cấp, các ngành đã luôn quan tâm, hỗ trợ người dân nghèo chúng tôi” – bà Nguyễn Thị Lộc cảm động nói.
Rà từng đối tượng
Theo báo cáo của thị trấn Thạch Hà, chỉ trong ngày 29/4/2020, chính quyền thị trấn đã chi trả cho 871 đối tượng, tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, thuộc 2 nhóm: Người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Do chỉ có 1 ngày để niêm yết, rà soát sau đó chi trả luôn nên địa phương này còn gặp nhiều lúng túng.
Sau khi “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp ở huyện Thạch Hà để “gút” lại những vấn đề cần triển khai, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn giám sát: Bước đầu đoàn giám sát ghi nhận tinh thần khẩn trương, kịp thời vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ngành Thương binh – Xã hội các cấp nhanh chóng lập danh sách, thẩm định, thực hiện rà soát, chi trả đến tận tay cho người dân.
Song, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều vấn đề mà hội đồng thẩm định - chi trả, trong đó vai trò, trách nhiệm đặt lên vai đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố đó là rà soát ngược danh sách đối tượng.
“Cụ thể, đối với danh sách nhân khẩu hộ nghèo, cận nghèo, khi ngành Thương binh – Xã hội chuyển về cho tổ dân phố chốt đến ngày 31/12/2019. Vậy, 4 tháng đầu năm 2020 sẽ có biến động về nhân khẩu, chẳng hạn như có người lấy chồng chuyển đến địa phương khác sinh sống, hay đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa hoặc đối tượng bảo trợ xã hội mới chết…Số này có được hưởng chế độ hay không, hơn ai hết, cán bộ thôn, tổ dân phố là những người gần dân, sát dân nhất phải nắm được, soát xét kỹ càng và tham mưu cho cấp trên để kịp thời điều chỉnh tránh sai sót không đáng có” – bà Nguyễn Thị Mai Thủy nói.
Ngoài ra, sẽ có sự chồng chéo bởi có trường hợp 1 đối tượng nhưng có đủ điều kiện để hưởng nhiều chính sách, trong khi quy định chỉ được hưởng 1 chính sách cao nhất. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, để tránh được sự chồng chéo này, cốt lõi nhất vẫn là bước rà soát đối tượng. Nếu đối tượng nằm ngoài khả năng bao quát, quản lý của cán bộ địa bàn thì cần phải phát huy tinh thần tự giác của mỗi đối tượng cũng như vai trò giám sát của mỗi người dân trong từng tổ liên gia...
Đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có danh sách quản lý của ngành Thương binh – Xã hội nhưng vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính vì vậy nhóm đối tượng là lao động mất việc làm lại càng khó khăn, phức tạp hơn, trách nhiệm giám sát của đội ngũ cán bộ Mặt trận càng cao hơn.
Hạnh Nguyên- Báo Đại đooàn kết