Giám sát chặt để không mất ngân sách, không mất cán bộ
Đoàn số 1 do ông Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh làm trưởng đoàn đến giám sát ở nơi từng là tâm điểm sự cố môi trường (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Đoàn giám sát chia thành 2 nhánh trực tiếp đến kiểm tra tại 2 xã là Kỳ Hà và Kỳ Hoa. Tại đây, người dân đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiến độ.
Tuy nhiên, quá trình giám sát, các thành viên của Đoàn giám sát tìm ra khá nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Đối với nhóm đối tượng chính sách đã có danh sách quản lý của chính quyền nhưng vẫn bộc lộ nhiều khó khăn. Còn nhóm đối tượng còn lại phải lập danh sách từ thôn, tổ dân phố lên sau đó mới rà soát, thẩm định, phê duyệt và chi trả. Quá trình này sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề nảy sinh từ cơ sở.
Sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn giám sát số 1 của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức đoàn thể đã lắng nghe, “mổ xẻ” những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện ở thị xã Kỳ Anh.
Ông Đặng Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa chia sẻ: “Khó khăn nhất là giai đoạn 2 khi chi trả cho nhóm đối tượng là lao động tự do, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Đặc biệt, một số lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng ở địa bàn khác nên khó xác định đối tượng. Một số doanh nghiệp có lao động làm việc nhưng không có hợp đồng lao động gây khó khăn cho việc điều tra, rà soát”- ông Cường bày tỏ.
Theo báo cáo của UBND thị xã Kỳ Anh, địa phương đã rà soát, thẩm định, ra quyết định chi trả cho nhóm đối tượng chính sách xã hội (người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội) với tổng số 9.095 người, với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng. Đến hết ngày 11/5/2020, có 11/11 xã, phường đã thực hiện việc chi trả và đã trả cho trên 8.000 đối tượng, đạt 92%.
Đại diện UBND thị xã Kỳ Anh cho hay, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh chưa ban hành quyết định phê duyệt danh sách các nhóm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo nhưng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện chi trả ngay tiền hỗ trợ cho các đối tượng. Nội dung này, xét về quy trình là chưa đảm bảo. Trong thực tế, vẫn còn nhiều nhóm lao động khác nhau làm nghề tự do bị giảm sâu về thu nhập nhưng chưa được xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ, điều này dễ phát sinh thắc mắc, khiếu nại trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ không quy định cụ thể việc người lao động bị mất việc làm từ bao nhiêu ngày trở lên thì mới đủ điều kiện hỗ trợ. Đây là nội dung rất khó để xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Hệ thống biểu mẫu, hồ sơ chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho quá trình rà soát, thẩm định, tổ chức chi trả, quản lý kinh phí, báo cáo tình hình thực hiện cho cấp trên...
Đoàn giám sát cũng chỉ ra, quá trình tổ chức thực hiện tại thị xã Kỳ Anh vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần khắc phục. Đó là khi chi trả, một số đối tượng còn nhận thay nhưng không có giấy ủy quyền. Việc này cần phải có quán triệt chặt chẽ nếu không sẽ có độ “vênh” giữa danh sách phê duyệt và giấy nhận tiền, và xa hơn nữa sẽ có khiếu nại, khiếu kiện từ người dân.
Ngoài ra, chính quyền, đoàn thể các cấp ở thị xã Kỳ Anh cần thực hiện các biện pháp để người dân tham gia vào quá trình giám sát, công khai, dân chủ, phát huy vai trò của người dân, tổ liên gia trong việc rà soát, lập danh sách, thẩm định, phê duyệt và chi trả để hạn chế thấp nhất những sai sót không đáng có.
Theo ông Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn giám sát số 1, công tác giám sát của MTTQ các cấp ở thị xã Kỳ Anh phải quyết liệt, thận trọng với mục tiêu đảm bảo 3 yếu tố: Không mất ngân sách, không mất cán bộ và nâng cao uy tín, lòng tin của nhân dân đối với của Đảng, Nhà nước.
Khâu tuyên truyền cần bám sát cơ sở, tuyên truyền cụ thể nhưng đơn giản, dễ hiểu để người dân nắm bắt và biết được là mình có nằm trong đối tượng hỗ trợ hay không. Không chỉ để dân biết, dân bàn, dân làm mà còn kiểm tra từng khâu, từng đối tượng thụ hưởng chính sách. Có như thế việc chi trả gói 62.000 tỷ đồng mới khách quan, minh bạch, dân chủ.
“Danh sách phê duyệt phải niêm yết công khai ngay cả khi đã chi trả xong cũng tiếp tục niêm yết để người dân giám sát. Do việc chi trả cho 4 nhóm đối tượng còn lại đều lập từ cơ sở lên nên cán bộ Mặt trận phải giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng nể nang, tình làng nghĩa xóm và bao che cho sai phạm”- ông Đức nói.
Để thực hiện trọng trách giám sát việc chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, 2 đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức đoàn thể do 2 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh dẫn đầu đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Các đoàn chia ra thành các nhánh nhỏ, lần lượt về các địa phương, đến tận hộ gia đình để giám sát và bước đầu tìm ra nhiều “nút thắt” trong việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đến nay đã giám sát 6/13 huyện, thị, thành phố.
Hạnh Nguyên- Báo Đại đoàn kết