Cẩm Xuyên: Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Công tác giám sát và phản biện đã được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, đồng thời được cụ thể hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội là một nhiệm vụ rất lớn. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: Tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát và tự mình giám sát.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, UVBTV huyện ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên chủ trì giám sát công tác tiếp dân giải quyết KNTC và tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp tại xã Cẩm Lĩnh
Trong những năm qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Cẩm Xuyên luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát; hàng năm trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của địa phương và nắm bắt dư luận xã hội, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm sát với thực tế tình hình; thành lập đoàn giám sát và tổ chức giám sát từng nội dung cụ thể; báo cáo kết quả giám sát và gửi kiến nghị đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào các vấn đề được nhân dân và dư luận quan tâm liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, dân chủ cơ sở, chấp hành pháp luật như: Công tác cải cách hành chính và thực hiện văn hóa công vụ; Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư công dân; Việc xây dựng, công nhận Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp- xây dựng Nông thôn mới; Việc thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 42 Chính phủ về hỗ trợ người khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; Việc tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt năm 2020.... Phối hợp với Thường trực HĐND, các ban HĐND huyện giám sát việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát hoạt động của các cơ quan khối nội chính trước các kỳ họp HĐND, việc thực hiện quy chế dân chủ trong việc thu và đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM… Phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện giám sát công tác quản lý, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại các xã, thị trấn; giám sát việc tạm giữ tại nhà tạm giữ, tạm giam Công an huyện… Thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên theo Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban chấp hành Trung ương; giám sát thường xuyên việc thực hiện chương trình hành động của Đại biểu HĐND các cấp theo Hướng dẫn số 60/HD-MTTW-BTT ngày 20/4/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên phối họp giám sát công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Ngoài ra, MTTQ các xã, thị trấn tổ chức giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, thị trấn mỗi năm từ 60 đến 70 cuộc. Thông qua công tác giám sát, đã kịp thời phát hiện những nội dung tồn tại, hạn chế và góp ý, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật.
Song song với công tác giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các dự án Luật, Nghị quyết của HĐND, văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Có thể nói, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nhưng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp cấp uỷ đảng lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình của địa phương, đồng thời chính quyền các cấp quản lý, điều hành hoạt động được tốt hơn.
Tuy nhiên, việc tổ chức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các Đoàn thể chính trị - xã hội là một hoạt động mới, do đó trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, một số đoàn thể vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; chưa có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành gửi các văn bản dự thảo đến MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội lựa chọn tổ chức phản biện; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.
Để phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành, có như vậy công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội mới đạt được hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được ý kiến đông đảo nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hai là, hằng năm, MTTQ và các đoàn thể cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp.
Ba là , trước khi tổ chức giám sát phải chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho đoàn giám sát. Đặc biệt là tài liệu liên quan đến nội dung giám sát gửi cho tất cả các thành viên của đoàn giám sát để nghiên cứu trước khi giám sát; đồng thời cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát.
Bốn là, đoàn giám sát phải thực hiện đầy đủ đúng quy trình, phù hợp với chức năng nhiệm vụ từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, tổ chức giám sát, tổng hợp báo cáo, thông báo kết quả giám sát... phải đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đặt ra.
Năm là, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Sáu là, cần phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn.
Nguyễn Mai - Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên