Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

15:50 18/05/2020

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Sáng 18/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).

Tham dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn, đoàn thể chính trị xã hội Trung ương; Trưởng các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô…

Trước khi bắt đầu lễ kỷ niệm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm trên đường Bắc Sơn, quận Ba Đình.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta." Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời!

Tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam

Xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường cách mạng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của thực tiễn cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người chỉ rõ, sau khi giành được độc lập, cách mạng "phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn," "vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm."

Xuất phát từ điều kiện lịch sử của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ Việt Nam cần phải trải qua thời kỳ quá độ, từ một nước nông nghiệp lạc hậu lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp mới mẻ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, sẽ có vô vàn khó khăn, phức tạp phải vượt qua. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải làm dần dần, từng bước, không chủ quan, nóng vội; phải biết tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới; tìm tòi, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tìm ra cách thức, bước đi của thời kỳ quá độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phải luôn xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước, tôn trọng quy luật khách quan, tránh giáo điều, dập khuôn, máy móc.

Để giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng ta phải dựa vào lực lượng toàn dân, tổ chức, động viên, phát huy được sức mạnh vĩ đại của toàn dân. Ý Đảng, lòng dân là cội nguồn của sức mạnh đoàn kết, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng lớn, mang tầm chiến lược trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với đường lối chính trị sáng suốt, đúng đắn, nhất quán, Người luôn coi trọng xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, lấy liên minh công-nông-trí thức do Đảng lãnh đạo làm nền tảng, thành một thực thể chính trị to lớn, rộng rãi, vững chắc, tập hợp mọi lực lượng, dân tộc, tôn giáo, mọi người dân Việt Nam yêu nước, hợp thành sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho Mặt trận hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là một đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh.

Trong Di chúc, Người căn dặn, phải ra sức giữ gìn, củng cố sự đoàn kết nhất trí của Đảng: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình."

Trên tinh thần phát huy dân chủ; nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thường xuyên chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn với xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Người chỉ rõ: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân; dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân; thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân, lấy dân làm gốc, "đem tài dân, sức dân làm lợi cho dân."

Với trí tuệ sáng suốt, tư duy chính trị nhạy bén, Người đã sớm nhận thức được đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại để từ đó gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng nước ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Người không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp quý báu của Người vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vào sự phát triển những tinh hoa tư tưởng và văn hóa nhân loại.

Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những cảm xúc đặc biệt sâu sắc về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời chỉ rõ: Hồ Chí Minh là Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Người là biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là sứ giả của hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của Hồ Chí Minh không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình.

Vì thế, Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức để trở thành những người chiến sỹ cách mạng mẫu mực. Người là hiện thân của nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động, coi khinh sự xa hoa, không một chút ham muốn công danh phú quý cho bản thân. Cả cuộc đời Người dấn thân chỉ với một mục đích "phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân."

Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hóa chân-thiện-mỹ trong cuộc sống.

Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới, trước bao diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, với những khó khăn ở trong nước, Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; có thêm nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Thành tựu của 35 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Càng phấn khởi, tự hào, chúng ta càng tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Đất nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong lãnh đạo, quản lý, trong tổ chức thực hiện, chúng ta vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém; vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết triệt để, nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ; trong khi những yêu cầu, nhiệm vụ mới, thách thức và mâu thuẫn mới, những vấn đề lớn, phức tạp tiếp tục phát sinh.

Các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; xuyên tạc, kích động, chia rẽ hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta. Sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hoá quyền lực, "tự diễn biến," "tự chuyển hoá," tình trạng tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về mặt đạo đức và trách nhiệm xã hội... cũng là những thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, đe dọa vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, vận mệnh của đất nước, dân tộc. Những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị phải nghiêm túc nhìn nhận, có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để khắc phục cho bằng được.

Ápphích chào mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Thấm nhuần sâu sắc và tiếp tục thực hiện di huấn của Người

Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân."

Phải tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; ra sức phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng "như giữ gìn con ngươi của mắt mình" để Đảng ta mãi "là đạo đức, là văn minh" - như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Làm theo chỉ dẫn của Bác về "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân," chúng ta cần kiên quyết, kiên trì và tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tiếp tục đưa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, trở thành một nhu cầu văn hoá trong Đảng, trong dân.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo, như lời Bác dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền."

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "Dân là gốc." Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; thực hiện đúng nguyên tắc: Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Trước hết, cần chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích thiết thực của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Lời Bác dạy "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" là bài học sâu sắc, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi đất nước đang ở bước ngoặt có tính lịch sử, cần huy động những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn để tiếp tục bứt phá vươn lên. Thời gian qua, trong vô vàn khó khăn của dịch bệnh, thiên tai, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị ở nước ta, sức mạnh của truyền thống yêu nước, của ý chí đoàn kết, thống nhất hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao.

Thực tiễn đó khẳng định giá trị to lớn của lòng yêu nước, đạo lý nhân văn, tinh thần và ý chí Việt Nam; cơ sở rất quan trọng để tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tiền đồ tươi sáng của Dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đúng vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thật tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Trước hết là khắc phục những thách thức và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm thật tốt an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; đồng thời chủ động, nhạy bén nắm bắt thời cơ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2020; từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của nhiệm kỳ khoá XII và giai đoạn 2011-2020; chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Là người từng được gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên cán bộ bảo vệ Bác Hồ, bày tỏ sự xúc động trong những năm tháng bảo vệ Bác với những kỷ niệm thiêng liêng về Người. Với ông, quãng thời gian đó là những trang đẹp nhất, hạnh phúc nhất và may mắn nhất. Ông cũng kể về những tháng ngày gần cuối đời của Bác, dù sức khỏe yếu nhưng Bác vẫn cố gắng làm việc. Suốt những ngày Bác ốm nặng, ông Nguyễn Văn Đoàn được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người. Sáng 2/9/1969, Bác đã đi xa, đó là lần cuối cùng ông Đoàn được ở bên Bác Hồ.

Ông vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử đó với bao nỗi nhớ và tình cảm dành cho Bác.

“Bản thân tôi lúc còn công tác hay nghỉ hưu, tôi luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hy sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ để học tập, phấn đấu, rèn luyện, gắng sức hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác. Tôi luôn tâm niệm, học tập và noi theo tấm gương của Bác Hồ thì không kể thời gian, không kể tuổi tác và coi đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là mục đích, niềm vui trong cuộc sống” - ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Sinh viên Huỳnh Mạnh Phương, Đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, sinh viên Huỳnh Mạnh Phương, Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa là sinh viên, vừa là đảng viên trẻ được kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi, Huỳnh Mạnh Phương có nhiều thành tích trong học tập và trong hoạt động thanh niên.

Phương khẳng định, càng được học tập, tìm hiểu, nghiên cứu, em càng cảm nhận được sự vĩ đại và tình cảm bao la mà Bác dành cho dân tộc và cho tuổi trẻ Việt Nam. Em hiểu rằng trên mỗi bước trưởng thành của tuổi trẻ hôm nay đều có hình bóng của Bác.

Huỳnh Mạnh Phương xúc động nói: “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ, chúng cháu luôn nhớ về Bác để được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, để giữ lòng mình luôn trong sáng, để mãi mãi được tấm gương đạo đức cao cả, cuộc đời bình dị, tư tưởng vĩ đại, những lời dạy sâu sắc và tình yêu thương bao la của Bác soi đường trong mỗi hành trình rèn luyện, phấn đấu và phát triển. Học tập và làm theo lời Bác luôn là sự lựa chọn và là lẽ sống đẹp của tuổi trẻ Việt Nam.”

Cũng tại lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” được dàn dựng công phu, với các tiết mục lắng đọng, giàu cảm xúc ngợi ca công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của dân tộc và thể hiện lòng biết ơn vô hạn của dân tộc Việt Nam đối với Người.

Theo TTXVN



Ý kiến bạn đọc