Hà Tĩnh kết nối học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đến tận cơ sở
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kết nối hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII xuống tận các huyện, thành, thị ủy.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng nay (21/7), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng tham dự hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh.
Hội nghị được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kết nối đến Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh, Công an tỉnh và các huyện, thành, thị ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh.
Triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Mở đầu hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt các nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương "Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 18-NQ/TW là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thế chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm QP-AN, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất trở thành kênh chủ yếu phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu mà nghị quyết đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích sâu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện như: thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải chủ trì tại điểm cầu Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Xây đựng nông thôn phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao
Tiếp đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã truyền đạt Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh chụp màn hình trực tuyến.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng chủ trì tại điểm cầu Thành ủy Hà Tĩnh.
Để thực hiện được mục tiêu tổng quát đó, Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh.
Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.
(Nguồn: Baohatinh.vn)