Các trường ở Hà Tĩnh cơ bản lựa chọn phương án dạy học trực tiếp 5-6 buổi/tuần
Tổ chức dạy học trực tiếp 2 ca (sáng, chiều), giữ nguyên số học sinh/lớp, mỗi tuần học 5 buổi đối với tiểu học, 6 buổi đối với THCS, THPT… là phương án được hầu hết các trường học ở Hà Tĩnh lựa chọn.
Tranh thủ thời gian “vàng” dạy học trực tiếp
Dịch bệnh tạm thời được khống chế, những ngày qua Hà Tĩnh không có ca lây nhiễm tại cộng đồng là cơ sở để UBND tỉnh đồng ý cho các trường chuyển trạng thái dạy học trực tuyến sang trực tiếp.
Tổ bộ môn Trường THCS Thạch Kim (Lộc Hà) rà soát lần cuối nội dung dạy học trực tiếp.
Trong 2 phương án dạy học được liên ngành GD&ĐT và y tế xây dựng, các phòng GD&ĐT đã tham mưu chính quyền địa phương thực hiện phương án 1 (dạy học trực tiếp 5-6 buổi/tuần). Các trường học đang tranh thủ thời gian “vàng”, chuyển tải đến học sinh những kiến thức cơ bản một cách hiệu quả.
Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Trên tinh thần tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố phương án dạy học 5 buổi/tuần đối với tiểu học và 6 buổi/tuần đối với THCS. Phòng cũng đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng chương trình hợp lý, lựa chọn những môn học đòi hỏi sự tương tác lớn giữa giáo viên và học sinh, những kiến thức cốt lõi để giảng dạy. Những phần kiến thức còn lại, chúng tôi sẽ giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học và duy trì hình thức trực tuyến đối với THCS”.
Từ phương án của các phòng giáo dục, ngay trong chiều 13/9, hầu hết các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã họp đội ngũ cốt cán để triển khai kế hoạch dạy học.
Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) tổ chức họp cốt cán để bàn phương án dạy học.
Cô Hoàng Thị Ái Khanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: “Đối với bậc tiểu học, số lượng 20 tiết/tuần đã cơ bản đáp ứng được đầy đủ chuẩn kiến thức trong chương trình. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, kiến thức cơ bản, chúng tôi cũng tinh giản một số tiết dạy các môn đặc thù và hoạt động ngoại khóa. Ở các lớp 1, 2 tập trung củng cố các môn Toán, Tiếng Việt cho học sinh”.
Tại các trường THPT, việc xây dựng chương trình dạy học, thời khóa biểu cũng được thực hiện linh hoạt để giúp học sinh tiếp cận những kiến thức cần thiết ở các môn thi tốt nghiệp THPT.
Thông điệp 5K được Trường THPT Nghèn (Can Lộc) dán trong từng lớp học.
"Mỗi tuần 24 tiết dạy trực tiếp chưa đủ để phân phối chương trình, vì thế trong kế hoạch giảng dạy, chúng tôi ưu tiên số 1 cho các môn thi tốt nghiệp THPT gồm: Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Trường cũng sẽ duy trì hình thức dạy học trực tuyến để thực hiện những bộ môn còn lại”, cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Xuân chia sẻ.
Siết chặt công tác phòng dịch
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, yếu tố đầu tiên là đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, thực hiện tốt quy định 5K. Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của liên ngành GD&ĐT, y tế, các trường học đã xây dựng phương án phân luồng, hạn chế tối đa sự tương tác giữa học sinh với nhau.
Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, dụng cụ trong phòng y tế để sử dụng khi cần thiết.
Cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho hay: “Trong những ngày qua, các trường học ở Can Lộc đã phun tiêu độc, khử trùng, tổng vệ sinh trường lớp. Để hạn chế sự tương tác giữa học sinh, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường thực hiện chia ca sáng/chiều để dạy học. Theo đó, khối 1, 2, 5 và 6, 9 sẽ học buổi sáng; khối 3, 4 và 7, 8 học buổi chiều, đồng thời bố trí lệch giờ và phân luồng cho học sinh các khối khi đến trường, khi ra về, không để tập trung đông người trước cổng trường”.
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của liên ngành, các trường học cũng chủ động cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch như: rà soát, sửa chữa lại hệ thống bồn rửa tay, bổ sung nước sát khuẩn cho các lớp, chuẩn bị máy đo thân nhiệt cho học sinh. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm, các khối đoàn thể trong giai đoạn này cũng được phát huy ở mức cao nhất.
Trường Tiểu học Hồng Lộc (Lộc Hà) phun tiêu độc khử trùng các phòng học.
“Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã giao giáo viên chủ nhiệm bằng mọi biện pháp tăng cường công tác giám sát, nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức phòng dịch, theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của các em để phối hợp kịp thời với cán bộ y tế khi có diễn biến bất thường. Giáo viên cũng đã thành lập nhóm zalo phụ huynh lớp để phối hợp nhắc nhở các em thực hiện tốt công tác phòng dịch; phát huy vai trò của ban cán sự lớp, tổ trưởng, cờ đỏ trong việc quản lý, theo dõi, nhắc nhở thành viên trong từng tổ, lớp, kịp thời báo cho giáo viên chủ nhiệm những trường hợp vi phạm”, thầy Lê Quang Đảng - giáo viên Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà) cho hay.
Việc đón học sinh trở lại trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều nỗi lo, nhưng với tinh thần vượt qua khó khăn để dạy học hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh, các trường học ở Hà Tĩnh đã và đang gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị, tranh thủ thời gian “vàng” để thực hiện việc dạy học trực tiếp.
Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh kiểm tra công tác chuẩn bị dạy, học tại một số trường công lập, tư thục trên địa bàn.
Trong khối giáo dục phổ thông, riêng với Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh do có tổng số học sinh đông - 982 em, trong đó hơn một nửa đến từ 12 huyện, thị trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian này, nhà trường chọn phương án tiếp tục hình thức dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Đối với bậc mầm non, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các trường học chưa thể tổ chức bán trú và các hoạt động ngoài giờ, vì thế ngành GD&ĐT cũng đã quyết định lùi lịch học.
(Nguồn: Baohatinh.vn)