Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh tập trung “hiến kế” phát triển KT-XH các tháng cuối năm

09:42 09/07/2020

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp.

Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị.

Thay mặt Đoàn Chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu HĐND tỉnh về KT-XH, các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ

Báo cáo cho biết, chiều 8/7, HĐND đã phân công 3 tổ thảo luận với sự tham gia của 186 đại biểu; ghi nhận 31 ý kiến phát biểu tại Tổ và 131 ý kiến góp ý bằng phiếu thảo luận. Ý kiến thảo luận của các đại biểu chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực: nông nghiệp; doanh nghiệp đầu tư; văn hóa xã hội; nội chính pháp chế, an ninh quốc phòng.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các báo cáo khác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đa số đại biểu đồng tình với các báo cáo; một số ý kiến nhấn mạnh thêm các nội dung trên các lĩnh vực.

Về nông nghiệp, đại biểu cho rằng, cần đánh giá thực chất hơn về năng suất, sản lượng lúa, nuôi trồng thủy sản; xem xét lại số liệu về diện tích lúa bị sâu bệnh và đánh giá cụ thể hơn xung quanh tác động của thời tiết nắng nóng đến đời sống, sản xuất của người dân…

Tham gia góp ý về doanh nghiệp - đầu tư, đại biểu nhấn mạnh, cần có sự đánh giá tổng thể, toàn diện về vấn đề thành lập và hoạt động của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh; công tác giám sát đầu tư và hiệu quả sau đầu tư của các dự án đang triển khai thực hiện; tình hình hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Kể từ ngày 1/1/2020, Hà Tĩnh chính thức thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, qua hơn 6 tháng, các xã mới hình thành dần đi vào ổn định và đạt được những thành công nhất định. Trên cơ sở đó, đại biểu góp ý cần làm rõ hơn những thành tựu, đánh giá cụ thể vai trò chỉ đạo điều hành của các địa phương trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư; tác động đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính.

Đại biểu cũng đề nghị soát xét, đánh giá hoạt động các BQL xây dựng cơ bản trực thuộc UBND tỉnh, nhất là trong việc huy động nguồn vốn cho các dự án; công tác phối hợp với các sở, ngành chuyên môn; phối hợp với các đơn vị được thụ hưởng dự án, trong việc giám sát chất lượng, tiến độ và hiệu quả sử dụng các công trình.

Các đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần đánh giá khách quan, toàn diện hơn về nguyên nhân tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt thấp, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng lĩnh vực và tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài nguyên nhân do đại dịch Covid-19, cần phân tích sâu hơn các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế đạt thấp, như: tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI; thu hút đầu tư chưa hiệu quả…

Đề nghị làm rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa chặt chẽ; chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư chưa hiệu quả.

Đoàn Thư ký kỳ họp

Đại biểu cũng đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; từ đó, đề ra các giải pháp nhằm cao chỉ số tăng trưởng vào những tháng còn lại.

Đặc biệt, tăng cường các giải pháp thu hút cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công và huy động xã hội hóa; có chính sách xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp mạnh nhằm giúp tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Tập trung giải quyết các vướng mắc trong thu hút đầu tư; hoàn thành việc rà soát, thanh tra, kiểm tra các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đã được phê duyệt; có các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng nhiều dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện, trong đó có nhiều dự án đã được gia hạn nhiều lần. Quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch.

Đẩy nhanh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường và hạn chế tình trạng khai thác trái phép. Đưa ra giải pháp cụ thể, quyết liệt xử lý tồn đọng, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai.

Có giải pháp căn cơ để phát triển du lịch, tận dụng các thế mạnh của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Về nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, đa số đại biểu đều bày tỏ sự thống nhất cao như dự thảo nghị quyết và thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo.

Theo đó, đề nghị cần ưu tiên tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2020; quan tâm các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức đối với dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2020.

Đối với dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đề nghị cần khảo sát, đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách trước khi ban hành; quan tâm tập trung phát triển đàn lợn nái có quy mô lớn, không nên hỗ trợ chăn nuôi lợn phân tán trong nông hộ, đảm bảo định hướng phát triển lâu dài và bền vững; bổ sung chính sách tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi chủ, chính sách chăn nuôi bò.

Đề nghị quan tâm hơn chế độ chính sách đối với người cao tuổi trong dự thảo Nghị quyết một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030. Bởi, tỉ lệ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cao hơn bình quân của cả nước (Hà Tĩnh là 15,89%, toàn quốc là 11,86%) nhưng trong dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến vấn đề này…

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các khu dân cư kiểu mẫu được công nhận vào cuối năm 2018 nhưng chưa được hưởng kinh phí; có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công nhận lại diện tích các thửa đất có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18/12/1980; quan tâm đầu tư và nâng cao công tác quản lý các công trình cấp nước sạch để phát huy có hiệu quả; nghiên cứu để có giải pháp nhằm tránh lãng phí hạ tầng và đáp ứng nhu cầu mua của người có thu nhập thấp.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp.

Bước sang phần thảo luận, đại biểu Đoàn Đình Anh (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) là người đầu tiên tham gia góp ý. Theo đại biểu, chúng ta cần nghiên cứu thêm có nguyên nhân nào nữa tác động để tốc độ tăng trướng (GRDP) của tỉnh ta 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,1% thấp thua nhiều bình quân chung cả nước, thấp nhất trong các tỉnh Bắc trung bộ.

Theo đại biểu Đoàn Đình Anh, cần xem xét, làm rõ các nguyên nhân cơ cấu mảng chế biến, chế tạo chúng ta quá lệ thuộc vào sự tăng trưởng của chế biến thép, trong khi nhiều năm liền chúng ta muốn thu hút thêm các ngành chế biến chế tạo nhất là công nghiệp phụ trợ không thành công. Thu hút đầu tư gần như không có thêm dự án vừa và lớn triển khai, các nhà đầu tư chịu quá nhiếu vướng mắc nên không triển khai được.

Đại biểu Đoàn Đình Anh cũng cho rằng, về mặt khác cần nghiên cứu xem, việc tổ chức sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và năm cuối nhiệm kỳ chuẩn bị đại hội có tác động đến việc chỉ đạo, lãnh đạo sản xuất, phát triển kinh tế ở cơ sở...

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Đặng Văn Thành (Tổ đại biểu TX Kỳ Anh) đề xuất một số giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động đầu tư, SXKD.

Trước mắt, theo đại biểu thì cần dừng thanh tra tại các DN bị ảnh hưởng để tạo điều kiện cho đơn vị tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động SXKD (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và trường hợp đặc biệt phải thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật).

Cần có các giải pháp hỗ trợ DN đẩy nhanh tiêu thụ lượng hàng tồn kho để tiếp tục huy động tối đa công suất dây chuyền các nhà máy; xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực của tỉnh khi gặp khó khăn trong xuất khẩu; cung cấp thông tin cho DN sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn về danh sách nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu Hương Khê) cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cần tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ các huyện khó khăn; nhất là các huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, thu ngân sách đạt thấp, như: Hương Khê, Vũ Quang trong xây dựng nông thôn mới. Ban hành chính sách xây dựng đô thị văn minh như chính sách xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chính sách khu dân cư mẫu, vườn mẫu.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu Lê Ngọc Huấn đề nghị cần có giải pháp tổ chức khảo sát, bố trí nguồn lực đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đã xuống cấp trên địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng hạ tầng đến các vùng có tiềm năng về phát triển du lich như Thác Vũ Môn.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu Nghi Xuân) đề nghị cần đánh giá cụ thể từng lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản để kịp thời có những cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Đặc biệt là có những chủ trương, chính sách đối với ngư dân khai thác đánh bắt thủy hải sản vùng lộng ven bờ thuộc các xã ven biển để đảm bảo ổn định đời sống mưu sinh cho bà con ngư dân.

Cụ thể, theo đại biểu, cần có những chủ trương đầu tư các chương trình dự án làm âu thuyền bến bờ trú ẩn cho các tàu thuyền của ngư dân ven biển neo đậu trong mùa mưa bảo cho một số địa phương đơn vị khi có đê biển.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhi cũng cho biết, trong thời gian qua, tình trạng tàu giã cào của các tỉnh bạn vào đánh bắt sai quy định trên địa bàn tỉnh đã được đề cập tại rất nhiều kỳ họp và đã được tỉnh quan tâm, đã có những chính sách và đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, thực trạng này có giảm nhưng chưa triệt để và còn xẩy ra những xung đột gây ảnh hưởng lớn về người và tài sản làm cho ngư dân ven biển bãi ngang hết sức hoang mang lo lắng.

(Nguồn: Baohatinh.vn)



Ý kiến bạn đọc