Thoọng Pẹ yên bình và nồng ấm...
Tạm chia tay tiết trời lạnh giá ở vùng biên ải Cầu Treo, chúng tôi vượt dãy Trường Sơn hùng vỹ đến với bản Thoọng Pẹ, huyện Kăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Đến đây, nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự đón tiếp chân tình, nồng ấm của nghĩa tình “Lào - Việt Samakhi” (Lào - Việt Nam đoàn kết)...
Những nếp nhà của người Mông sinh sống ở bản Thoọng Pẹ bình yên ven các sườn núi
Được tin chúng tôi sang thăm, chị Fèng - một tiểu thương nhỏ khá sành tiếng Việt và vài người bạn đã tạm gác công việc buôn bán, nhà cửa để làm “hướng dẫn viên" bất đắc dĩ. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng là “Lào - Việt Samakhi” nên mọi khoảng cách dường như được xóa bỏ. Họ dẫn chúng tôi đi chơi từng góc bản, khu chợ đơn sơ, thăm hỏi từng nhà, thưởng thức các món ăn đậm chất Lào...Chị Fèng và Phó bản Sùng Chơ Xùng (cùng ngồi giữa ở 2 hàng ghế) trò chuyện với PV về tình hình đi lên của bản, về sự giúp đỡ của BĐPB Hà Tĩnh và nghĩa tình “Lào - Việt Samakhi”
Trong cuộc hành trình trên đất bạn, chúng tôi còn được nghe chị Fèng cùng những người bạn kể về cuộc sống của bà con dân bản những năm trước đây và sự đổi thay trên con đường xây dựng quê hương.
Trong ký ức của họ, bức tranh một bản giáp biên nhiều năm trước được vẽ lên trên nền cảnh chính là sự đói nghèo, lạc hậu, sản xuất trì trệ, thiếu ăn triền miên, bệnh tật thường xuyên. Họ cũng không thể quên thung lũng này đã từng là thiên đường của nạn buôn lậu, trồng anh túc, buôn bán ma túy khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh điêu linh, bản làng tan hoang...
Thung lũng đầy rẫy cây anh túc, ngập tràn hàng lậu và nạn buôn bán, sử dụng ma túy năm xưa, nay đã bình yên với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, khẳng định rằng cuộc sống đã hồi sinh, người dân Thọong Pẹ đã dần ấm no, đủ đầy...
Nhưng rồi người Thoọng Pẹ đã dần ý thức được mình cần phải vươn lên khỏi đói nghèo, dẹp bỏ cái xấu và khi được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Việt Nam thì thung lũng này đã trở nên bình yên, người dân chí thú làm ăn, các tệ nạn và nghèo đói bị đẩy lùi.
Giờ đây, các khu chợ đã đông vui hơn, đường sá đã to hơn, mái trường dưới chân núi luôn vang tiếng trẻ thơ, những ngôi nhà khang trang được mọc lên san sát... Đó là tín hiệu mừng cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã ngày càng ấm no, đủ đầy, sự giúp đỡ nhiệt tình của BĐBP đã phát huy hiệu quả.
Ngôi trường nhỏ dưới chân núi luôn vang vọng tiếng nói cười, vui đùa của trẻ thơ
Trò chuyện với chúng tôi, Phó bản Sùng Chơ Xùng phấn khởi: “Bản chúng tôi giờ đã có đến 345 nóc nhà với 62.661 khẩu. Không còn trồng, buôn bán, sử dụng thuốc phiện như trước nữa mà thay vào đó là đã chú trọng làm nương, chăn nuôi, buôn bán nên ít bệnh tật, đói nghèo.
Ngoài được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh động viên, giúp đỡ, hướng dẫn, dân bản chúng tôi cũng may mắn thường xuyên được giao lưu với các bạn Việt Nam, nhất là bà con xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) nên đã học được thêm cách làm ăn, buôn bán, cách xây dựng bản ngày càng đẹp. Sắp tới, chúng tôi sẽ sang bên đó để nhờ được giúp đỡ, học hỏi cách trồng trọt các loại cây ăn quả, chăn nuôi nhiều trâu bò, lợn để đưa cuộc sống tốt hơn về bản”.
Những đứa trẻ dân tộc Mông ở bản biên giới này được lớn lên trong sự bình yên, nghĩa tình nên luôn hồn nhiên, trong trẻo, tươi sáng...
Những ngày ở Thoọng Pẹ, đến đâu chúng tôi cũng được bà con nhắc tới Bộ đội biên phòng Việt Nam với thái độ nể trọng, biết ơn trìu mến. Bởi các anh đã giúp đỡ, công hiến, sẻ chia, đùm bọc đồng bào trong mọi hoàn cảnh.
Đại úy, bác sỹ Nguyễn Việt Đức - Trạm trưởng Trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ chia sẽ: “Dù đêm hay ngày, nắng hay mưa, ngày thường hay lễ tết, chúng tôi đều luôn sẵn sàng phục vụ, thăm khám cho bà con trong bản và đồng bảo 5 bản khác ở lân cận.
Bác sỹ quân y ở Trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ đang thăm khám, bốc thuốc cho người dân trong bản khi thời tiết chuyển mùa...
Chỉ tính riêng trong năm 2018, trạm đã khám chữa bệnh cho 3.500 lượt người với tổng kinh phí 105 triệu đồng, trong đó riêng phần khám và cấp phát thuốc miễn phí đã lên đến 1.200 lượt người trị giá hơn 60 triệu đồng. Nhiều ca cấp cứu được thực hiện kịp thời, nhiều bệnh nan y được phát hiện để chuyển lên tuyến trên điều trị, công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện, tình cảm ngày càng khăng khít... nên bà con yên tâm, tin tưởng và quý trọng”.
Tan cuộc liên hoan của một đám cưới người Mông trong bản, trời cũng đã xế chiều, chúng tôi lên đường trở về Việt Nam. Những tiếng nói cười vui vẻ, những cử chỉ thân thiện, sự đối đãi chân tình của người dân Thoọng Pẹ cứ theo mãi chúng tôi đến tận giờ...
Theo HTO