Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiệu quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”

16:35 31/03/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là hình thức dân chủ trực tiếp, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Công tác tham gia bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”.

MTTQ tỉnh tổ chức Hiệp thương lần 2 giới thiệu danh sách sơ bộ 118 người đủ điều kiện ứng cử đại biểu HĐND khoá XVIII (ảnh Thu Hà - Báo Hà Tĩnh)

Mặc dù thời gian triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, song đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tiến hành khẩn trương, chu đáo, thận trọng, bảo đảm đúng quy trình, đúng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. MTTQ các cấp đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, cụ thể là:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã bám sát nhiệm vụ được pháp luật quy định và quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với Thường trực HĐND, UBND các cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo bầu cử. Xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn trong hệ thống MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững Luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn để các nội dung thực hiện phải đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Thứ hai , MTTQ các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu bật mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức thành viên, tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung đa dạng để làm nổi bật vị trí, vai trò của Quốc hội, HĐND các cấp; các văn bản liên quan đến công tác bầu cử, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; số lượng, cơ cấu đại biểu (độ tuổi, vùng miền, thành phần...); việc thẩm định hồ sơ, danh sách, lý lịch của người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri; đối thoại, trao đổi, giải đáp những nội dung liên quan đến công tác bầu cử; đồng thời, nắm chắc tình hình Nhân dân để kịp thời thực hiện công tác tuyên truyền, không để xảy ra các tình huống bất lợi cho cuộc bầu cử. Phối hợp với các cơ quan báo chí mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường tin bài tuyên truyền về bầu cử... Chú trọng giới thiệu những điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Từ đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước.

Thứ ba , Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp để thành lập ở mỗi đơn vị một Ban Bầu cử và cử đại diện tham gia Ban Bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh trong đó đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh là Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh. Cùng với đó, thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 13 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII. Theo đó, cấp huyện cũng đã thành lập 13 Ủy ban bầu cử tại địa phương.

Thứ tư, MTTQ các cấp trong toàn tỉnh chuẩn bị chu đáo, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật các bước trong quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; bảo đảm về tiêu chuẩn đồng thời đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử. Để bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Hội nghị lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3/2/2021 đến ngày 17/2/2021) ; Hội nghị lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ (xong trước ngày 19/3/2021) ; Hội nghị lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức (xong trước ngày 18/4/2021) .

Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hoàn thành hiệp thương lần thứ nhất và đang khẩn trương chuẩn bị mọi công việc để tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ hai trong khung thời gian quy định. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2/2021 (tức ngày 23 tháng Chạp Âm lịch), sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số đại biểu dự kiến giới thiệu ứng đại biểu Quốc hội là 13 ; đại biểu HĐND cấp tỉnh là 118 , cấp huyện là 812 và cấp xã là 9544 đại biểu. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai vào ngày 17/3/2021 giới thiệu danh sách sơ bộ 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và 118 người ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương, tạo điều kiện để các đại biểu tham dự hiệp thương được có đầy đủ thông tin, được trao đổi, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình và có quyết định đúng đắn để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục được chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ, bảo đảm dân chủ theo đúng quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả của các hội nghị hiệp thương tác động lớn đến chất lượng công tác chuẩn bị, giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Mỗi một khâu, một bước hiệp thương là một bước rà soát, sàng lọc cán bộ, bước kiểm nghiệm lại chất lượng chuẩn bị, giới thiệu của cấp ủy về danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Do vậy, công tác hiệp thương đã được chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ từ các cấp ủy, đồng thời đề cao trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc trong tổ chức các hội nghị hiệp thương.

Thứ năm, Cùng với quá trình chuẩn bị, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ các cấp đặc biệt quan tâm công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến công tác bầu cử theo quy định, nhất là những khiếu nại, tố cáo liên quan đến người được giới thiệu ứng cử. Phối hợp với Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan làm tốt việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của người ứng cử, của cử tri. Đây là tiền đề quan trọng, quyết định đến chất lượng đại biểu, thành công của cuộc bầu cử.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến ‘”Ngày hội của toàn dân”, từ nay đến ngày bầu cử khối lượng công việc còn rất lớn, bầu cử 4 cấp diễn ra cùng một thời điểm nên phải đặt ra quyết tâm lớn để góp phần thực hiện thành công cuộc bầu cử. Để tiếp tục thực hiện thành công cuộc bầu cử cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như: giám sát việc niêm yết danh sách ứng cử viên (ĐBQH và HĐND các cấp), giám sát việc lập danh sách cử tri, giám sát việc thành lập tổ bầu cử, giám sát trong quá trình bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp chỉ đạo và hướng dẫn Ban thường trực UB MTTQ cấp huyện chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức các hội nghị cử tri để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri tại nơi ứng cử (thời gian tiếp xúc từ ngày 3-5 đến 18-5-2011), trình bày chương trình hành động (thực hiện quyền vận động bầu cử) trên tinh thần đảm bảo công bằng giữa các ứng cử viên.

MTTQ tiếp tục thực hiện phối hợp với cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri đối với đại biểu ứng cử và đối với cử tri, với Ban bầu cử, tổ bầu cử. Tiếp nhận và phân loại các ý kiến kiến nghị để xử lý. Phối hợp nắm tình hình tư tưởng của cử tri và tình hình an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tổ chức tốt công tác tập huấn bầu cử cho các thành viên của Ban bầu cử, các ủy viên của Ủy ban bầu cử, đặc biệt chú trọng tập tuấn cho tổ bầu cử để cuộc bầu cử diễn ra đảm bảo đúng luật, dân chủ, công bằng, không để tình trạng cử tri đi bầu hộ, bầu thay. Đây có thể được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của cuộc bầu cử sắp tới.

Có thể khẳng định, với những kết quả đã đạt được, cùng với những kế hoạch cụ thể triển khai những nhiệm vụ sắp tới, MTTQ các cấp đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc tổ chức hiệu quả cuộc bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh./.

Hoàng Anh Đức- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh



Ý kiến bạn đọc