Nhân lên truyền thống đạo lý, tri ân của dân tộc
Hướng về tháng 7 với các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) trong lòng mỗi chúng ta rưng rưng, xúc động…Và dường như cả nước thêm gắn bó với nhau hơn bởi đều có chung niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc về những người có công với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thực hiện di huấn của Người, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã không ngừng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” , luôn quan tâm, chăm sóc tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với cách mạng. Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong toàn tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác người có công với cách mạng và thường xuyên đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả, nhất là quan tâm đúng mức đến chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ; chăm lo nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ; tích cực tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh…Những việc làm cụ thể đó của Mặt trận, các đoàn thể đã góp phần chia sẻ, động viên để người có công và gia đình người có công khắc phục những khó khăn tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng và vươn lên trong cuộc sống.
Mặt trận Tổ quốc vận động nguồn lực xã hội tham gia Phong trào đền ơn đáp nghĩa
Ảnh; Ngân hàng NN và PT Nông thôn Hà Tĩnh xây nhà tình nghĩ cho gia đình chính sách
Hiện nay, toàn tỉnh có 359000 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó: 26.237 liệt sỹ, 37301 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 1930 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 10013 bệnh binh, 6098 người bị nhiễm chất độc hóa học, 214096 người hoạt động kháng chiến được tặng Huân, Huy chương và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Tỉnh đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 46482 người, trợ cấp một lần cho 25000 lượt người và các chính sách xã hội khác. Xác định công tác chăm sóc thương binh liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương thực hiện công tác người có công với cách mạng và đạt nhiều kết quả thiết thực. Những việc làm cụ thể đó, vừa thể hiện tình cảm trân trọng, vừa là trách nhiệm lớn lao, là mệnh lệnh của trái tim các thế hệ đi sau; từ đó đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động: Nhận phụng dưỡng chăm sóc suốt đời đối Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công; thăm hỏi, tặng quà; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; sửa chữa, xây mới nhà ở cho các hộ chính sách; đỡ đầu con em thương binh, con liệt sỹ; xây dựng Quỹ “ đ ền ơn đáp nghĩa” ; nâng cấp nghĩa trang, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ, coi sóc chu đáo các phần mộ…Ngoài các hoạt động thường xuyên, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều tổ chức nhiều hoạt động phong phú thiết thực để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà; thắp nến tri ân; tổ chức đưa đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, nhiều đối tượng chính sách được đi thăm lại chiến trường xưa, đi nghỉ dưỡng…Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng đã tập trung tuyên truyền thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật mới của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào đền ơn đáp nghĩa gắn với Cuộc vận đông “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến năm 2016, Quỹ “ đ ền ơn đáp nghĩa” các cấp đã nhận được sự ủng hộ đóng góp tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân trên 44,5 tỷ đồng. Bằng các nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, các địa phương và đóng góp của nhân dân, toàn tỉnh đã nâng cấp hàng nghìn mộ liệt sĩ; chỉnh trang 84 nghĩa trang Liệt sỹ và Nhà bia ghi tên Liệt sỹ ngày một khang trang hơn; xây mới và nâng cấp sửa chữa nhà ở cho 6062 nhà ở cho đối tượng chính sách với số tiền 173 tỷ đồng; tặng 5063 sổ tiết kiệm và hàng nghìn lượt người có công và thân nhân được thăm hỏi, tặng quà, động viên, chia sẻ vào dịp lễ, Tết và những lúc khó khăn. Tổng trị giá các hoạt động tình nghĩa lên đến hàng trăm tỷ đồng, đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn cho các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm của nghĩa tình, của sự biết ơn và kính trọng đối với sự hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong 2 năm 2014 – 2015, Mặt trận các cấp phối hợp với ngành chức năng và các đoàn thể tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Qua đó, đề xuất các ngành, các cấp tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng, các vướng mắc trong thực hiện chính sách, xử lý các trường hợp sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho người có công theo quy định. Đến nay, 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, 98% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, chúng ta chưa thể yên lòng khi còn những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, một số đối tượng đang khó khăn trong xác lập hồ sơ để giải quyết chế độ…là niềm day dứt khôn nguôi trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta.
Xác định việc thực hiện chính sách đối với người có công là một trong những nhiệm vụ quan trọng và có tính thường xuyên, để công tác người có công đạt kết quả hơn nữa và thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), Mặt trận Tổ quốc các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường thực hiện công tác chăm sóc người có công và đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tăng cường giáo dục truyền thống “ u ống nước nhớ nguồn”, “ đ ền ơn đáp nghĩa” cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tập trung vào các chương trình như: hỗ trợ cải thiện nhà ở, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Ba là, quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người có công; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, nhất là khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện chăm lo cho người có công với cách mạng.
Bốn là, phối hợp tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”. Mặt trận và các tổ chức thành viên có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về đời sống cũng như nhà ở.
Năm là, chủ động kiến nghị với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng.
Sự hy sinh của các liệt sỹ, của thương binh, người có công với cách mạng vì dân tộc, vì đất nước là vô giá! Mỗi người chúng ta hãy cùng chung tay với các cấp, các ngành bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho các gia đình chính sách. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, chúng ta hãy kính cẩn, nghiêng mình nguyện sống xứng đáng hơn nữa trước anh linh các anh hùng liệt sỹ - những người con bất tử của Tổ quốc Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, để chúng ta hưởng được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Nguyễn Thị Mai Thủy
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh